Theo tờ trình của Ban Công tác đại biểu và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thành lập năm 2003.
Qua hơn 18 năm hoạt động, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Công tác đại biểu trên các lĩnh vực về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, chất vấn, bầu cử, bồi dưỡng đại biểu… ngày càng được khẳng định.
Các hoạt động đó góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Đến nay, một số nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu đã được điều chuyển cho cơ quan khác, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân có một số điểm mới; yêu cầu trong nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác nhân sự, tổ chức bộ máy ngày càng cao.
Trước yêu cầu chung về đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội, các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các quy định của pháp luật mới được ban hành, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 575/UBTVQH12 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Công tác đại biểu.
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo trình tự, thủ tục Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thay thế Nghị quyết 575/UBTVQH12 (theo thể thức cá biệt).
Cho ý kiến với việc ban hành nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu, các đại biểu nhất trí về việc cần thiết ban hành nghị quyết, đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ của Ban Công tác đại biểu và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.
Các ý kiến phát biểu đề nghị rà soát kỹ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu để bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành, không trùng lặp, chồng lấn với thẩm quyền của các cơ quan khác.
Các ý kiến cũng bày tỏ tán thành với nội dung chỉnh lý về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ban Công tác đại biểu và nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng ban, phó trưởng ban.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, Ban Công tác đại biểu chủ động làm việc với Ban Tổ chức Trung ương xin ý kiến về một số nội dung liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn của phó trưởng ban, nếu được chấp thuận sẽ bổ sung vào dự thảo nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Dự thảo nghị quyết có nội dung quy định Ban Công tác đại biểu làm đầu mối thẩm tra, cùng với các cơ quan của Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên, phê chuẩn chức danh, cho thôi làm thành viên của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.
Các đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trọng. Quy định về nội dung này cần bảo đảm quyền của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia làm thành viên Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; quyền đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội.
Tại điểm d, khoản 2, Điều 2 dự thảo nghị quyết có quy định về vai trò của Ban Công tác đại biểu trong việc tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội.
Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu về nội dung này theo hướng Ban Công tác đại biểu là cơ quan đầu mối, phối hợp Ủy ban Tư pháp có ý kiến với các nội dung liên quan quy trình, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo nghị quyết nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nội dung này sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp sau.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2015 nhằm tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, các văn bản luật liên quan và triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội khóa XV thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các văn bản quan trọng về định hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự thảo Quy chế đã được Văn phòng Quốc hội xin ý kiến và nhận được sự đồng thuận của Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước,…
Sau khi nghe ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị việc sửa đổi Quy chế cần kế thừa các quy định trước đây nhưng vẫn phải bảo đảm đổi mới hoạt động và công tác điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, bảo đảm sự bao quát trong việc sửa đổi quy trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và không được trái luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, ngoài nguyên tắc làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, cần bổ sung thêm trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và mỗi thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể.
Việc sửa đổi Quy chế mới cần phù hợp việc sửa đổi các quy định của nội quy Kỳ họp Quốc hội và Nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu.
Việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 575/UBTVQH12 thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nhiều nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, có tác động không nhỏ, điều chỉnh nhiều lĩnh vực.
Dự thảo nghị quyết gồm 6 điều, quy định về vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu; tổ chức của Ban Công tác đại biểu; nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu; nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng ban, phó trưởng ban; các điều kiện bảo đảm hoạt động của Ban Công tác đại biểu…