Về lý thuyết, kiểm soát quyền lực là quá trình tác động theo quan hệ chủ thể - đối tượng trong quan hệ, xác định trong hệ thống. Kiểm soát quyền lực dưới hình thức các thao tác, tác động dưới các hình thái hoạt động khác nhau, như kiểm tra, thanh tra, kiểm soát… Vận hành của kiểm soát quyền lực có mục đích hoàn thiện và chấn chỉnh các thiết chế, hướng tới bảo vệ nền tảng thể chế. Kiểm soát là việc một chủ thể tác động tới đối tượng theo phương thức nhất định nhằm bảo đảm sự vận hành (của đối tượng) theo đúng mục đích chủ thể.
Tạo hành lang cho toàn hệ thống
Việc các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, đánh giá hoạt động và quyết định những vấn đề thuộc chức năng, quyền hạn đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng (bị kiểm soát), chính là kiểm soát quyền lực đang được vận hành. Kiểm soát quyền lực vận hành có hệ thống, cơ chế, phương thức khác nhau. Điều đó do quan hệ, cơ chế hay phương pháp của hệ thống tổ chức trong thiết chế xã hội. Trong các nền tảng dân chủ, quan hệ giữa nhân dân, chính quyền và tổ chức chính trị là nền tảng các chủ thể với các chức năng đặc thù. Nó tạo nên các dạng, cách thức, phương thức khác nhau trong kiểm soát quyền lực.
Kiểm soát quyền lực không có mục đích làm thay chủ thể quyền lực khác. Giá trị của kiểm soát quyền lực là tạo hành lang cho từng thiết chế và toàn hệ thống, bảo đảm hoạt động theo đúng khuôn khổ, đúng pháp chế và hiệu quả xã hội.
Kiểm soát quyền lực có mục đích hoàn thiện các chủ thể và hệ thống để vận hành theo hướng tiến bộ. Như thế, kiểm soát quyền lực, không chỉ có mục đích hoàn thiện, mà còn chứa đựng giá trị của văn hóa chính trị. Về tính văn hóa trong kiểm soát quyền lực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt hay đề cập tính nhân văn về mục tiêu và phương pháp khi cho rằng, không phải thông qua kiểm tra, thanh tra để xử nặng, cách hết chức vụ mới là tốt. Nghĩa là trong kiểm soát quyền lực, khi phải sử dụng chế tài đã là nghiêm khắc nhất, nhưng không thể bỏ qua khía cạnh lương tâm và mở đường hướng thiện. Bởi kiểm soát quyền lực cũng là giải pháp ngăn chặn tiêu cực, nâng đỡ, khôi phục nhiều mặt tích cực trong con người hay tổ chức.
Kiểm soát quyền lực, về bản chất đã thể hiện tính không bình đẳng theo chức năng, vì thế nguyên tắc minh bạch, công khai, khách quan trong thực thi nhiệm vụ phải được coi là nguyên tắc quan trọng. Mọi việc phải căn cứ theo chức năng, bối cảnh, minh chứng và quyền được giải trình. Trong kiểm soát quyền lực, các phía thực hành đều theo chức trách, trách nhiệm, không theo ý chí chủ quan.
Tạo sự cân bằng trong hệ thống quyền lực
Bản chất của kiểm soát quyền lực là sự tác động của hệ thống, tạo sự cân bằng và đối trọng trong hệ thống quyền lực. Cân bằng là thuộc tính của quyền lực có tính hệ thống. Bộ máy vận hành đúng chức năng, có hiệu quả sẽ có cân bằng quyền lực. Khá nhiều những sai lệch trong lãnh đạo, quản lý điều hành dẫn đến hành lang chính trị, pháp lý bị trục trặc, chính là sự "mất cân bằng" vậy. Một sự vận hành trục trặc về chức năng, nhiệm vụ thì không thể gọi là cân bằng.
Khái niệm cân bằng, vì thế còn mang tính tích cực xã hội của hoạt động quyền lực. Hình tượng chiếc "lồng quyền lực" là hàm ý sâu sắc thông qua các quy chế, pháp chế mà chấn chỉnh, ngăn chặn những sai lệch đi ra ngoài quỹ đạo của quy chế, pháp chế. Đối trọng là duy trì cơ chế thực thi-giám sát trong hệ thống tổ chức quyền lực. Khi một cơ quan hay tổ chức thực thi trách nhiệm sẽ có chủ thể khác giám sát. Vượt quá chức năng là lạm quyền; không làm việc thuộc thẩm quyền là thoái thác, ỷ lại; không dám làm là sự dao động ý chí khi đảm nhiệm vị trí công vụ. Những biểu hiện không mạnh dạn, thậm chí không muốn thực hiện nhiệm vụ hiện nay đã được cảnh báo và đề xuất chế tài (1).
Kiểm soát quyền lực có chức năng xã hội to lớn. Mục đích trực tiếp là làm cho quyền lực ngay ngắn, chỉn chu để hoạt động hiệu quả, phục vụ xã hội phát triển. Như thế, vai trò của kiểm soát quyền lực rất rộng và rất quan trọng. Rộng ở chỗ, một là kiểm soát quyền lực làm sao để quyền lực vận hành vì lợi ích cho dân, cho nước. Hai là kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực luôn năng động, sáng tạo, thích ứng sự thay đổi. Vì xã hội thì không đứng yên, nguyện vọng của nhân dân thì đa dạng và thường không có giới hạn; nếu muốn hội nhập và coi hội nhập có ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển thì phải năng động trong nhận biết, phân tích và nắm bắt cơ hội. Ba là kiểm soát quyền lực để xây dựng nguồn lực của hệ thống một cách chuyên nghiệp, thành thạo và trách nhiệm. Các dự án treo, các thủ tục cản trở phát triển, các dự án luật tính khả thi thấp, đều không chứng minh được tính chuyên nghiệp của công tác quy hoạch. Bốn là kiểm soát quyền lực để bảo đảm có bộ máy trong sạch và tinh thần dấn thân cho xã hội. Vì vậy, những biểu hiện tham ô, tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ… đều trở thành đối tượng "nóng" của kiểm soát quyền lực, thông qua hoạt động của cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước.
Tính quan trọng đặc thù
Trong hệ thống quyền lực của hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước - nhất là hệ thống hành chính nhà nước - bao trùm hầu hết các quan hệ xã hội thuộc đối tượng của quản lý nhà nước. Kiểm soát quyền lực trong hệ thống hành chính (trong khu vực công), có tính quan trọng đặc thù.
Thứ nhất, hình thức quản lý của hành chính nhà nước mang tính toàn diện, trực tiếp. Toàn diện vì quản lý nhà nước lấy toàn bộ các quan hệ xã hội được pháp luật quy định là đối tượng quản lý. Các quan hệ rất khác nhau về nội dung (kinh tế, chính trị, văn hóa, trật tự, an toàn xã hội…), nên rất đa dạng về nguồn lực và phương pháp, công cụ quản lý. Trong quản lý xã hội của nhà nước, chỉ có nhánh hành pháp là có phương thức quản lý trực tiếp. Quan hệ giữa lập pháp (Quốc hội) và hành pháp (Chính phủ) đối với xã hội là từ cái chung, phổ biến đến cái riêng cụ thể, cá biệt. Quan hệ giữa hành chính và tư pháp là quan hệ giữa cái chung bình thường (mọi công dân sống và lao động sản xuất) và cái đặc thù khiếm khuyết (đối tượng của ngành tư pháp!).
Thứ hai, thiết chế hành chính tập trung quyền lực vào người đứng đầu. Hành chính là quản trị thông suốt, liên tục, thích ứng. Rất nhiều sự kiện trong xã hội đòi hỏi phải xử lý tức thời, lúc bình thường cũng như khi cấp bách. Vì vậy kiểm soát quyền lực khu vực công là một trong những trọng tâm và có sự đầu tư nguồn lực khá lớn.
Thứ ba, hệ thống hành chính được xã hội trao quản trị và chi tiêu vật chất là lĩnh vực rất nhạy cảm. Nói một cách ẩn dụ, quản lý nhà nước là việc tiêu tiền một cách hợp pháp, hợp lý. Mà quản lý tài chính là điều kiện để nảy sinh tham ô, tham nhũng, trục lợi. Chỉ có điều, đã là người nhà nước, thì không được lấy công phụng tư. Đó là "cuộc đấu trí, đấu lý, đấu tư cách" trong mỗi cá nhân của bộ máy công quyền!
Thứ tư, khu vực công bao gồm khu vực quản lý công và khu vực dịch vụ công, có chức năng, vai trò và vị thế xã hội khác nhau. Do tính khác biệt về chức năng nên có những sự khác biệt về thẩm quyền, tổ chức bộ máy, xây dựng nguồn lực. Vì thế, kiểm soát quyền lực cũng cần có định hướng, quan điểm và phương thức khác nhau mới có hiệu quả (Thí dụ, khu vực sự nghiệp có thể tính tới lợi nhuận, nhưng khu vực quản lý công thì không thể!).
Hoạt động kiểm soát quyền lực có tính đa hình thức và đa chủ thể. Đó là hệ thống tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra… bằng những đánh giá, kết luận, có khuyến khích, khích lệ những hoạt động tích cực; những cảnh báo, ngăn chặn, kỷ luật, chế tài… phù hợp pháp chế và chức năng của từng nhóm tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị nói chung, trong từng thiết chế nói riêng.
Mỗi chủ thể trong hệ thống chính trị có thể chế riêng, như kiểm tra theo quy định của Đảng, thanh tra của Chính phủ, xét xử của tòa án và những hoạt động theo quy chế của các tổ chức đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc. Tuy nhiên, các kết quả của hoạt động kiểm soát quyền lực được kết luận có tính quan hệ, liên hệ phối hợp theo chức năng và theo đặc điểm của từng loại quy định. Trong đó, quan hệ phổ biến nhất là giữa quy định chính trị và quy chế pháp lý. Nguyên nhân là trong hệ thống quản lý xã hội, một cá nhân có thể mang nhiều tư cách.
Mục đích của kiểm soát quyền lực, suy cho cùng là tạo động lực để phát triển và bảo đảm sự chuẩn mực về chức năng, nên cần tuân thủ hai yêu cầu rất quan trọng. Đó là kiểm soát quyền lực không được làm ảnh hưởng (làm khó, gây cản trở) đến hoạt động của cá nhân và tổ chức; và không được lẫn lộn chức năng giữa các thiết chế trong hệ thống chính trị trong thực hành chức năng của các cơ quan thực hiện kiểm soát quyền lực.
-------------------------------
(1) https://dangcongsan.org.vn (Đại biểu Quốc hội tranh luận chuyện cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm… 31/5/2023)