Dạy nghề cho lao động nông thôn ở Hậu Giang

NDO - Những năm qua, trong điều kiện khó khăn của tỉnh mới chia tách, nhưng Hậu Giang đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ðề án "Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định số 1956/QÐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ đã mở hướng cho Hậu Giang đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Nhiều cách làm hay

Hậu Giang là tỉnh thuần nông, nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LÐNT) rất lớn. Những năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng trung tâm dạy nghề các huyện đã cố gắng tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, nhất là tạo việc làm sau đào tạo đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả và đang được nhân rộng. Hình thức dạy nghề gắn với xây dựng mô hình điểm được tỉnh áp dụng nhiều năm nay. Ðiển hình như lớp nuôi trồng thủy sản ở ấp Sơn Phú, xã Ðại Thành, thị xã Ngã Bảy, sau khi học xong ba tháng, các học viên hùn tiền trợ cấp học nghề (khoảng 900.000 đồng/học viên) để nuôi cá trê vàng. Tuy lợi nhuận bước đầu không cao do chưa tận dụng được thức ăn thiên nhiên, nhưng ai cũng phấn khởi. Từ mô hình này, đã tạo dựng niềm tin cho họ đối với việc học nghề. Ông Ðỗ Văn Út, ở ấp Sơn Phú, một thành viên trong lớp học khẳng định: 'Từ kinh nghiệm qua quá trình nuôi ao cá tập thể này, mọi người sẽ mạnh dạn đầu tư mô hình riêng cho gia đình mình'.

Cũng với hình thức đó, Hội Cựu chiến binh xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp tổ chức học viên thành ba nhóm để nuôi cá rô đầu vuông. Việc xây dựng ba mô hình là nhằm tạo động lực thi đua giữa các tổ, phấn đấu đẩy năng suất cao hơn, từ đó đánh giá mô hình nào hiệu quả cao nhất để triển khai nhân rộng. Ông Lê Phước Nhỏ, trưởng lớp học kể lại: 'Ðó là một ngày vui, mỗi ao cả chục người cùng nhảy xuống, xông xáo vét sình. Người này gọi người kia, tiếng cười rôm rả. Nhờ vậy, tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn bó hơn'. Mô hình này không chỉ có ở các lớp học nghề nuôi trồng thủy sản mà còn áp dụng ở nhiều nghề nông nghiệp khác như trồng màu, chăn nuôi... Lúc đầu, chỉ triển khai hình thức dạy nghề này đối với những lớp học dành cho người nghèo, gần đây mới nhân rộng ra vì cách làm này mang lại hiệu quả thiết thực.

Ðối với những nghề phi nông nghiệp, ngoài hình thức đào tạo theo địa chỉ, trung tâm dạy nghề ở một số huyện còn mở thêm dịch vụ giải quyết việc làm tại chỗ cho học viên. Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành A là đơn vị thực hiện tốt việc liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo việc làm cho học viên. Mới đây, trung tâm liên kết với Công ty may Duy Anh (TP Cần Thơ) để thành lập tổ may gia công tại trung tâm cho khoảng 30 LÐNT không có điều kiện đi làm xa. Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành A Hồ Thanh Trí cho biết: 'Mô hình này đang hoạt động ở giai đoạn thử nghiệm. Mục đích chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật vững vàng hơn cho lao động sau học nghề hay chưa học nghề, tạo nguồn học viên cho các lớp học, tạo nguồn lao động lành nghề cho các công ty. Bước đầu, trung tâm chỉ nhận hàng cắt sẵn để gia công, định hướng sắp tới sẽ học cả kỹ thuật cắt để làm việc khép kín. Khi tạo được niềm tin của các công ty, chúng tôi sẽ vận động doanh nghiệp đầu tư và đăng ký kinh doanh dịch vụ'...

Vẫn còn nhiều khó khăn

Chỉ tính riêng năm 2010, tỉnh đã mở 242 lớp dạy nghề cho LÐNT với tổng số 7.260 học viên. Nâng tổng số LÐNT của tỉnh được đào tạo nghề lên hơn 26.300. Các ngành nghề nông nghiệp, như nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y, trồng trọt có tỷ lệ lao động có việc làm cao. Nghề đan lục bình, nhờ liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho lao động, nên thu hút nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương, nhất là lao động nữ. Một số nghề mới, như: May công nghiệp, may gia dụng, hàn, xây dựng, bảo vệ... có việc làm sau học nghề cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao vì được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đến cuối năm 2010 chỉ chiếm hơn 12% là còn quá thấp so với các tỉnh trong vùng và cả nước.

Thực tế, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho LÐNT của Hậu Giang còn nhiều khó khăn. Cơ sở dạy nghề trong tỉnh (công lập và tư thục) đang trong quá trình mới thành lập, phải xây dựng cơ bản, ổn định bộ máy; thiếu trang thiết bị, chương trình, giáo trình, thiếu giáo viên đủ chuẩn. Ngay như Trung tâm Dạy nghề huyện Phụng Hiệp, một trong năm trung tâm dạy nghề của tỉnh hiện nay, cũng mới xong phần xây dựng trụ sở, nhân sự làm công tác quản lý và lực lượng giáo viên dạy nghề của trung tâm vẫn còn đang loay hoay tìm kiếm. Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành năm nay sẽ mở bảy ngành nghề, trong đó có hai ngành nghề mới là điện công nghiệp và điện gia dụng. Tuy nhiên, lực lượng giáo viên cơ hữu hiện chỉ có ba người. Ðể đáp ứng công tác đào tạo, trung tâm cần thêm bốn giáo viên, nhưng hiện chưa được phân bổ biên chế nên không thể tuyển thêm được. Vì thế, trung tâm phải hợp đồng với giáo viên dạy nghề ở những trường khác về đứng lớp.

Ðể mở được lớp học ở xã vùng sâu, trung tâm dạy nghề phải di chuyển thiết bị giảng dạy một đoạn đường khá xa, nhưng người lao động vẫn chưa mặn mà với việc học nghề. Phần lớn người lao động chọn phương án đi làm thuê, làm mướn để có thu nhập ngay chứ không muốn dành thời gian đi học nghề, nhất là những lớp dành cho người nghèo và cận nghèo thường không đạt chỉ tiêu, phải tuyển sinh nhiều lần mới khai giảng được. Theo chủ trương của tỉnh là ưu tiên đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho các hộ dân vùng giải tỏa, nhưng trên thực tế rất khó vận động. Vì các gia đình có tâm lý mong đợi tiền bồi thường, không muốn tìm việc làm ở địa phương.

Tỷ lệ người lao động sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tự tạo việc làm còn quá thấp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu tiếp nhận lao động có tay nghề, nhưng mức lương đưa ra thấp, chưa đủ khuyến khích người lao động vào tìm việc. Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Thủy Nguyễn Ngọc Phước cho biết: 'Trung tâm có ký hợp đồng với Công ty may An Phước cần tuyển số lượng lao động rất lớn  nhưng do mức lương thấp và phải làm việc ở TP Hồ Chí Minh, nên học viên không muốn đi làm'...

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Võ Phú Cường: Ðể phát huy năng lực đào tạo, sở sẽ làm việc với Ban quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn, liên kết với doanh nghiệp hợp đồng đào tạo theo phương thức dạy lý thuyết tại trung tâm dạy nghề, tổ chức thực hành tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh bằng cách mở lớp tập huấn tư vấn, việc làm, dạy nghề cho bốn cán bộ ấp (trưởng ấp, phụ nữ, nông dân, thanh niên) trở thành những tư vấn viên. Ðồng thời, liên kết với doanh nghiệp tổ chức nhiều cuộc tham vấn tuyển dụng lao động ở các xã vùng sâu...

Ðây cũng là phương thức đổi mới hoạt động, nhằm nâng cao nhận thức, thu hút LÐNT tham gia các lớp đào tạo thông qua hình thức liên kết với doanh nghiệp đào tạo theo địa chỉ, trên cơ sở nắm rõ nhu cầu học nghề của người lao động, cũng như nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.