Giá dịch vụ khám, chữa bệnh, giường dịch vụ thay đổi như thế nào?
Giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai đã thay đổi cơ bản từ 15/8. Theo đó, giá khám giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ cao cấp là 400 nghìn đồng; giá khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350 nghìn đồng; khám thạc sĩ, bác sĩ là 300 nghìn đồng.
Về mức giường dịch vụ được quy định giá mức cao nhất là 4 triệu đồng/ngày, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, hiện Bệnh viện Bạch Mai không xây dựng giá dịch vụ quá cao để phục vụ được càng nhiều người bệnh.
Ông Cơ cho rằng, bệnh viện hạng đặc biệt có thể có những bác sĩ giỏi, nhưng điều kiện về cơ sở vật chất của các bệnh viện công hiện nay không thể như các bệnh viện tư được. Nếu thu giường 4 triệu đồng phải có phòng riêng, có đầy đủ khu vệ sinh khép kín, dịch vụ ăn uống, tắm giặt hiện đại… Do đó, hiện tại bệnh viện chưa xây dựng mức giá này dành cho giường dịch vụ.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng chưa xây dựng giá giường dịch vụ mức tối đa. Tuy nhiên, đây là cơ sở y tế có giá dịch vụ y tế giảm mạnh so với trước đây. Hiện 1.478 dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu đều bằng hoặc thấp hơn giá tối đa mà Bộ Y tế quy định.
Trước ngày 15/8, giá khám theo yêu cầu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức áp dụng các mức khám bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, thì nay chỉ áp dụng một mức 500.000 đồng. Đây là mức kịch trần của Thông tư 13/2023/TT-BYT và nhiều bệnh viện đang áp dụng mức này.
Theo bảng giá niêm yết của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thì giá nhiều dịch vụ đã giảm sâu kể từ ngày 15/8, cụ thể: Tiêm, truyền tĩnh mạch giảm từ 100.000 đồng xuống 46.000 đồng; siêu âm giảm từ 300.000 đồng xuống 196.000 đồng; siêu âm tim giảm từ 500.000 đồng xuống 380.000 đồng; siêu âm đầu dò âm đạo, trực tràng giảm từ 500.000 đồng xuống 287.000 đồng; chụp X-quang số hoá giảm từ 300.000 đồng xuống 227.000 đồng…
Đặc biệt, nhiều dịch vụ kỹ thuật khác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giảm rất sâu. Theo thông tin từ bệnh viện, kỹ thuật điều trị thoát vị đĩa đệm qua da dưới hướng dẫn của cắt lớp hoặc cộng hưởng từ giảm từ 13 triệu đồng xuống còn gần 2,4 triệu đồng; chụp cắt lớp vi tính trên ổ bụng tầng thường quy giảm từ 5,6 triệu xuống còn gần 2,4 triệu đồng; phẫu thuật nối tắt tĩnh mạch chủ-động mạch phổi điều trị bệnh tim bẩm sinh phức tạp từ 61 triệu xuống còn hơn 37 triệu; phẫu thuật thay động mạch chủ từ 74 triệu xuống còn 35,2 triệu đồng...
Trước đây một ca phẫu thuật vỡ tim do chấn thương giá dịch vụ là 54 triệu, nay giảm còn hơn 23,8 triệu. Nhiều kỹ thuật vi phẫu, chuyển vạt da có nối hoặc ghép, phẫu thuật lóc động mạch chủ… cũng giảm giá rất mạnh tới vài chục triệu so với trước.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh viện chỉ điều chỉnh giảm giá, không điều chỉnh tăng giá bất cứ dịch vụ theo yêu cầu nào so với trước đây. Tuy giảm giá nhưng chất lượng dịch vụ không thay đổi.
Ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, giá sinh mổ dịch vụ (lần đầu) từ 15/8 giảm từ 16 triệu còn hơn 6,7 triệu đồng và phẫu thuật lần 2 là 7,6 triệu đồng. Với sản phụ sinh thường, giá dịch vụ giảm từ 14 triệu xuống còn hơn 4,3 triệu đồng.
Dù giá sinh mổ dịch vụ giảm, nhưng tiền giường dịch vụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tăng giá cao, từ 1,2 triệu đồng lên 3 triệu đồng/giường. Mức giường cao nhất tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội áp dụng theo Thông tư mới là 3,8 triệu đồng.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, theo quy định mới về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu của Thông tư 13 tại các cơ sở y tế công lập, giá dịch vụ kỹ thuật rất thấp, 70% kỹ thuật dịch vụ theo yêu cầu giảm giá và giảm nhiều. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, dịch vụ như mổ đẻ, phẫu thuật… đều giảm mạnh.
“Trước 15/8, một ca mổ đẻ dịch vụ là 12 triệu đồng, thì nay theo Thông tư 13 chỉ còn 7,6 triệu. Với giá mới này thu không đủ bù chi. Trước đây, một ca mổ dịch vụ khó, bệnh viện trả cho bác sĩ mổ 2 triệu đồng, ca mổ thường 1,5 triệu đồng. Nay theo giá mới, chỉ chi trả 500 nghìn đồng.
Với giá này, việc yêu cầu một bác sĩ tay nghề cao, mổ trong hoàn cảnh đêm hôm rất khó. Người bệnh sẽ thiệt thòi vì không yêu cầu được bác sĩ tốt mổ cho mình, còn bệnh viện có thể phải đối mặt với chảy máu chất xám. Chính vì vậy, khi họp hội đồng bệnh viện, Đảng ủy Ban giám đốc quyết định Bộ Y tế cho gì thì làm cái đó, giá dịch vụ kỹ thuật thấp mà giá giường cao thì bù nhau”, ông Ánh lý giải.
Theo đó, nếu đẻ thường, sản phụ nằm giường dịch vụ một ngày; nếu đẻ mổ, sản phụ nằm 3 ngày thì dù tiền giường có cao hơn một chút nhưng tiền kỹ thuật lại thấp đi một nửa. Như vậy, tổng chi phí giá dịch vụ cho một ca mổ đẻ vẫn thấp hơn so với trước đây.
Bảo đảm các bệnh viện không lạm dụng
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa tính đúng, tính đủ. Vì thế để giúp cho hoạt động tại các bệnh viện được duy trì và phát triển kỹ thuật mới, cũng như đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi người nên Bộ Y tế có Thông tư 13/2023/TT-BYT hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng kế hoạch khám chữa bệnh theo yêu cầu và khống chế giường dịch vụ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. |
Theo đó, Thông tư quy định các bệnh viện chỉ được triển khai 20% tổng số giường bệnh theo yêu cầu. Điều này sẽ giúp tránh việc lạm dụng thu, chuyển bệnh nhân từ khu vực khám bảo hiểm sang khu vực theo yêu cầu. Đồng thời, bảo đảm tính công bằng, phục vụ của các bệnh viện công lập.
Theo ông Khuê, Vụ Kế hoạch-Tài chính và thanh tra Bộ, Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ giám sát việc triển khai Thông tư 13 tại các cơ sở y tế, bảo đảm tránh được lạm dụng, ảnh hưởng đến sự phát triển của các bệnh viện, đặc biệt ảnh hưởng đến người bệnh tham gia khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.