Ngày 3/11, Chủ tịch vùng Tuscany của Italia, ông Eugenio Giani thông báo, mưa lớn do bão Ciaran đã gây ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, khiến 5 người thiệt mạng tại vùng miền trung của Italy này.
Mưa lớn trong đêm 2/11 còn gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng ở nhiều khu vực tại đây, cuốn trôi nhiều phương tiện.
Chính quyền vùng Tuscany cũng ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh lượng mưa lên tới 200mm trút xuống miền trung nước này trong 3 giờ liên tiếp, khiến mực nước các con sông dâng cao.
Ngoài số người thiệt mạng còn có một số người mất tích. 3 bệnh viện trong khu vực bị ảnh hưởng đã phải di chuyển bệnh nhân đến các cơ sở khác an toàn, trong khi một số tòa nhà bị tàn phá nghiêm trọng.
Trên nền tảng X (trước kia là Twitter), Chủ tịch vùng Tuscany Eugenio Giani cho rằng, thời tiết cực đoan diễn ra vào tối 2/11 ở tỉnh này là do biến đổi khí hậu. Thị trưởng Florence Dario Nardella mô tả tình hình ở thành phố này đang “nghiêm trọng”.
Bộ Quốc phòng Italia đã điều trực thăng, xe tải và máy bơm nước đến khu vực ngập lụt nhằm hỗ trợ lực lượng cứu hộ.
Cơ quan bảo vệ dân sự Italy đã ban bố cảnh báo mưa lớn và gió mạnh ở miền trung và nam Italia, với cảnh báo màu đỏ đối với các khu vực Veneto và Friuli Venezia Giulia ở miền bắc và màu cam cho 9 vùng còn lại.
Pháp và Bỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại mỗi nước, trong khi ở các nước Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức mỗi nước ghi nhận 1 trường hợp. Hầu hết những người tử vong là do gió giật mạnh, khiến cây đổ vào người.
Tại Pháp, khoảng 1,2 triệu hộ gia đình mất điện khi bão đổ bộ vào bờ biển phía tây bắc nước này.
Theo nhà quản lý lưới điện Enedis, đến tối 2/11 (theo giờ địa phương), gần 700.000 hộ vẫn trong cảnh mất điện.
Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Meteo-France cảnh báo mức độ nghiêm trọng của những cơn gió giật do bão ở khu vực Brittany phía tây nước Pháp.
Theo kế hoạch, Tổng thống Emmanuel Macron có chuyến thị sát vùng này trong ngày 3/11.
Giới chức trách địa phương cho biết, tại mũi Pointe du Raz bờ biển phía tây bắc, đã ghi nhận sức gió giật lên tới 207km/h trong khi tại thành phố cảng Brest là 156km/giờ.
Theo Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Meteo-France, bão Ciaran tiếp tục gây ảnh hưởng trong ngày 3/11, đặc biệt là vùng tây nam nước này và đảo Corsica. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Clement Beaune cho biết, dịch vụ đường sắt ở các khu vực phía tây đất nước vẫn bị gián đoạn trong thời gian này.
Nhà hàng bị hư hại do bão Ciaran tại Coudeville-sur-Mer, Pháp, ngày 2/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong khi đó, cơn bão đã làm gián đoạn giao thông đường sắt, hàng không và hàng hải tại Bỉ. Cảng biển Antwerp đã phải tạm đóng, trong khi các chuyến bay từ thủ đô Brussels bị gián đoạn.
Tại miền nam nước Anh, sức gió lên tới 135km/giờ đã gây ra sóng lớn. Hàng trăm trường học ở đây đã phải đóng cửa.
Trên đảo Jersey thuộc quần đảo Channel, người dân đã phải sơ tán đến khách sạn trong đêm do sức gió 164km/giờ gây hư hại nhiều ngôi nhà.
Cơn bão Ciaran còn khiến hơn 200 chuyến bay tại sân bay Schiphol của Hà Lan bị hủy. Tại Tây Ban Nha, hơn 80 chuyến bay tại 11 sân bay bị hủy.
Chính quyền Tây Ban Nha cảnh báo sóng cao tới 9m dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Các dịch vụ hàng không, đường sắt và đường thủy ở một số quốc gia đã rơi vào tình trạng hủy chuyến và chậm trễ kéo dài.