Bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đến trường

Năm học nào ngành giáo dục cũng ban hành các văn bản nhằm tăng cường quản lý, giáo dục học sinh tuân thủ quy định an toàn giao thông, nhưng tình hình vi phạm vẫn không giảm. Tình trạng này đã lặp đi lặp lại mỗi dịp đầu năm học mới, cần thực hiện trách nhiệm từ nhiều phía.
0:00 / 0:00
0:00

Bước vào mỗi năm học mới, các trường học trên địa bàn Hà Nội đều phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh. Các trường đều lồng ghép nội dung giáo dục an toàn giao thông, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trong các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, ngoại khóa, tiết giáo dục công dân... Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu tất cả các trường tổ chức ký cam kết với cha mẹ học sinh, không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; học sinh cam kết nghiêm túc thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, khảo sát ở một số cổng trường ở cả nội thành và ngoại thành cho thấy, tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm, cha mẹ học sinh đỗ xe ở nơi có biển cấm, chở quá số người quy định... khá phổ biến. Thậm chí không ít cha mẹ học sinh đi xe máy đứng lộn xộn trước cổng trường, không đội mũ bảo hiểm cho con khi đưa, đón. Trong khi đó, một số học sinh trung học phổ thông, có nơi cả trung học cơ sở đi xe máy, xe đạp điện còn dàn hàng ngang, phóng nhanh, vượt ẩu rất nguy hiểm.

Theo Ban An toàn giao thông TP Hà Nội, trong năm 2021, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến thanh, thiếu niên chiếm 3,7%. Hiện tượng thanh thiếu niên điều khiển xe máy, xe điện không biển số, không mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, bóp còi inh ỏi... diễn ra ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều em lạng lách, vượt ẩu, đem theo hung khí khi tham gia giao thông, xảy ra va chạm trên đường là sẵn sàng cãi vã, gây gổ đánh nhau, thậm chí chống người thi hành công vụ.

Trong khi đó, việc xử lý học sinh vi phạm quy định an toàn giao thông lại không đơn giản, hầu hết các trường hợp sai phạm mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, gửi thông báo về trường. Hơn nữa, học sinh có hành vi sai phạm khi bị lực lượng chức năng phát hiện thường tìm cách trốn tránh, dễ gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông. Có trường hợp khi bị bắt lỗi, chính các bậc cha mẹ học sinh lại gây khó dễ cho lực lượng chức năng, khiến công tác xử lý học sinh vi phạm giao thông không đạt hiệu quả.

Để bảo đảm an toàn giao thông cho các em học sinh, các trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa, đưa nội dung giáo dục an toàn giao thông vào giảng dạy; tăng cường trách nhiệm của lực lượng bảo vệ nhà trường, kiểm soát hành vi và phương tiện đi lại của học sinh, yêu cầu cha mẹ học sinh không giao mô-tô, xe máy cho con khi chưa đủ tuổi theo quy định. Phía lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục duy trì việc gửi thông báo các trường hợp học sinh vi phạm cho nhà trường để có hình thức xử lý nghiêm khắc; tăng cường tuyên truyền tại nhà trường bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao ý thức của học sinh khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh phải gương mẫu, chấp hành tốt hơn quy định về an toàn giao thông; đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý, giám sát con em mình khi đi xe máy, xe đạp điện tới trường ■