Ban hành hướng dẫn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc

NDO -

Ngày 9/11, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5175/QĐ-BYT về việc Phê duyệt tài liệu “Hướng dẫn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”. Theo đó, lao động nữ khi quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản có thể duy trì nuôi con bằng sữa mẹ bằng cách vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy hút sữa tại nơi làm việc.

(Ảnh minh họa: ANH THƯ)
(Ảnh minh họa: ANH THƯ)

Doanh nghiệp có dưới 100 lao động nữ: Phải có tối thiểu 1 phòng vắt, trữ sữa mẹ

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với các doanh nghiệp, số lượng phòng vắt, trữ sữa sẽ xây dựng dựa theo số lượng lao động nữ. Đơn vị có dưới 100 lao động nữ thì phải có tối thiểu 1 phòng vắt, trữ sữa mẹ và tối thiểu 4 phòng đối với nơi làm việc có từ 1.000 lao động nữ trở lên.

Phòng vắt, trữ sữa cần cách nơi làm việc của đa số lao động nữ không quá 10 phút đi bộ. Cần tham vấn ý kiến lao động nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ và cán bộ công đoàn để lựa chọn vị trí phù hợp. Tất cả lao động nữ cần được thông báo về vị trí của phòng vắt, trữ sữa mẹ.

Các tiêu chí của phòng vắt, trữ sữa mẹ được chia theo 2 mức cơ bản và đầy đủ, trong đó, một số tiêu chí cơ bản cần bảo đảm.

Đó là: lắp đặt tại nơi sạch sẽ, vệ sinh, dễ tiếp cận; nơi có thông khí tốt, không có tiếng ồn lớn hoặc các mối nguy hiểm khác tại nơi làm việc; cách nơi làm việc của đa số lao động nữ không quá 10 phút đi bộ, thuận tiện đi lại; gần hoặc có nguồn nước sạch để rửa tay và vệ sinh dụng cụ hút, trữ sữa; đủ rộng khoảng 6m2 để kê được bàn ghế và 1 tủ lạnh. Nếu để tủ lạnh ở bên ngoài, bảo đảm diện tích phòng tối thiểu 1,2 x 1,5m, đủ cho 1 - 2 lao động nữ sử dụng một lúc; phòng vắt, trữ sữa có biển tên, được che chắn bảo đảm riêng tư và kín đáo; có ổ điện, quạt, đèn chiếu sáng, có tủ mát riêng, có ghế ngồi, có bảng thông tin…

Căn cứ vào tình hình thực tế, người sử dụng lao động được giao nhiệm vụ triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tổ chức hoạt động truyền thông và tập huấn phổ biến cho lao động nữ của đơn vị về việc thiết lập và vận hành phòng vắt, trữ sữa mẹ.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể, đơn vị bố trí thời gian sao cho không ảnh hưởng đến việc sản xuất; phù hợp với công suất sử dụng của phòng vắt, trữ sữa mẹ, tránh quá tải; phù hợp với nhu cầu sinh học của lao động nữ trong việc vắt sữa.

Phê duyệt tài liệu “Hướng dẫn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc” -0
Quyết định số 5175/QĐ-BYT về việc Phê duyệt tài liệu “Hướng dẫn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”. (Ảnh chụp màn hình: HOÀNG LINH)

72% phụ nữ Việt Nam tham gia lao động

Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Tại Việt Nam, lao động nữ chiếm gần một nửa (48%) lực lượng lao động cả nước. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động của Việt Nam ở mức cao, khoảng 72%, cao hơn đáng kể so với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (61%) và thế giới (50%).

Phụ nữ cần được hỗ trợ khi họ đang cùng lúc phải thực hiện cả 2 vai trò công việc và chăm sóc con. Đặc biệt, giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ dưới 2 tuổi, lao động nữ cần các chính sách và biện pháp hỗ trợ thiết thực của nhà nước, cơ sở y tế, nơi làm việc, gia đình và cộng đồng để chăm sóc sức khỏe thai sản và nuôi con bằng sữa mẹ, bảo đảm nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.

Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 quy định lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng giúp người mẹ có điều kiện tốt hơn để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và chăm sóc con tốt hơn.

Việc thực hiện tốt các chính sách và can thiệp hỗ trợ, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ đã góp phần cải thiện đáng kể tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (tăng từ 19% năm 2010 lên 45% năm 2020). Tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi vẫn còn thấp, chỉ ở mức 26% (năm 2020). 

Một trong những nguyên nhân là do lao động nữ chưa được hỗ trợ tại nơi làm việc để duy trì nuôi con bằng sữa mẹ khi quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản. Các hỗ trợ này bao gồm việc tạo điều kiện của người sử dụng lao động, sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn trong việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa và bố trí thời gian để lao động nữ được vắt, trữ sữa tại nơi làm việc.

Một trong những đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp nhằm bảo đảm đời sống gia đình công nhân lao động chính là hỗ trợ lao động nữ duy trì nuôi con bằng sữa mẹ thông qua lắp đặt phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc. Trẻ được bú mẹ có nguồn dinh dưỡng tốt nhất, giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con. Gia đình cũng có thể tiết kiệm được khoảng 12% thu nhập khi không phải mua sữa công thức và giảm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh. Việc quan tâm cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ, đặc biệt là lắp đặt phòng vắt, trữ sữa tại doanh nghiệp, có thể giúp lao động nữ tập trung và tăng cường hiệu quả công việc, tạo ra lực lượng lao động ổn định cho doanh nghiệp.

Ngày 14/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Trong đó, Khoản 5 Điều 80 quy định: "Khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc".

Khoản 6 Điều 80 quy định "Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ để vắt, trữ sữa mẹ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động".

Điều 76 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ: Phòng vắt, trữ sữa mẹ là một không gian riêng tư, không phải buồng tắm hay buồng vệ sinh; có nguồn điện, nước, bàn, ghế, tủ lạnh bảo đảm vệ sinh, quạt hoặc điều hòa; bố trí ở vị trí thuận tiện sử dụng, được che chắn khỏi sự xâm phạm, tầm nhìn của đồng nghiệp và công cộng để lao động nữ có thể cho con bú hoặc vắt, trữ sữa".