Bảo đảm an ninh-trật tự tại các khu công nghiệp

Để các khu công nghiệp (KCN) trở thành môi trường đầu tư an toàn cho doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trong thu hút vốn đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm… rất cần những giải pháp căn cơ trong quản lý, bảo đảm an ninh-trật tự (ANTT) tại các khu công nghiệp trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Công an thành phố Tân Uyên (Bình Dương) tuyên truyền pháp luật, tổ chức tập huấn các kỹ năng xử lý tình huống cho Đội Công nhân xung kích. (Ảnh HƯNG PHƯỚC)
Công an thành phố Tân Uyên (Bình Dương) tuyên truyền pháp luật, tổ chức tập huấn các kỹ năng xử lý tình huống cho Đội Công nhân xung kích. (Ảnh HƯNG PHƯỚC)

Bài 1: Ngăn chặn nguy cơ mất an ninh-trật tự

Hiện nay các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả để tăng cường bảo đảm ANTT tại các KCN như ký kết nhiều văn bản phối hợp lực lượng công an; UBND các tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa các ban, ngành; đa dạng hóa các hình thức vận động, tuyên truyền cho công nhân, lao động... Qua đó, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật như cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), “tín dụng đen”… trong các KCN được ngăn chặn kịp thời, tránh lây lan và tạo tiền lệ xấu.

Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật

Hiện nay, cả nước có khoảng 24,5 triệu lao động làm công hưởng lương, trong đó có khoảng hơn 7 triệu công nhân đang làm việc tại các KCN. Lực lượng công nhân tại các KCN chủ yếu là lao động di cư, trưởng thành từ nông dân và hầu hết là lao động phổ thông có trình độ học vấn, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, tại những KCN có đông công nhân làm việc, sinh hoạt cùng với các khu dân cư thường dễ bị lôi kéo, tác động bởi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT và an toàn xã hội.

Vừa qua, Bùi Trọng Cang (SN 2000, quê ở tỉnh Ninh Thuận) thuê anh T.V.N. (SN 1988, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) là tài xế xe ôm công nghệ chở từ Thành phố Hồ Chí Minh về phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương). Khi đi đến đoạn đường số 29 KCN Việt Nam – Singapore IIA (VSIP IIA), thuộc phường Vĩnh Tân, TP Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), Cang bất ngờ dùng dao chém anh N. bị thương rồi cướp xe bỏ chạy.

Lúc này, tổ tuần tra Đồn Công an KCN VSIP II, Công an TP Tân Uyên đang làm nhiệm vụ gần đó nghe tiếng hô và phát hiện một đối tượng đang điều khiển xe bỏ chạy với tốc độ cao cho nên đã phối hợp cùng lực lượng bảo vệ của KCN VSIP IIA truy đuổi, tạm giữ được nghi phạm. Anh N. bị thương ở vai và được lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu kịp thời.

Gần đây nhất, Công an thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm của anh Hồ Phi Trung, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH JH VINA, KCN Phú Hà, thị xã Phú Thọ về việc: Cuối năm 2022, Phạm Thị Nga (SN 1985), Lê Hồng Thanh (SN 1988) và Nguyễn Thị Ngọc (SN 1986) cùng trú tại xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đều là công nhân tại Công ty TNHH JH VINA. Sau đó, Nga xin nghỉ việc, nhưng đã bàn bạc sử dụng vân tay của Ngọc để chấm công hằng ngày bằng thông tin cá nhân của Nga.

Sau đó, Thanh và Ngọc trao đổi với nhau để làm hồ sơ khống để hưởng lương hằng tháng. Ngọc cũng nộp hồ sơ xin việc và lấy thông tin của chị Nguyễn Thị Lịch (SN 1980, trú tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông), sử dụng vân tay của Ngọc để chấm công. Tổng số tiền những người này đã chiếm đoạt của công ty là 102 triệu đồng. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nga, Thanh, Ngọc về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra, xử lý theo quy định.

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc điều hành Ban Quản lý KCN Phú Hà, thị xã Phú Thọ chúng tôi được biết đây chỉ là 1 trong số 5 vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra tại KCN từ đầu năm đến nay được Công an thị xã phát hiện, xử lý kịp thời. Để có được sự ổn định về ANTT trong KCN như hiện nay là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực giữa các ban, ngành, đoàn thể địa phương, trong đó lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt.

Ông Cường chia sẻ: KCN Phú Hà do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn 2015-2017, khi đó đã có những doanh nghiệp đầu tiên đến đầu tư xây dựng, sản xuất hàng hóa... Lợi dụng tình hình này, nhiều ổ, nhóm xã hội đen ở các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc đến thành lập các công ty trá hình hoạt động ở các lĩnh vực cung ứng dịch vụ lao động, vật liệu xây dựng, “bảo kê” thu phí doanh nghiệp gây mất ANTT. Nhiều chỉ huy công trường đã bị đe dọa, hành hung gây thương tích do không ký hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng với các công ty này. Thí dụ vào năm 2017, hai đơn vị vận tải tranh giành hợp đồng vận chuyển chuyên gia nước ngoài làm việc cho Công ty TNHH Almus Vina từ Hà Nội đến KCN này, khiến lãnh đạo Công ty rất băn khoăn, lo lắng.

Trước tình hình này, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ công an thị xã đã nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi đe dọa, tranh giành khách. Ngoài ra, công an thị xã cũng triệt phá thành công nhiều vụ án và bắt giữ nhiều đối tượng “bảo kê”, ổ, nhóm xã hội cộm cán chung quanh KCN. Để giữ vững tình hình ANTT nơi đây, lãnh đạo Công an tỉnh Phú Thọ đã cho phép thành lập tổ công tác gồm sáu cán bộ công an hoạt động trong KCN…

Những nguyên nhân gây mất ANTT

Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số KCN ở các tỉnh Bình Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ,… số vụ vi phạm pháp luật của công nhân tại các KCN đã giảm đáng kể so với những năm trước, nhất là các vụ cướp giật, trộm cắp tài sản, giết người. Các băng nhóm bảo kê, tranh giành địa bàn chèn ép các doanh nghiệp tại các KCN cũng ít xuất hiện. Lãnh đạo, công đoàn ban quản lý KCN các tỉnh, thành phố thường xuyên gắn kết với các chủ doanh nghiệp để bảo đảm đời sống người lao động, tránh trường hợp nợ đọng lương dẫn đến đình công, lãn công. Đời sống tinh thần của công nhân, người lao động cũng được quan tâm đúng mức.

Bảo đảm an ninh-trật tự tại các khu công nghiệp ảnh 1

Khu công nghiệp Thuận Đạo, thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh kết nối về chốt dân phòng phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự. (Ảnh LÊ ĐỨC)

Nhận thức, tinh thần cảnh giác của công nhân lao động trước những âm mưu phá hoại, xuyên tạc gây mất ổn định các công ty, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực… Tình hình ANTT trong nhiều KCN về cơ bản được bảo đảm, không để xảy ra nhiều vụ việc nổi cộm và phức tạp. Tuy nhiên, do các KCN thường tập trung đông công nhân, vào giờ tan tầm số lượng phương tiện của công nhân tham gia giao thông rất lớn cho nên dễ xảy ra ùn tắc cục bộ. Điều đó đồng nghĩa với số vụ vi phạm về TTATGT sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều công nhân, lao động bị mất việc làm, không có việc làm do nhiều nguyên nhân đã nhanh chóng rơi vào vòng xoáy tệ nạn xã hội, “tín dụng đen”, cờ bạc,… tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT.

Theo đồng chí Vũ Mạnh Tiên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những nguyên nhân, yếu tố gây mất ANTT tại các KCN là do nền kinh tế nước ta đứng trước nhiều thách thức, khó khăn do mặt trái của toàn cầu hóa. Sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, công nhân bị mất việc hoặc thiếu việc làm, thu nhập giảm. Ngoài ra, các tổ chức phản động, cơ hội chính trị thường lựa chọn công nhân là đối tượng để tác động, lôi kéo.

Sự phát triển của mạng xã hội làm thay đổi hình thức tiếp nhận và chia sẻ thông tin, đồng thời tác động trực tiếp đến việc tập hợp, quản lý và nắm bắt, định hướng tư tưởng đoàn viên, người lao động. Trong và ngoài các KCN, tình trạng trộm cắp, lừa đảo, “tín dụng đen”, cờ bạc, mua bán ma túy,... vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã khiến sức lao động được giải phóng, nhiều ngành nghề mới ra đời cùng với sự phát triển của khoa học- công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn. Mặt khác khi quá trình sản xuất, ngày càng được tự động hóa, người lao động sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao hơn...

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó quy định cho phép thành lập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” ngoài công đoàn, trên cơ sở phù hợp các quy định quốc tế về lao động và tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Đây là một vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ trong pháp luật lao động Việt Nam…

(Còn nữa)

“Tỉnh Thái Nguyên có nhiều KCN lớn như Yên Bình, Điềm Thụy,… và tổng số công nhân, người lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong các KCN là hơn 92 nghìn người. Tính đến hết tháng 9/2023, số lao động bị thôi việc, mất việc làm, giảm giờ làm… khoảng 3.000 người, chiếm khoảng 3,2% tổng số lao động. Tổng số lao động giảm so với cuối năm 2022 là 6.000 người và số người này đã chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã ngoài KCN. Để bảo đảm ANTT trong các KCN, Ban quản lý các KCN tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trong đó có thực hiện ký quy chế phối hợp với Công an tỉnh…”.

TRẦN QUỐC TRUNG

Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên

Bảo đảm ANTT tại các KCN giữ vai trò quan trọng trong ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư là điều kiện tiên quyết giúp công nhân, lao động và nhà đầu tư yên tâm sản xuất. Xuất phát từ tình hình thực tế, chủ đầu tư các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương đã đề nghị Công an tỉnh kiến nghị với lãnh đạo Bộ Công an thành lập được tám đồn Công an tại các KCN Việt Nam - Singapore, Sóng Thần, Kim Huy, Bàu Bàng, Mỹ Phước, Tân Uyên, Đồng An và Tân Đông Hiệp.

TRƯƠNG VĂN PHONG

Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương