Bài toán cấp điện cho vùng cao Bắc Kạn

Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn vẫn còn hơn 3.200 hộ dân của hơn 100 thôn, bản tại 40 xã thuộc bảy huyện chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hàng nghìn hộ dân vẫn đón Xuân trong ánh đèn dầu, đèn pin leo lét. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, nhưng do thiếu vốn cho nên Bắc Kạn vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Tỉnh đang nỗ lực cao độ nhằm từng bước cấp điện cho các thôn, bản này.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty Điện lực Bắc Kạn thi công kéo điện về vùng cao. (Ảnh CÔNG TY ĐIỆN LỰC BẮC KẠN)
Công ty Điện lực Bắc Kạn thi công kéo điện về vùng cao. (Ảnh CÔNG TY ĐIỆN LỰC BẮC KẠN)

Toàn tỉnh Bắc Kạn có gần 1.200 thôn bản (hơn 78.800 hộ dân) đã được sử dụng điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 97,68%. Tuy số hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia còn rất ít, song các hộ này đã phải chịu cảnh không có điện sinh hoạt hàng chục năm qua, cản trở sự phát triển của các địa bàn vùng cao. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, cử tri lần nào cũng đề nghị sớm cấp điện cho các hộ dân. Ông Hoàng Văn Giang ở xã Phúc Lộc (huyện Ba Bể) cho biết, xã còn nhiều thôn chưa có điện, cử tri nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Một số khu vực thôn, bản tuy có đường dây điện lưới quốc gia đi qua, nhưng vì chưa có đường dây 0,4 kV, cho nên người dân không sử dụng được. Ông Đặng Văn Phú ở xã Cao Tân (huyện Pác Nặm) cho hay, một thời gian dài, nhiều hộ dân trong vùng chưa được đầu tư đường điện 0,4 kV sau trạm biến áp, dù đã có đường dây 35 kV đi qua. Người dân phải tự bỏ tiền mua dây điện, lắp đặt công-tơ nhưng vì đi dây quá xa, cột điện làm bằng cây tre không bảo đảm an toàn, tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng nhân dân.

Tình trạng không có điện trong thời gian dài đã gây nhiều cản trở, vất vả cho việc mưu sinh của người dân và sự phát triển của các thôn, bản vùng cao. Ở những thôn, bản này, người dân sử dụng đèn dầu hoặc đèn pin sạc, một số ít hộ kinh tế khá thì sử dụng máy phát điện mi-ni lắp ở các khe suối. Tuy nhiên, vào mùa khô, nước ít không đủ chạy máy, người dân chỉ dùng đèn pin. Do không có điện, sóng điện thoại cũng yếu, liên lạc với bên ngoài rất hạn chế, không sử dụng được các thiết bị nghe nhìn, máy móc thiết yếu như xay xát gạo phải dùng máy nổ chạy dầu, vừa vất vả, vừa tốn kém cho người dân.

Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020 được Bộ Công thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ cuối tháng 7/2016. Dự án có mục tiêu cấp điện cho 3.524 hộ dân với nhu cầu vốn đầu tư hơn 363 tỷ đồng, quy mô đầu tư hơn 251 km đường dây trung áp, hơn 220 km đường dây hạ áp và 73 trạm biến áp. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, dự án vẫn chưa được Trung ương cấp vốn. Để tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho dự án 382 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh hơn 60 tỷ đồng. Đến nay, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bắc Kạn đã hết thời gian thực hiện.

Bộ Công thương cũng trình Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công “Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025” nhưng chưa được cấp vốn. Tỉnh nỗ lực lồng ghép vốn các chương trình đầu tư cấp điện nhưng rất nhỏ giọt so với nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, năm 2023, toàn tỉnh vẫn còn hơn 3.200 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.

Để giải quyết tình trạng này, Bắc Kạn thực hiện các giải pháp huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư kéo điện. Do vốn ít, phương châm được tỉnh đưa ra là ưu tiên cho những thôn, bản xa, nơi có điều kiện khó khăn. Năm 2023, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc đã bố trí hơn 20 tỷ đồng đầu tư cấp điện cho 344 hộ dân tại 11 thôn, bản của Bắc Kạn, Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí 20 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để đầu tư cấp điện cho 311 hộ dân tại 12 thôn, bản thuộc địa bàn 3 huyện Ba Bể, Pác Nặm và Ngân Sơn; huyện Chợ Đồn cũng bố trí 20 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cấp điện cho 165 hộ dân thuộc bốn thôn. Đến cuối tháng 1/2024 vừa qua, dự án của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc đã hoàn thành thi công xây dựng và đóng điện vận hành cho 344 hộ dân ở 11 thôn, bản tại các huyện Bạch Thông, Ba Bể, Pác Nặm.

Dự án cấp điện của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đầu tư đang thực hiện bước thiết kế bản vẽ thi công-dự toán và phê duyệt theo quy định; dự kiến sẽ khởi công đầu quý II năm 2024. Dự án sẽ đầu tư xây dựng mới 3 trạm biến áp 50 kVA-35/0,4 kV; 1,82 km đường dây 35 kV và hơn 18 km đường dây 0,4 kV. Dự án do huyện Chợ Đồn đầu tư hiện đã đóng điện vận hành cho 205 hộ dân,... Việc hoàn thành các công trình này sẽ giúp tỉnh có hơn 1.200 thôn, bản với hơn 79.300 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 98%. Qua rà soát, trên địa bàn toàn tỉnh còn khoảng 2.700 hộ dân của 102 thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.

Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Thắng, việc tìm ra các giải pháp cấp điện cho các thôn, bản, hộ dân chưa có điện là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách, cần sự đặc biệt quan tâm và chung tay đóng góp của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Tỉnh xác định thu hút mọi nguồn lực đầu tư cấp điện cho các thôn, bản, hộ dân chưa có điện với phương châm cùng phối hợp giữa Trung ương với địa phương và nhân dân, kết hợp với các Chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước đầu tư xây dựng lưới điện phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực. Trước mắt, ưu tiên đầu tư cấp điện cho các thôn, bản có số hộ dân tương đối tập trung thuộc các xã có tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia thấp hơn mức bình quân chung toàn tỉnh.

Đầu tháng 3 vừa qua, tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị Tổng công ty Điện lực Miền Bắc tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới hơn 28 km đường dây 35 kV, hơn 22 km đường dây 0,4 kV và lắp đặt 10 trạm biến áp, nhằm cấp điện cho hơn 440 hộ dân các huyện Pác Nặm, Ba Bể, Ngân Sơn. Đề xuất này đã được Tổng công ty Điện lực Miền Bắc nhất trí hỗ trợ kinh phí.

Thời gian tới, tỉnh dự kiến đầu tư xây dựng mới hơn 170 km đường dây 35 kV, hơn 143 km đường dây 0,4 kV và lắp đặt 63 trạm biến áp để cấp điện cho hơn 2.700 hộ dân, tổng nhu cầu vốn hơn 350 tỷ đồng. Nhân dân đóng góp đường dây sau công-tơ, bảng điện, thiết bị điện trong nhà. Tỉnh sẽ báo cáo, kiến nghị Trung ương xem xét, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn thực hiện, đồng thời rà soát, lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cấp điện. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh sẽ nâng tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia lên 98,5% theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.