Bảo đảm an toàn lao động trong doanh nghiệp

Ngay trong Ngày Quốc tế Lao động, ngày đầu tiên của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024, tại tỉnh Đồng Nai đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 6 người chết, 5 người bị thương. Vụ việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an toàn lao động trong doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn lao động tại Công ty gỗ Bình Minh.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn lao động tại Công ty gỗ Bình Minh.

Để kịp giao đơn hàng của doanh nghiệp và người lao động có thêm thu nhập giữa lúc còn nhiều khó khăn, trong ngày nghỉ lễ 1/5, hơn 40 công nhân thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại gỗ Bình Minh (Công ty gỗ Bình Minh), đóng tại địa chỉ ấp Vàm, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vẫn đến nhà máy làm việc bình thường. Trong khi người lao động đang tập trung gia công sản xuất sản phẩm gỗ gia dụng xuất khẩu, lúc 8 giờ 10 phút, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển một khu vực rộng lớn chung quanh công ty, khiến tất cả sợ hãi.

Với vẻ mặt chưa hết bàng hoàng sau vụ nổ, chị N.T.P, công nhân Công ty gỗ Bình Minh kể lại: "Sau tiếng nổ lớn, mọi người hô hoán cùng nhau chạy ra ngoài sân thì nghe nói có nhiều người bị thương. Khi đến gần khu vực xảy ra nổ, mọi người thấy có người chết và bị thương, tất cả vội vàng đưa các nạn nhân đi cấp cứu".

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, vụ tai nạn xảy ra tại khu vực nồi hơi, xưởng bán thành phẩm của Công ty gỗ Bình Minh. Doanh nghiệp này có khoảng 200 lao động, thời điểm xảy ra vụ tai nạn có 42 công nhân đang làm việc. Công ty lắp đặt một nồi hơi dạng ống nước, công suất sinh hơi 1.000 kg/giờ ở bên ngoài, cạnh vách tôn xưởng bán thành phẩm. Quá trình sử dụng, công ty phát hiện có hiện tượng trục trặc về mặt kỹ thuật và đã liên hệ với đơn vị cung cấp thiết bị đến để kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa vào ngày 30/4. Đến sáng 1/5, cán bộ kỹ thuật của công ty vào kiểm tra, vận hành thì nồi hơi phát nổ. Kết luận bước đầu sau khi khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, Công an tỉnh Đồng Nai xác định, nguyên nhân do lỗi kỹ thuật, lò hơi phát nổ, gây ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng.

Ngay sau vụ tai nạn, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ: Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế đã kịp thời chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương có biện pháp khắc phục hậu quả, cứu chữa người bị thương và thăm hỏi gia đình các nạn nhân tử vong, đồng thời nhanh chóng điều tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn. Chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương đã kịp thời động viên, chia sẻ trước sự mất mát của gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn. Thương vong khủng khiếp lần này còn gợi lại những hình ảnh thương tâm trong vụ tai nạn lao động ở Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái mới xảy ra hơn một tuần trước làm 7 công nhân thiệt mạng, cho thấy việc tuân thủ quy tắc an toàn đã không được coi trọng.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp còn chưa quan tâm nhiều đến công tác an toàn vệ sinh lao động. Thống kê năm 2023 vừa qua cho biết, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 900 vụ tai nạn lao động, làm hơn 900 người lao động bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 18 tỷ đồng (trong đó, xảy ra 27 vụ làm 28 người chết). Nếu tính vụ nổ lò hơi xảy ra tại Công ty gỗ Bình Minh, ở Đồng Nai đã có 12 người chết vì tai nạn lao động chỉ trong hơn bốn tháng năm 2024.

Những con số nhức nhối tại địa phương được xem là "thủ phủ" công nghiệp của cả nước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp. Điều đáng lo là, ở địa bàn sớm phát triển công nghiệp dàn trải và thời kỳ đầu chưa đi vào thu hút đầu tư có chọn lọc, hiện công nghệ máy móc của nhiều công ty, nhà máy tại Đồng Nai đã trở nên cũ kỹ lạc hậu, đồng nghĩa với môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu vấn đề an toàn lao động không được xem trọng đúng mức.

Nguyên nhân ban đầu dẫn đến các vụ tai nạn lao động xuất phát từ ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn của cả người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế, thậm chí có nơi đã coi nhẹ. Cách đây ít ngày, tại lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024, với chủ đề "Tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh: Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, công đoàn các cấp, đặc biệt là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, người lao động cần tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Trong đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền về các nội dung hưởng ứng Tháng An toàn vệ sinh lao động đến tất cả công nhân lao động và chủ doanh nghiệp.

Để hành động về an toàn, vệ sinh lao động thiết thực, không chỉ dừng lại ở lễ ra quân phát động, hay xem hậu quả đau lòng từ những vụ tai nạn xảy ra như chuyện đã rồi, đến lúc các ngành chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ hơn, siết chặt việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại từng doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác, chủ động, nghiêm túc của mỗi chủ doanh nghiệp và bản thân người lao động trong chấp hành quy định bảo đảm an toàn tại nơi làm việc.

Rồi đây, cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ, kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tai nạn đáng tiếc nêu trên, nhưng nỗi đau mà gia đình và các nạn nhân phải gánh chịu sẽ còn đeo đẳng. Đó là bài học cảnh tỉnh đau xót, đáng để suy ngẫm cho những người ở lại, chớ để "mất bò mới lo làm chuồng"!