Băn khoăn về phương pháp định giá trong khám, chữa bệnh theo yêu cầu

NDO - Trong chuyên ngành sản khoa, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh cho rằng, giá dịch vụ y tế được xây dựng hiện nay chưa bao phủ được hết các loại hình dịch vụ kỹ thuật. Điều đó dẫn tới khó cho cơ sở y tế khi phải thực hiện tính đúng, tính đủ trong khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
0:00 / 0:00
0:00

Dù Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp đã có hiệu lực 13 ngày nhưng lãnh đạo nhiều bệnh viện vẫn tỏ ra lúng túng, băn khoăn về phương pháp định giá tối đa (giá trần), giá tối thiểu (giá sàn).

Đại diện lãnh đạo một số bệnh viện bày tỏ, hiện theo Thông tư 13, mức giá trần chưa phù hợp thực tế, nhiều dịch vụ có mức chênh lệch giữa giá trần - sàn gần 50 triệu đồng...

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hiện khung giá để tính chi phí dịch vụ theo yêu cầu của Thông tư 13 còn có vướng mắc, do không bao phủ các loại hình dịch vụ kỹ thuật.

"Cùng là mổ đẻ, nhưng nếu mổ đẻ trên sản phụ có tử cung bình thường sẽ khác với sản phụ có tử cung có nhiều bệnh lý kèm theo (mẹ có bệnh nền, rau cài răng lược, sẹo tử cung…), phải xử lý phức tạp hơn. Do đó, giá dịch vụ mổ đẻ cần phải xây dựng khác nhau chứ không chỉ quy định một mức giá chung như hiện nay", ông Ánh thí dụ.

Bên cạnh đó, việc quy định khung giá sinh thiết phôi (trong thụ tinh ống nghiệm) trên đầu người chưa chuẩn về mặt y học. "Thông tư 13 quy định giá theo đầu người, giá hơn 10,2 triệu đồng/người. Có người chỉ sinh thiết một phôi, có người có nhiều phôi, thậm chí lên tới 15-20 phôi thì giá này không đủ chi phí. Thực tế giá phải chi trả theo số phôi, không thể tính trên bệnh nhân", ông Ánh lý giải.

Hiện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội công bố hơn 1.800 giá dịch vụ y tế. Giáo sư Nguyễn Duy Ánh bày tỏ mong muốn, nếu đã xây dựng khung giá dịch vụ kỹ thuật thì phải tính đúng, tính đủ cho người bệnh và phải tính đến người thực hiện kỹ thuật theo yêu cầu. Nếu không tính đến cả 2 vấn đề này thì việc thực hiện nó sẽ không kéo dài được.

Điều này dẫn tới, người bệnh phải chờ đợi lâu để được cung cấp dịch vụ hoặc người bệnh sẽ không thích làm các kỹ thuật này ở bệnh viện công nữa. Hoặc nếu tiếp tục ở bệnh viện công, sẽ dễ dẫn tới việc người bệnh nhờ vả, xin bác sĩ giúp đỡ riêng. "Chúng tôi rất trăn trở việc này", ông Ánh nói.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, căn cứ vào khung giá theo Thông tư 13, giá dịch vụ y tế ở ngành sản phụ khoa hầu hết đều giảm. Trong đó, chủ yếu giảm giá dịch vụ kỹ thuật, trong khi người bệnh có nhiều nhu cầu chăm sóc cao hơn (như chăm sóc bên ngoài, đưa đón sản phụ, chăm sóc đặc biệt… thì lại không nằm trong quy định của Thông tư 13).

Do đó, theo Giáo sư Ánh, các bệnh viện sản khi làm dịch vụ phải nghĩ tới cung cấp dịch vụ chăm sóc cao hơn để phục vụ, chăm sóc người bệnh tốt hơn, bổ sung vào phần thu của bệnh viện.

Với quy định giá của Bộ Y tế hiện nay, thực hiện áp dụng dịch vụ yêu cầu với bệnh viện phụ sản khó. Một ca mổ khó, yêu cầu mổ vào "giờ đẹp" từ 2-5 giờ sáng, mà trong giá đó chỉ chi trả được 500.000 nghìn đồng cho bác sĩ cao tay sẽ không bác sĩ nào có chuyên môn cao làm được. Trong khi đó, chi phí trước đây cho ê-kíp thầy thuốc là với ca khó là 2 triệu, ca thường là 1,5 triệu đồng.

"Như thế thiệt hại cho người bệnh vì không được yêu cầu theo đúng ý mình, và cũng là khó khăn cho chúng tôi giữ chất xám trong bệnh viện”, ông Ánh bày tỏ.

Như vậy, theo Giáo sư Ánh, Thông tư 13 chưa bao phủ hết những đặc tính của một ca phẫu thuật mà mới chỉ đưa ra giá của một kỹ thuật, chưa bao trùm các hoạt động chăm sóc đặc biệt mà người bệnh mong muốn.

Theo khung giá mới, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong thanh toán bảo hiểm thương mại. Thực tế, bảo hiểm thương mại không thanh toán dịch vụ chăm sóc mà chỉ thanh toán dịch vụ kinh tế kỹ thuật.

"Các sản phụ nằm điều trị tại bệnh viện tư, sau khi xuất viện chỉ cần có hóa đơn ghi tổng số tiền, bảo hiểm thương mại sẽ thanh toán. Nhưng với bệnh viện công chúng tôi không làm được như vậy. Chúng tôi chỉ được ghi giá dịch vụ kỹ thuật y tế. Thí dụ, nếu một người sinh mổ, chúng tôi chỉ có thể ghi giá là 7,6 triệu. Như vậy, người bệnh phải bỏ tiền ngoài thanh toán tiền chăm sóc. Đó là khó khăn khi các bệnh viện công khi áp dụng bảo hiểm thương mại cho dịch vụ của mình", ông Ánh bày tỏ.

Với Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, hiện giá dịch vụ y tế theo yêu cầu không điều chỉnh mạnh về giá vì hầu hết giá đang mức dưới giá trần. Tuy nhiên, theo Giám đốc Nguyễn Văn Thường này, Thông tư 13 có vướng mắc phải sớm tháo gỡ là cần xây dựng định mức kỹ thuật cho từng dịch vụ. "Hiện Bộ Y tế mới đang xây dựng hoàn thiện định mức kỹ thuật dịch vụ nên chúng tôi vẫn đang phải chờ", ông Thường nói.

Tại một cơ sở bệnh viện hạng I của Hà Nội, lãnh đạo đơn vị này cũng bày tỏ băn khoăn vì với khu vực được đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc đắt tiền có chi phí khấu hao khá lớn, nếu tính đủ chi phí thì vượt giá tối đa của Bộ Y tế đưa ra trong Thông tư 13. Do đó, việc thu trong khung giá dẫn đến thu không đủ chi phí kết cấu trong giá dịch vụ, dẫn đến khó khăn trong vấn đề tự chủ.