Bàn giao Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Hậu Giang

NDO - Ngày 8/6, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức bàn giao tài sản đầu tư Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân cho Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang. Đây là Trung tâm thứ 33/37 Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bàn giao cho các địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Ký biên bản bàn giao Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân cho Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang.
Ký biên bản bàn giao Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân cho Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang.

Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang có tổng diện tích sàn gần 2.300m2, bao gồm: Nhà học hành chính (có 4 tầng); ký túc xá, nhà ăn, nhà xưởng, nhà bảo vệ… và các hạng mục phụ trợ khác.

Trung tâm được xây dựng trên khu đất rộng hơn 16.100m2, tọa lạc ấp 2A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A. Tổng mức đầu tư của dự án này hơn 39,9 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2013-2021.

Mục tiêu của dự án xây dựng trung tâm là đào tạo nghề, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho nông dân để ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống; xử lý sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập và giảm nghèo.

Bàn giao Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Hậu Giang ảnh 1

Trụ sở Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Hậu Giang.

Dự án sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Hậu Giang.

Trung tâm còn tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về giới thiệu việc làm cung ứng lao động theo yêu cầu người sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh; chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất.

Trung tâm tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ vốn, giống, vật tư, thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, xây dựng thương hiệu, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Theo Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, từ năm 2019 đến nay, Trung tâm này đã tổ chức dạy nghề sơ cấp được 47 lớp, 1.175 lao động với các nghề như: May công nghiệp, xây dựng (nề), hàn điện, nấu ăn… và một lớp tiếng Nhật, với 20 học viên.

Khó khăn hiện nay của Trung tâm là theo chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh sáp nhập các Trung tâm Dạy nghề trên địa bàn tỉnh lại với nhau nên không được bổ sung biên chế, kinh phí hoạt động cho Trung tâm. Trong khi đó, biên chế của Hội Nông dân tỉnh lại quá ít, nên khó phân công kiêm nhiệm.

Mặt khác, trụ sở Trung tâm không nằm ở trung tâm của huyện Châu Thành A và cách xa cơ quan chủ quản khoảng 23km, nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác cơ sở vật chất của Trung tâm để thực hiện tự chủ.