Bàn giao mặt bằng vùng dự án cao tốc qua Cà Mau hoàn thành gần 90%

NDO - Vùng dự án tuyến cao tốc đoạn qua tỉnh Cà Mau dài hơn 31km (cả tuyến đầu nối), ảnh hưởng hơn 700 hộ dân, tổng diện tích cần thu hồi hơn 170ha. Đến nay, diện tích mặt bằng đã bàn giao đạt gần 90%.
0:00 / 0:00
0:00

Cùng ngành chức năng và các đơn vị có liên quan trực tiếp kiểm tra thực tế tiến độ thực hiện Dự án thành phần đoạn Hậu Giang-Cà Mau (thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025) trên địa bàn huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), sáng 23/3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt yêu cầu tập trung quyết liệt hơn nữa công tác di dời, bàn giao mặt bằng cho vùng dự án trên tinh thần sát tình hình thực tế, làm đúng, tính đủ nhưng phải bảo đảm người dân bị ảnh hưởng bởi dự án có cuộc sống tốt hơn, đặc biệt phải có điều kiện sản xuất, ổn định cuộc sống, không để người dân thiệt thòi...

Bàn giao mặt bằng vùng dự án cao tốc qua Cà Mau hoàn thành gần 90% ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt (nón tai bèo) kiểm tra thực tế tiến độ bàn giao mặt bằng tuyến cao tốc đoạn qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Dự án thành phần cao tốc đoạn Hậu Giang-Cà Mau khởi công vào đầu năm 2023, có tuyến chính dài hơn 73km, quy mô 4 làn xe, với tổng kinh phí đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm Chủ đầu tư.

Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Cà Mau tập trung chủ yếu qua các xã Thới Bình, Tân Phú, Hồ Thị Kỷ của huyện Thới Bình. Tính luôn tuyến đấu nối vào quốc lộ 1 thì chiều dài tuyến Cà Mau hơn 31km, ảnh hưởng hơn 700 hộ dân, tổng diện tích cần thu hồi hơn 170ha, tổng chi phí giải phóng mặt bằng được duyệt là hơn 675 tỷ đồng.

Theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Cà Mau, đến nay, diện tích thu hồi, bàn giao mặt bằng trong vùng dự án đạt 89,35%. Hiện còn một số hộ chưa chấp nhận phương án bồi hoàn và địa phương đã thành lập 3 tổ công tác tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành, quyết tâm hoàn thành công tác thu hồi đất, bàn giao cho dự án trong tháng 3/2023.

Trong khi đó, theo báo cáo của nhà thầu và đơn vị thi công, tranh thủ mùa khô đang thuận lợi, các đơn vị có liên quan đang huy động 8 mũi thi công phần đường và 1 mũi thi công phần cầu với phương án “ở đâu có thi công cầu thì ở đó có lực lượng”. Tuy nhiên, tiến độ cũng đang ít nhiều bị ảnh hưởng do vướng hạ tầng điện lưới, cấp nước tại một số vị trí…

Qua kiểm tra thực tế, ngoài lưu ý đơn vị chức năng đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng vùng dự án, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau yêu cầu nhà thầu, đơn vị thi công phải có kế hoạch xây dựng cụ thể, nhất là tại những vị trí đã bàn giao mặt bằng, nếu khó khăn đường vận tải thì phối hợp cùng địa phương mở đường công vụ phục vụ thi công.

Trong thi công, cần phát huy sự chủ động, phối hợp chặt giữa các đơn vị, địa phương và người dân, bảo đảm thi công xuyên suốt nhưng không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của người dân nơi truyến đường đi qua. Cùng với đó, cần quyết liệt hơn trong tập trung thiết bị, nhân lực, quyết tâm rút ngắn tiến độ dự án vì đây là công trình trọng điểm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

"Vướng ở đâu, gỡ ngay ở đó. Tôi sẽ trực tiếp theo dõi, tham gia xử lý những tồn tại, tháo gỡ ngay những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Chúng ta quyết liệt, cùng nhau làm vì sự phát triển chung, cố gắng rút ngắn thời gian hoàn thành dự án", Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết.