Cả nước hiện có 6.648 hồ chứa thủy lợi, trong đó, 1.730 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ. Các hồ bị xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung trong nhóm hồ vừa và nhỏ, được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, trong điều kiện kinh tế khó khăn, kỹ thuật hạn chế, thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp. Hiện nay, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa bố trí kinh phí và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ NN và PTNT đề nghị các địa phương phối hợp Tổng cục Thủy lợi và các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT tổ chức kiểm tra đánh giá hiện trạng các hồ chứa thủy lợi, bố trí kinh phí sửa chữa các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn; khẩn trương hoàn thành việc đăng ký an toàn hồ, đập. Tổng cục Thủy lợi cần lập quy trình vận hành mẫu để các địa phương có thể áp dụng nhằm tiết kiệm chi phí thiết kế. Các đơn vị cần chia sẻ thông tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ, khí tượng - thủy văn, tránh tình trạng lắp đặt tràn lan, gây lãng phí. Tổng cục Thủy lợi phối hợp với các địa phương chủ động nâng cao năng lực cán bộ vận hành, cán bộ tham mưu các cấp. Cùng với đó, các địa phương phải thực hiện tốt việc vận hành các hồ chứa, các hồ thủy điện cần tuân thủ việc vận hành liên hồ theo quy định. Ðồng thời, bảo đảm an toàn cho nhân dân vùng hạ du, lên phương án và thông tin đến người dân các giải pháp ứng phó khi xảy ra sự cố thiên tai...
★ Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (15-6), ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cảnh báo, mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 17-6; thời gian mưa lớn tập trung vào đêm và sáng sớm.
★ Ðể ứng phó với tình hình mưa lớn diện rộng khu vực miền núi phía bắc và trung du Bắc Bộ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai (PCTT) đã có Công điện số 02/CÐ-TW. Theo đó, yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và sản xuất. Rà soát các phương án ứng phó và triển khai công tác bảo đảm an toàn các công trình phòng, chống lũ theo cấp báo động; tổ chức rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng phó theo quy định…
★ Ngày 14-6, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau thông tin, cơ quan chức năng tỉnh đang khẩn trương tổ chức tìm kiếm thuyền viên Phan Văn Hải (ở phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) bị mất tích trên biển. Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 10-6, tàu cá BT 2584 TS, có sáu thuyền viên đang hoạt động hành nghề lưới kéo đơn ở vùng biển cách đảo Hòn Chuối khoảng 88 hải lý về hướng tây nam, hai thuyền viên Tô Văn Bảo (ở Gành Hào, Ðông Hải, Bạc Liêu) và Phan Văn Hải bị dây kéo lưới gạt rơi xuống biển. Các thuyền viên của tàu tổ chức tìm kiếm, phát hiện Tô Văn Bảo đã chết, còn Phan Văn Hải đang mất tích.
★ Tổng cục PCTT phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang đã đi kiểm tra tình trạng sạt lở bờ biển tại tuyến đê biển Gò Công. Qua kiểm tra thực tế, đoàn công tác chỉ đạo địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình sạt lở, nghiên cứu áp dụng các giải pháp tiên tiến, hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình khắc phục sạt lở nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa, bão năm 2019.
★ Ngày 14-6, Công ty cổ phần Xây dựng thủy lợi Hải Phòng đã cơ bản khắc phục bốn điểm sạt lở trên tuyến kênh thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đoạn qua xã Ðức Lạc, huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trước đó, hệ thống kênh thủy lợi này bị sạt lở nghiêm trọng, có đoạn đất sụt, lở ta-luy dương đôi bên bờ kênh với chiều dài 100 m, làm ảnh hưởng đất canh tác của các hộ dân và công trình.
★ Tỉnh Trà Vinh vừa quyết định đầu tư 35 tỷ đồng thực hiện dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lở thị trấn Cầu Ngang và xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang; trong đó, nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ 15 tỷ đồng, số tiền còn lại do ngân sách tỉnh đối ứng.
★ Từ cuối tháng 5 tại khu vực bãi bồi cửa sông Văn Úc, khu vực quận Ðồ Sơn (Hải Phòng) xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở hơn 100 ha nuôi thả ngao, tập trung tại các phường Vạn Hương, Bàng La, Ngọc Xuyên…
★ Hơn một tuần qua, người dân thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi rất lo lắng trước tình trạng cá ở hồ Ðồng Làng chết nổi trên mặt hồ. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây cá chết.
★ Ngày 14-6, Sở NN và PTNT Quảng Bình cho biết, vừa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại huyện miền núi Minh Hóa. UBND huyện Minh Hóa đã công bố DTLCP ở xã Xuân Hóa và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn bị dịch. Ðồng thời chỉ đạo tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại hộ chăn nuôi có lợn bị dịch bệnh; thành lập các chốt chống dịch trên tuyến đường liên thôn, liên xã; tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn.
★ Ngày 14-6, Sở NN và PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị bàn các giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững với diễn biến dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tính đến ngày 12-6, do DTLCP, thành phố đã phải tiêu hủy 350 nghìn con lợn, ước tính thiệt hại hơn 600 tỷ đồng; năm nay sản lượng thịt lợn ước tính chỉ đạt khoảng 200 - 220 nghìn tấn, thiếu hụt khoảng 90 - 100 nghìn tấn cho nhu cầu thực phẩm của người dân thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực ứng phó với dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại; có kế hoạch phát triển mạnh chăn nuôi bò, gia cầm và thủy sản để dần thay thế thịt lợn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng..., góp phần phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững.