Bài trừ tệ nạn mê tín, dị đoan

NDO - Tệ mê tín, dị đoan vẫn tiếp diễn phức tạp trong đời sống xã hội. Cuộc đấu tranh bài trừ tệ nạn này cần sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và ý thức tự giác của mỗi người dân.

Bạn đọc Lê Minh Ðạt (TP Hồ Chí Minh): Mê tín, dị đoan là tệ nạn rơi rớt lại từ chế độ cũ, nhưng đến nay vẫn dai dẳng 'ăn sâu, bám rễ' trong suy nghĩ của nhiều người. Hiện tượng mê tín xuất hiện ở nhiều đối tượng, nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau. Chẳng hạn, việc xem ngày, giờ tốt xấu rất phổ biến, không chỉ với những việc lớn như làm nhà, cưới hỏi mà tất thảy mọi việc lớn nhỏ, nhiều người vẫn có thói quen chọn 'ngày lành, tháng tốt'. Cá biệt, có người kiêng khem đến mức cắt tóc, cạo râu cũng tránh những ngày đầu tháng. Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân, song không khuyến khích mọi người tin và làm theo những điều mê muội. Cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu trong việc đẩy lùi tệ mê tín, dị đoan. Có cán bộ lãnh đạo khi tuyển chọn, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ không căn cứ vào năng lực, phẩm chất mà lại lựa chọn người hợp tuổi, hợp mạng. Việc ký kết hợp đồng làm ăn nhiều khi cũng máy móc chọn ngày, giờ, địa điểm theo phong thủy.

Bạn đọc Hà Ngọc Phượng (Quảng Nam): Ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân còn nghèo, trình độ dân trí hạn chế, cho nên trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của tệ nạn mê tín, dị đoan. Khá nhiều hủ tục lạc hậu, man rợ vẫn tồn tại ở một số bản, làng có nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Không ít nơi, việc tổ chức ma chay, cưới xin vẫn tiến hành theo thủ tục rườm rà, rắc rối, thậm chí mê muội. Có nơi, đến nay còn duy trì hủ tục chôn cất người chết ngay trong nhà; người ốm, người mắc bệnh không đến trạm y tế, bệnh viện mà phó mặc số phận cho thầy mo, thầy cúng, thầy tướng số. Ðội ngũ thầy lang bốc thuốc, trị bệnh xuất hiện ở nhiều địa phương. Có thầy lang chữa bệnh bằng các biện pháp rất thiếu cơ sở, như làm bùa ngải, cho người bệnh uống nước lã, giẫm đạp lên người...

Bạn đọc Trương Tuyết Minh (Hải Phòng): Không chỉ những người lớn tuổi mà nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên cũng bị ảnh hưởng nặng nề của tệ mê tín, dị đoan. Ðầu năm mới, nhiều sinh viên không chú tâm việc học mà chăm chỉ lên chùa lễ bái, rút thẻ cầu may với mong muốn thi cử trót lọt, quay cóp không bị phát hiện. Nhiều em cầu kỳ tìm chọn người xông nhà, nhắn tin chúc năm mới với hy vọng gặp may cả năm. Có em duy trì việc ăn kiêng cẩn thận trước kỳ thi, khi đi thi thì lựa chọn giờ xuất hành, tìm người đón ngõ để nhằm đạt điểm cao. Tệ nạn mê tín, dị đoan lây lan, phát triển trong lớp trẻ theo tôi là rất đáng lo ngại. Cần tích cực tuyên truyền để thế hệ trẻ tránh xa và nâng cao ý thức trách nhiệm cùng cộng đồng đấu tranh, đẩy lùi tệ nạn này.