Bảo đảm an toàn giao thông gắn với hoạt động của hệ thống tòa án

NDO - Thông qua hoạt động xét xử của hệ thống tòa án, các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Ngày 22/12, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Du và Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng chủ trì Hội thảo “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới gắn với hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức tập trung tại điểm cầu Trung tâm trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (Hà Nội) kết nối các điểm cầu tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Du, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án, trong đó có hoạt động tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Thông qua hoạt động này, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.

Các cơ quan truyền thông cũng chủ động xây dựng nhiều tuyến bài, chuyên đề, phóng sự,… đem lại hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực trong thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lĩnh vực trật tự an toàn giao thông. Quá trình giải quyết, xét xử vụ án được tái hiện sinh động, có ý nghĩa thiết thực và dễ dàng đi vào đời sống nhân dân. Người dân có thể hiểu rõ hơn các quy định pháp luật; tìm hiểu nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan hành vi vi phạm.

Bảo đảm an toàn giao thông gắn với hoạt động của hệ thống tòa án ảnh 2

Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Du phát biểu.

Tòa án nhân dân Tối cao và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã ký chương trình phối hợp về công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2023-2030, được cụ thể hóa bằng kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp.

Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Du yêu cầu Tòa án nhân dân các địa phương phối hợp các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất giải pháp công nghệ truyền thông hữu ích, có tính tương tác cao để mang lại hiệu quả tốt nhất cho hoạt động thông tin tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông.

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá cao việc đẩy mạnh tuyên truyền trật tự an toàn giao thông thông qua hoạt động của hệ thống tòa án, đặc biệt là hoạt động xét xử; xây dựng án lệ liên quan tới xử lý các trường hợp vi phạm để kịp thời xử lý, tăng tính giáo dục và răn đe.

“Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong những năm gần đây, tai nạn giao thông giảm sâu rõ nét. Có được kết quả này nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các cơ quan chức năng, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của ngành tòa án. Hoạt động xét xử, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa, mỗi bản án là một kênh thông tin truyên truyền lan tỏa thông điệp quan trọng để tạo sự chuyển biến biến cơ bản về ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân, hình thành văn hóa tham gia giao thông an toàn”, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng nhận định.

Bảo đảm an toàn giao thông gắn với hoạt động của hệ thống tòa án ảnh 3

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (đứng giữa) phát biểu.

Hội thảo cũng cung cấp thông tin liên quan đến thực trạng của việc tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, công tác bồi thường trách nhiệm dân sự trong các vụ án vi phạm về an toàn giao thông và khẳng định vai trò của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với công tác bảo đảm an toàn giao thông.

Nhằm kéo giảm tai nạn giao thông bền vững và hạn chế ùn tắc giao thông, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống tòa án nhân dân và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo dựng môi trường văn minh, an toàn.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Bùi Văn Nam cho hay, thời gian qua, các vụ án vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đều được xét xử kịp thời. Việc áp dụng án lệ có ý nghĩa giáo dục pháp luật rất lớn trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, răn đe phòng ngừa chung. Toà án nhân dân tỉnh đã có 2 vụ án được lựa chọn án lệ; trong đó có án lệ liên quan việc người điều khiển vi phạm giao thông khi bị cảnh sát giao thông dừng xe nhưng không chấp hành mà tông thẳng vào cán bộ cảnh sát. Vụ án này được xét xử nghiêm minh và đưa vào án lệ.

Ông Nam cũng đề xuất đưa án lệ vào trong chương trình hoạt động của Hội đồng phổ biến giáo dục quốc gia và một số chương trình tập huấn tại trung tâm đào tạo sát hạch lái xe để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân.

Phát biểu ý kiến kết luận Hội thảo, Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao Ngô Tiến Hùng khẳng định, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam là một trong 3 nước ở Đông Nam Á giảm sâu về tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so giai đoạn trước.

Nhằm kéo giảm tai nạn giao thông bền vững và hạn chế ùn tắc giao thông, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống tòa án nhân dân và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo dựng môi trường văn minh, an toàn.