Ban Công tác đại biểu phải tham mưu chuyên sâu, chiến lược đáp ứng yêu cầu mới

Chiều 22/3, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự Lễ Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ban Công tác đại biểu (17/3/2003-17/3/2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Công tác đại biểu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Công tác đại biểu.

Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội.

Ban Công tác đại biểu phải tham mưu chuyên sâu, chiến lược đáp ứng yêu cầu mới ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Ban Công tác đại biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương và đánh giá cao những thành tựu quan trọng 20 năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức của Ban Công tác đại biểu luôn đoàn kết một lòng, kế thừa, phát huy, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng; phát huy tinh thần chủ động, tích cực; từng bước kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ.

“Mặc dù lĩnh vực công tác có nhiều vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, chưa có tiền lệ như việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, công tác quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,… nhưng tập thể Lãnh đạo Ban qua các nhiệm kỳ đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức thực hiện bài bản, đúng với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội đã và đang phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 77 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.

Ban Công tác đại biểu phải tham mưu chuyên sâu, chiến lược đáp ứng yêu cầu mới ảnh 2

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã và đang triển khai các nhiệm vụ của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó giao Ban Công tác đại biểu thực hiện 11 trên 107 nhiệm vụ; năm 2023, Ban Công tác đại biểu có 15 nhiệm vụ, trong đó tham mưu nhiều văn bản quan trọng như: trình Quốc hội sửa đổi Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; trình sửa Nghị quyết số 85 về lấy phiếu tín nhiệm người do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn… và nhiều đề án, văn bản hướng dẫn. Nghị quyết số 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV ngày 11/7/2022 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu đã chỉnh sửa theo hướng bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu.

Việc chuyển một số nhiệm vụ cho cơ quan khác để tập trung vào công tác tổ chức bộ máy, cán bộ đã cho thấy tầm nhìn mới và yêu cầu mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Ban Công tác đại biểu là phải tham mưu chuyên sâu, chiến lược.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Trong đó cần quan tâm một số nội dung: tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tập trung nghiên cứu các vấn đề mới, quan trọng để chủ động tham mưu, sớm phát hiện những nhân tố mới, kịp thời đề xuất với Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự của Quốc hội, tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội trong hoạt động của Quốc hội.

Ban Công tác đại biểu phải tham mưu chuyên sâu, chiến lược đáp ứng yêu cầu mới ảnh 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Đồng chí đề nghị quan tâm tham mưu, kiến nghị đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đây là cơ sở để tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xác định mô hình, phương thức hoạt động của Quốc hội và đề xuất các kiến nghị trong Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; chú trọng công tác quy hoạch đại biểu Quốc hội để thật sự giới thiệu được những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Đảng và pháp luật, tham gia làm đại biểu Quốc hội; đổi mới công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội một cách khoa học, thiết thực, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Nội dung quan trọng nữa được đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh là Ban Công tác đại biểu chủ động chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 theo tinh thần từ sớm, từ xa; chú trọng hoàn thiện văn bản hướng dẫn cuộc bầu cử theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân...

Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho biết, 20 năm qua, Ban Công tác đại biểu đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuẩn bị, thực hiện nhiều hoạt động quan trọng.

Điển hình là trong công tác sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; công tác bầu cử; hoạt động tổ chức bộ máy và nhân sự; nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội; chế độ, chính sách với đại biểu Quốc hội, nhân sự không tái cử; công tác Hội đồng nhân dân…

Ban Công tác đại biểu phải tham mưu chuyên sâu, chiến lược đáp ứng yêu cầu mới ảnh 4

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm.

“Chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của Ban Công tác đại biểu chưa phải là dài, nhưng với những thành quả mà Ban đạt được trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đóng góp ngày càng hiệu quả vào hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tiến trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội là niềm tự hào của tất cả thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức Ban Công tác đại biểu”, đồng chí Nguyễn Thị Thanh nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong công tác tham mưu, triển khai công việc của Ban là: phải bám sát thực hiện Nghị quyết số 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV ngày 11/7/2022 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu; phải thường xuyên cập nhật, nghiên cứu kỹ các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ để tham mưu cho chắc, cho đúng, cho kịp thời.

Ban Công tác đại biểu cần quan tâm công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo mật thông tin, lưu trữ hồ sơ, dữ liệu; bên cạnh đó cần chủ động hơn trong công việc, trong tham khảo ý kiến của các ban xây dựng Đảng, các Bộ, ngành và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan...