Động thái cứng rắn của cơ quan quản lý
Ngày 31-12-2020 là thời hạn ngành y tế đặt ra cho các cơ sở y tế hoàn tất việc công khai giá thiết bị y tế cũng như giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu trên Cổng công khai y tế (https://congkhaiyte.moh.gov.vn) đúng như chủ trương mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Theo đó, tất cả phòng khám trên toàn quốc được yêu cầu công khai giá dịch vụ y tế, chất lượng của mình và công khai mức độ đánh giá sự hài lòng của người dân… Ở góc độ của đơn vị thực thi, PGS, TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư, đánh giá cao nỗ lực công khai thông tin giúp người dân được quyền lựa chọn, so sánh giá thuốc, thiết bị y tế... từ nguồn chính thống của Bộ Y tế… Người bệnh sử dụng bất cứ dịch vụ y tế nào, dù được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hay tự chi tiền túi, cũng phải được biết giá dịch vụ cũng như giá thuốc mà họ sử dụng là bao nhiêu, ông Thường nhấn mạnh.
Công khai, minh bạch toàn bộ quá trình mua sắm trang thiết bị y tế, bảo đảm người dân được hưởng các dịch vụ y tế đúng giá trị thực chính là điều mà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đặc biệt nhấn mạnh khi nói về mục tiêu của Cổng thông tin này. Tuy nhiên, công khai giá trang thiết bị y tế trên Cổng công khai y tế chỉ là một phần của minh bạch.
Điều người dân cần được biết, đó là mức giá trang thiết bị ấy từ đâu mà có? Quá trình đấu thầu được tiến hành như thế nào? Bộ Y tế muốn ngăn chặn được tình trạng nâng khống giá thiết bị ở các cơ sở y tế cần phải bảo đảm để minh bạch không mang tính hình thức. “Công luận cần được biết giá cụ thể được công khai trên Cổng công khai y tế do bên nào cung cấp - nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hay những đơn vị phân phối tại Việt Nam hay ở nước ngoài? Thậm chí, cần có sự tham chiếu với giá quốc tế để bảo đảm không có sự chênh lệch giá vô lý”, một vị chuyên gia nêu quan điểm.
Không để minh bạch nửa vời
Nghị quyết 90 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa đã được Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng 3-1997. Đây cũng là căn cứ để ba lĩnh vực này thực hiện việc xã hội hóa. Chủ trương xã hội hóa đã góp phần giúp ngành y tế tiến kịp với sự phát triển của các nước trong khu vực thậm chí trong một số lĩnh vực ngang tầm thế giới như tim mạch, ung thư và ghép tạng, đặc biệt, giúp người dân hưởng những kỹ thuật cao, hiện đại ở trong nước. Theo Bộ Y tế, nếu trước đây, mỗi năm chi phí của người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh mất khoảng từ hai đến ba tỷ USD, thì nay, số tiền này chỉ còn một phần ba và Việt Nam đã đón nhiều bệnh nhân từ nước ngoài sang chữa bệnh. Đơn cử tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau khi được xã hội hóa, bệnh viện đã vay ngân hàng đầu tư cánh tay robot dùng để sinh thiết, chẩn đoán các khối u gan, thận, phổi và làm thiết bị dẫn đường đốt sóng cao tần điều trị cho các bệnh nhân có khối u nằm sâu trong cơ thể, tỷ lệ chuyển tuyến từ 10% trước đây nay chỉ còn dưới 1%.
Tuy nhiên, cũng chính quá trình xã hội hóa đã bộc lộ nhiều “lỗ hổng” trong quản lý, như việc thiếu minh bạch trong tài sản công - tư và tự chủ tài chính tại các bệnh viện công… Vì vậy, các bệnh viện cần có những quy định pháp lý chặt chẽ để khi nhà đầu tư, người sử dụng thiết bị y tế, người vận hành các cơ sở y tế yên tâm thực hiện xã hội hóa. Mặt khác, liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe có Luật Khám, chữa bệnh, Luật Dược, Luật Truyền nhiễm... nhưng riêng về trang thiết bị y tế thì chưa được đề cập trong bất kể một bộ luật nào. Xã hội hóa y tế, vì thế không chỉ cần có cơ chế về tài chính mà phải có hành lang pháp lý.
Giải pháp từ phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã ký Chỉ thị 20 yêu cầu tất cả cơ quan y tế trong cả nước, sở y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ rà soát lại, bảo đảm quyền lợi của người thụ hưởng, công khai giá dịch vụ y tế để người dân có quyền lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng thẩm định, cấp phép trang thiết bị và chấn chỉnh việc đấu thầu, liên kết, liên doanh trong việc đầu tư trang thiết bị máy móc tại các cơ sở y tế, đồng thời sẽ phối hợp với cơ quan hải quan để làm lành mạnh lại thị trường. Mục đích cuối cùng là bảo đảm người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng với giá trị thực. TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển cộng đồng nêu quan điểm, chủ thể y tế công đang bị thương mại hóa, lại không có sự giám sát độc lập khiến cho nhiều đơn vị tự tung tự tác, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Vì vậy, cần thiết rà soát toàn bộ thiết bị xã hội hóa, nếu phát hiện sai phạm, phải xử lý nghiêm minh.
Vấn đề quan trọng nữa là phải công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của bệnh viện. Vấn đề này, theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, TS, BS Phan Huy Anh Vũ, cần sự vào cuộc tích cực của bốn “nhà”. Đó là: nhà cung cấp phải có trách nhiệm công khai giá và các thông tin liên quan các sản phẩm y tế mình sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, bảo đảm giá cả và chất lượng đúng theo cam kết. Nhà sử dụng là các đơn vị, bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm tham khảo, xác định nhu cầu đầu tư mua sắm phù hợp yêu cầu chuyên môn, kinh phí. Người dân, người bệnh thực hiện quyền giám sát và phản ánh kịp thời các thông tin, sự việc về chất lượng, giá cả, dịch vụ không phù hợp với công bố, là “nhà tiêu dùng thông minh” dựa trên cơ sở các thông tin đã được cung cấp công khai. Cuối cùng, nhà quản lý cần có trách nhiệm quản lý việc công khai y tế, bảo đảm sự đầy đủ, chính xác, tin cậy của những thông tin công khai, kịp thời thông báo các hành vi vi phạm, xử lý, chấn chỉnh đối với các đơn vị, doanh nghiệp không thực hiện sự minh bạch đúng theo cam kết.
Xã hội hóa là cần thiết để các bệnh viện tự nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, tự chủ bệnh viện nhưng không thể tách rời trách nhiệm xã hội, tính nhân văn của ngành y tế. Để tránh các hiện tượng tiêu cực cần sớm thiết lập, củng cố “rào chắn” cơ chế chính sách để kiểm soát, tạo dựng niềm tin và sự an tâm cho người dân.
Tổ chức chuyên đề:
Lưu Hương, Hoàng Nghĩa Nam