Bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2023

NDO - Ngày 3/3, tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Vùng nuôi tôm công nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng.
Vùng nuôi tôm công nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng.

Đại diện các bộ, ngành Trung ương, các viện, trường, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và doanh nghiệp các tỉnh, thành phố ven biển... dự hội nghị.

Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, kết quả sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ năm 2022; bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ phát triển sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ năm 2023.

Các đại biểu tập trung thảo luận, bàn giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc để ngành tôm tiếp tục thắng lợi trong năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chỉ ra những khó khăn, thách thức của ngành tôm và nhìn nhận những bất cập trong chỉ đạo, điều hành của ngành.

Năm 2023, theo dự báo, ngành tôm có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường, giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao và nhất là biến đổi khí hậu gây ra những yếu tố bất lợi cho tôm nuôi, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh...

Bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2023 ảnh 1
Thứ trưởng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.

Ngành nông nghiệp đã đề ra 8 giải pháp phát triển ngành tôm trong năm 2023.

Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản 2017, nhất là quan tâm chỉ đạo triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

Triển khai hiệu quả một số đề án, chương trình đã phê duyệt đi đôi với ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác quản lý giống tôm nước lợ kết hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Xây dựng chuỗi sản xuất theo hướng liên kết và chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.

Bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2023 ảnh 2

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Sóc Trăng chủ trì hội nghị.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước đạt 747 nghìn ha, trong đó, tôm sú 610 nghìn ha, tôm thẻ chân trắng hơn 117 nghìn ha còn lại là tôm càng xanh và tôm khác.

Năm 2022, sản lượng tôm nuôi các loại đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng tôm sú đạt hơn 271 nghìn tấn; tôm thẻ chân trắng đạt hơn 743 nghìn tấn.

Năm 2022, nước ta nhập khẩu 328 con tôm sú bố mẹ, 184.859 tôm thẻ bố mẹ, 44.800 con hậu ấu trùng tôm sú và 16 nghìn con hậu ấu trùng tôm thẻ. Trong nước sản xuất được 21 nghìn con tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 20 nghìn con tôm sú bố mẹ. Cả nước có 2.294 cơ sở sản xuất ương dưỡng giống tôm nước lợ với sản lượng tôm giống năm 2022 đạt 159,5 tỷ con, bằng 110% so với năm 2021.

Năm 2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm hơn 4,3 tỷ USD. Cả nước có 750 nghìn ha nuôi tôm, trong đó tôm sú 610 nghìn ha, tôm thẻ 120 nghìn ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác.

Phấn đấu sản lượng tôm các loại đạt hơn 1 triệu tấn, trong đó tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 750 nghìn tấn, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác.

Năm 2023, nhu cầu tôm bố mẹ của cả nước cần khoảng 260-270 nghìn con, trong đó, tôm thẻ chân trắng 200-210 nghìn con, tôm sú 60 nghìn con; tôm giống khoảng 140-150 tỷ con, trong đó, tôm thẻ chân trắng 100-110 tỷ con và tôm sú 30-40 tỷ con…