Bảo đảm an toàn cho người dân vùng ảnh hưởng thiên tai

Nằm trong khu vực Tây Bắc, địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và khe suối sâu, độ dốc lớn, ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên hằng năm đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, mưa lũ; nhiều khu dân cư tại các huyện thuộc vùng cao, biên giới bị đe dọa an toàn vì lở đất, lở núi. Trước mùa mưa lũ năm nay, UBND ba tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các huyện chủ động rà soát, lập phương án cụ thể sẵn sàng ứng phó.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La diễn tập phương án di dân khỏi vùng thiên tai trong tình huống cấp bách.
Huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La diễn tập phương án di dân khỏi vùng thiên tai trong tình huống cấp bách.

Trao đổi về thực trạng các khu dân cư nằm trong vùng nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên đều chung quan điểm: Hầu hết các bản, khu dân cư đều ở các huyện vùng cao, cạnh sông, suối có độ dốc lớn, địa chất không ổn định, do vậy dễ bị tác động bởi mưa, lũ.

Hàng trăm khu dân cư nằm trong vùng nguy hiểm

Do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu rõ rệt hơn trong thời gian gần đây, các khu dân cư nằm trong vùng nguy cơ càng dễ bị tác động mạnh mẽ. Hiện tại, qua rà soát, cơ quan chuyên môn của ba tỉnh đã ghi nhận có hàng trăm khu, điểm dân cư với hàng chục nghìn hộ dân có nguy cơ cao ảnh hưởng thiên tai. Tại tỉnh Điện Biên có hai khu ở trung tâm hai xã Tìa Dình (Điện Biên Đông), Huổi Só (Tủa Chùa) xuất hiện vết nứt địa chất lớn; khu vực bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) liên tục xảy ra hiện tượng đá lăn từ trên núi xuống đã nhiều năm nay, tiềm ẩn nguy cơ đặc biệt nguy hiểm đối với sự an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Thống kê hiện tại, tỉnh Điện Biên có 28 điểm, khu dân cư tại các huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Chà nằm trong khu vực có nguy cơ thiên tai; trong đó, 18 điểm/khu dân cư nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét thuộc đối tượng bố trí ổn định theo chương trình bố trí dân cư và 10 điểm/khu dân cư nằm trong khu vực có nguy cơ thiên tai thuộc đối tượng bố trí của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại tỉnh Hòa Bình cơ quan chuyên môn cũng thống kê có hơn 200 điểm dân cư nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng thiên tai. Ông Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết: Hiện nay, Hòa Bình có 234 điểm dân cư với 5.215 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai cần phải có phương án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Trong đó: 143 điểm với 3.298 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn; 21 điểm với 167 hộ nằm trong khu vực thường xuyên bị lũ quét; 70 điểm với 1.750 hộ nằm trong khu vực thường xuyên bị ngập úng. Với Sơn La, số khu dân cư, số hộ nằm trong vùng nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai là 46 điểm với hơn 2.000 hộ dân tại các huyện, thành phố, trong đó chủ yếu ở các huyện: Thuận Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Sông Mã, Mai Sơn.

Căn cứ kết quả khảo sát các khu dân cư có nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai, UBND ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên đã chỉ đạo các ngành, thành viên ban chỉ đạo phòng chống thiên tai cấp tỉnh phải chủ động phối hợp, hỗ trợ các huyện có các khu, điểm dân cư nằm trong vùng nguy cơ xây dựng phương án ứng cứu cụ thể theo từng cấp độ rủi ro thiên tai, trên tinh thần “4 tại chỗ”, trong đó ưu tiên phương án huy động mọi nguồn lực để chủ động ứng phó hiệu quả khi xảy ra thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản cho nhân dân; liên hệ kinh nghiệm thực tiễn di chuyển dân khỏi vùng nguy cơ thiên tai mà huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã thực hiện thành công trong mùa mưa năm 2022, ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Ngay sau trận mưa lớn đêm 25/5/2022, đỉnh đồi thuộc khu vực đầu bản Huổi Đắp (xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ) đã xuất hiện tình trạng sụt lún, đứt gãy nền đất tạo nên một cung trượt, sạt dài hơn 150m, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đồi và đe dọa trực tiếp đến 28 hộ dân với hơn 140 nhân khẩu sinh sống phía dưới cung trượt sạt.

Ở góc độ chuyên môn, anh em đã nhận định rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn địa điểm, phương án di chuyển an toàn cho 28 hộ dân bản Huổi Đắp, vậy mà chỉ bốn ngày sau đó, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thì hàng trăm đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang huyện Nậm Pồ, đến ngày 30/5 Nậm Pồ đã hoàn thành di chuyển 28 hộ dân ở bản Huổi Đắp, xã Nậm Tin đến nơi ở mới an toàn.

Các gia đình còn được cán bộ, chiến sĩ các lực lượng giúp dựng nhà mới, giúp cải tạo đất vườn quanh nhà. “Từ cách làm thực tiễn của huyện Nậm Pồ, chúng tôi đã rút được bài học kinh nghiệm quý báu là huy động sức dân để hỗ trợ người dân vùng thiên tai. Có sự sát sao, quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc nhiệt tình từ cán bộ, nhân dân thì không việc gì là không thể làm hiệu quả thành công”, ông Trần Văn Thượng khẳng định.

Sẵn sàng các phương án ứng phó thiên tai cụ thể

Từ kinh nghiệm thực tiễn, sự chủ động hạn chế rủi ro cho người dân vùng có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai, trước mùa mưa lũ năm nay, UBND ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án ứng phó tình huống cụ thể.

Giải pháp chung được ba tỉnh trong khu vực Tây Bắc đặc biệt quan tâm chỉ đạo chính là yêu cầu cấp ủy, chính quyền các huyện có các khu, điểm dân cư nằm trong vùng nguy cơ phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra diễn biến thời tiết, thiên tai và các hiện tượng sạt lở đất, đá trên địa bàn để lập phương án theo dõi, cảnh báo; đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động ứng cứu. Đặc biệt, khi nhận định nguy hiểm, tình huống cấp bách thì phải kiên quyết di chuyển dân khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Trao đổi về phương án bố trí, sắp xếp dân cư khu vực nguy cơ ảnh hưởng thiên tai tại Hòa Bình, ông Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh phương án bố trí, sắp xếp dân cư theo ba hình thức là di chuyển tập trung, bố trí dân cư xen ghép và sắp xếp dân cư tại chỗ. Với tổng số 5.215 hộ dân ở 234 điểm dân cư nằm trong vùng nguy cơ, tỉnh đã có phương án bố trí 915 hộ theo hình thức di chuyển tập trung tại 28 khu tái định cư; 1.471 hộ sẽ bố trí di dân xen ghép tại 109 điểm; còn lại 2.829 hộ sẽ được bố trí ổn định tại chỗ với tổng số 102 điểm.

Với Sơn La, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, khắc phục sự cố công trình phòng chống thiên tai bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ; chỉ đạo xây dựng, triển khai phương án bảo vệ trọng điểm hồ đập thủy lợi. Phối hợp các ngành, huyện, thành phố triển khai kiểm soát an toàn thiên tai, xử lý vi phạm lấn chiếm lòng dẫn ảnh hưởng đến thoát lũ, gia tăng ngập lụt, nhất là các lưu vực suối Nậm La, Nậm Pàn, suối Tấc, suối Muội.

Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết: Trước mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo theo dõi diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo công tác ứng phó theo quy định; chỉ đạo công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trong phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững…

Ngoài các phương án theo thực tiễn từng địa phương, tại thời điểm này các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La đã chỉ đạo chính quyền địa phương thường xuyên thông tin cảnh báo đến nhân dân các vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai, để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng di chuyển khi tình huống xảy ra.