Bài toán phân phối và tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19

NDO -

Tạp chí Der Spiegel (Tấm gương) của Đức ngày 23-11 đăng bài viết về bài toán phân phối và tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, trong đó khẳng định rằng: “Những loại vaccine (ngừa Covid-19) đầu tiên sẽ sớm được đăng ký. Một số nước đã đặt hàng mua hàng tỷ liều từ lâu. Trong khi những nước khác sẽ phải đối mặt với sự phụ thuộc vào Trung Quốc hoặc Nga”.

Theo tính toán của WHO, cứ 17 giây ở châu Âu lại có một người chết do hậu quả của việc nhiễm Covid-19 (Nguồn ảnh: AP).
Theo tính toán của WHO, cứ 17 giây ở châu Âu lại có một người chết do hậu quả của việc nhiễm Covid-19 (Nguồn ảnh: AP).

Hiện thế giới đang phải đương đầu với một dự án khổng lồ: sản xuất, phân phối vaccine Covid-19 nhanh nhất cho hàng tỷ người trên thế giới. Đó là chưa kể việc tiêm chủng cũng đòi hỏi công tác hậu cần đồng bộ, khi mà bên cạnh các bệnh viện lớn, các phòng khám đủ trang thiết bị y tế, vẫn còn rất nhiều những làng mạc xa xôi, những khu ổ chuột thiếu tiện nghi, những khu vực hẻo lánh, vùng có chiến sự khó tiếp cận… Đây thực sự sẽ là một thách thức, một dự án quy mô đến mức mà nhân loại chưa từng phải đối mặt.

Hơn lúc nào hết, hiện thế giới đang chứng kiến một “cuộc đua” trong việc tìm kiếm và sản xuất vaccine. Và nhân loại có lý do để hy vọng: rõ ràng, trong tương lai gần, thế giới sẽ không chỉ có một loại vaccine ngừa corona virus duy nhất, mà sẽ là có nhiều loại cùng một lúc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có 48 loại vaccine tiềm năng đang được thử nghiệm lâm sàng. Trong số này, nhiều loại đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, trong đó phải kể đến các nhà sản xuất hàng đầu tại Trung Quốc, Mỹ, một số quốc gia châu Âu, Nga và Ấn Độ.

Tại Nga, tờ báo viết: “Tổng thống Nga Vladimir Putin mong muốn việc tiêm chủng hàng loạt sẽ bắt đầu tại Nga trong năm nay. Tuy nhiên, trước đó Tổng thống sẽ phải thuyết phục người dân đồng ý tiêm chủng”.

Trong khi đó, theo các cuộc thăm dò, 59% số người Nga được hỏi từ chối tiêm chủng vì họ không tin vào vaccine mà Nga công bố hồi tháng 8 vừa qua. Khoảng 10 nghìn người, đại diện các nhóm nguy cơ, bao gồm cả giáo viên và bác sĩ đã được tiêm chủng, chủ yếu sống tại Moscow.

Theo các phương tiện truyền thông Nga: “Mặc dù đã được tiêm vaccine, nhưng 10 bác sĩ trong số này vẫn bị nhiễm bệnh Covid-19. Bộ Y tế Nga giải thích chín trường hợp là do họ chỉ được tiêm một mũi vaccine, trong khi liều dùng bắt buộc là hai mũi tiêm, để hình thành miễn dịch”.

Một vấn đề nữa mà Nga cần giải quyết sớm đó là khắc phục khó khăn trong khâu vận chuyển vaccine. Là quốc gia rộng lớn nhất thế giới, trải dài qua 11 múi giờ, việc cung cấp vaccine tới các vùng xa xôi của Nga đang bị trì hoãn do thiếu hệ thống vận chuyển và làm mát.

Không chỉ vaccine do Nga sản xuất đang đối mặt thách thức bảo quản (giữ lạnh) trong khâu vận chuyển. Quả thật, giữ lạnh vaccine đang là một vấn đề. Dựa trên công nghệ mRNA, một loại vaccine tương lai của Biontech và Pfizer phải được bảo quản ở nhiệt độ khoảng -70 độ, điều mà ngay cả các bệnh viện hiện đại cũng không thể đáp ứng. Trong khi đó hầu như các loại vaccine ngừa Covid được phát triển hiện nay đều đòi hỏi bảo quản lạnh.

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh bảo vệ nguồn vaccine trong quá trình vận chuyển, phân phối cũng được tính đến. Thậm chí, để ngăn chặn hành vi đánh cắp vaccine, các công ty dược phẩm đang xem xét khả năng trang bị hàng hóa bằng thiết bị theo dõi GPS, hoặc gửi xe tải rỗng, nhằm nguỵ trang trước các vụ tấn công đánh cắp.

Trong khi vaccine chưa sẵn sàng, các nhà quản lý hiện vẫn chưa rõ làm cách nào để tổ chức 15 nghìn chuyến bay, theo tính toán của Công ty dịch vụ Logistics DHL, cần thiết để phân phối vaccine trên khắp thế giới. Đó là chưa kể các trạm tiêm chủng và nhân viên y tế phải có đủ trình độ chuyên môn để tiêm vaccine.

Trong khi đó, ông Richard Mihigo, một đại diện của WHO tại châu Phi lo ngại không chỉ ở việc thiếu vaccine, mà còn ở chỗ vaccine không được bảo quản đúng cách. 

Ông nhắc lại một thực tế là: “Tại châu Phi, việc lập kế hoạch và thực hiện tiêm chủng có thể ví như những chiến dịch quân sự”. Tại đây, có một thực tế là đôi khi các đội tiêm chủng không thể tiếp cận người dân ở các vùng sâu vùng xa. Trong khi an ninh cũng là một vấn đề.

Chẳng hạn, trong đợt bùng phát dịch Ebola ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo năm 2018, thậm chí phải mất một đoàn xe quân sự để yểm trợ đội y tế tiếp cận khu vực do các nhóm vũ trang chiếm đóng”.

Ông Adar Punavalla, chủ sở hữu một trong những công ty sản xuất vaccine lớn nhất thế giới cho rằng “thế giới đang bắt đầu rơi vào tình trạng phân loại theo kiểu “khối vaccine”. Nghĩa là vaccine mRNA tiên tiến có khả năng được sử dụng chủ yếu ở các nước phát triển, giàu có”. Bởi vì loại vaccine này được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, đòi hỏi thiết bị bảo quản đắt đỏ hơn, trong khi giá thành của chúng lại cao, dự kiến ​​từ 20 đến 25 USD cho mỗi liều.

Tập trung phòng, chống dịch Covid-19