Ban hành văn bản phải bảo đảm đúng luật, hiệu lực, hiệu quả

Mặc dù công tác ban hành các văn bản đã được quy định cụ thể tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các nghị định hướng dẫn liên quan hoạt động ban hành văn bản, nhưng trên thực tế, nhiều đơn vị, địa phương còn để xảy ra sai sót, dẫn đến nhiều văn bản vi phạm quy định của luật, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Đình Xuyên (Hà Nội). (Ảnh ĐĂNG DUY)
Hoạt động tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Đình Xuyên (Hà Nội). (Ảnh ĐĂNG DUY)

Ngày 20/4/2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đề nghị tự kiểm tra, xử lý Công văn số 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa.

Theo Công văn số 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có nội dung: "Đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở".

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Do đó, yêu cầu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là không bảo đảm cơ sở pháp lý về nội dung và không thuộc thẩm quyền. Việc này có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Được biết, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và hủy bỏ Công văn số 1685 bảo đảm theo quy định.

Trước đó, trong tháng 2/2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đã đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) sửa đổi Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp vì văn bản này có nội dung trái pháp luật. Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT có nội dung yêu cầu các trung tâm đào tạo lái xe phải đổi tên thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp để "phân biệt với trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề".

Tuy nhiên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, qua xác minh, nhận thấy không có quy định về việc các cơ sở dạy nghề thành lập theo Luật Dạy nghề năm 2006 (luật cũ) phải đổi tên nhằm bảo đảm trong tên gọi có cụm từ "giáo dục nghề nghiệp".

Việc buộc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện các thủ tục, nộp hồ sơ, tài liệu để đổi tên có thể dẫn đến những thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người đã, đang tham gia đào tạo.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, hai công văn nêu trên đều là văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật, cho nên việc ban hành văn bản này là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Trên thực tế qua kiểm tra, trong thời gian qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện và yêu cầu nhiều đơn vị, địa phương đã ban hành văn bản trái với quy định của pháp luật phải thu hồi hoặc sửa đổi những nội dung trái quy định, mà hai công văn nêu trên chỉ là con số nhỏ.

Cùng với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với quy định của luật, trái thẩm quyền, thời gian qua tại nhiều bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng kéo dài thời gian ban hành văn bản hoặc đùn đẩy trách nhiệm sang các cơ quan đơn vị khác trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản.

Trong Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành đã nêu rõ, trong thời gian gần đây, thực tế ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương.

Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái thẩm quyền, trái quy định, bên cạnh việc nâng cao ý thức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tập huấn kiến thức cho đội ngũ làm công tác tham mưu, xây dựng văn bản nhằm cập nhật kịp thời những quy định mới của pháp luật; tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động ban hành văn bản tại các đơn vị, địa phương để kịp thời phát hiện sai sót.

Nhiều chuyên gia về pháp luật cho rằng, cùng với những biện pháp nêu trên, cần nghiên cứu để đưa ra quy định về việc thực hiện xem xét, đánh giá hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật; kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.