Bài học chia sẻ vaccine

Giữa lúc các nước đang căng sức phòng, chống sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, thế giới lại một lần nữa chứng kiến tình trạng bất bình đẳng về vaccine như thời kỳ đại dịch Covid-19 hoành hành. Bài học về sự đoàn kết, chia sẻ và phân phối công bằng vaccine tiếp tục được các chuyên gia nêu cao để không ai bị bỏ lại phía sau.
0:00 / 0:00
0:00

Dược sĩ Virginie Ceyssac làm việc tại một hiệu thuốc ở thành phố Lille, miền bắc nước Pháp, cho biết số người Bỉ đến tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ tại hiệu thuốc của cô chiếm khoảng từ 30% đến 40% số người tới tiêm phòng. Trong mùa hè vừa qua, hàng trăm người tại châu Âu đã vượt biên giới để tìm kiếm cơ hội tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ, mà nguồn cơn là từ sự bất bình đẳng về tiếp cận vaccine.

Theo truyền thông Pháp, tại Bỉ, chỉ có 3.000 liều vaccine dành cho những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh, trong khi nước láng giềng Pháp lại có số lượng vaccine lớn hơn nhiều, với hơn 53.000 liều đã được sử dụng. Tại Thụy Sĩ, chính phủ đang đứng trước sức ép do việc tiếp cận vaccine còn hạn chế, dù Thụy Sĩ mới đây tuyên bố sẽ mua 100.000 liều vaccine.

Mặc dù hiếm khi gây tử vong, song virus đậu mùa khỉ có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đối với người nhiễm bệnh. Căn bệnh này lây lan tại nhiều quốc gia, gia tăng sức ép cho hệ thống y tế toàn cầu, vốn đã chao đảo vì đại dịch Covid-19 trong gần ba năm qua.

Nhiều nước nhanh chóng triển khai tiêm vaccine Imvanex phòng bệnh đậu mùa khỉ trên quy mô lớn. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ hiện nay khiến nhiều tổ chức, chuyên gia y tế trên thế giới lo ngại và thúc giục các thỏa thuận ngoại giao mới để chia sẻ vaccine với các quốc gia có nhu cầu.

Ông Toni Poveda, Giám đốc Tổ chức HIV CESIDA ở Tây Ban Nha nhận định, việc các nước như Pháp, Đức và Hà Lan có một số lượng lớn vaccine trong khi Tây Ban Nha, một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi bệnh đậu mùa khỉ, thì mới chỉ có 17.000 liều, là một điều bất hợp lý.

Làn sóng lây lan bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp khiến nhu cầu về vaccine gia tăng đột biến. Đáng nói là, lượng vaccine trên toàn cầu đang rất khan hiếm và đây cũng là một trở ngại lớn đối với những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính sẽ cần 10 triệu liều vaccine để bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Hiện mới chỉ có khoảng 40% số quốc gia ghi nhận sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ được tiếp cận vaccine. WHO đang nỗ lực thiết lập một cơ chế phân phối công bằng vaccine, song việc tiếp cận mặt hàng này khi nguồn cung vaccine còn hạn chế là một thách thức.

Bảo đảm tiếp cận bình đẳng vaccine từng là bài toán hóc búa trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu. Tình trạng nghịch lý khi nơi thì thừa vaccine ngừa Covid-19 đến mức phải vứt bỏ vì quá hạn sử dụng, nơi lại không có vaccine để cứu sinh mạng của người dân đã trở thành vấn đề gây nhức nhối dư luận.

Đáng tiếc là, kịch bản này nhiều khả năng lặp lại với bệnh đậu mùa khỉ. Giới chức y tế châu Phi đã chỉ trích tình trạng bất bình đẳng về vaccine trong ứng phó bệnh đậu mùa khỉ và cảnh báo về việc châu Phi đang bị bỏ lại phía sau. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi Ahmed Ogwell nhấn mạnh, thực tế hiện nay đang giống với thời kỳ các quốc gia chạy đua giành vaccine ngừa Covid-19.

Ông Ahmed Ogwell nêu rõ, nếu châu Phi không an toàn, phần còn lại của thế giới cũng sẽ không an toàn. Mới đây, Bavarian Nordic, nhà sản xuất vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ của Đan Mạch, thông báo đã ký kết thỏa thuận với WHO để tạo điều kiện thuận lợi phân phối vaccine cho khu vực Mỹ Latin và Caribe. Công ty này cũng nỗ lực thúc đẩy sản xuất để đáp ứng nhu cầu vaccine đang ở mức cao trên toàn cầu.

Chuyên gia Boghuma Kabisen Titanji tại Đại học Emory (Mỹ) nhận định, những sai lầm đã từng mắc phải trong đại dịch Covid-19 đang lặp lại. Bài học về tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ vaccine và thúc đẩy một cơ chế phân phối công bằng thay vì "mạnh ai nấy làm", chạy đua tích trữ vaccine vẫn và sẽ còn nguyên giá trị. Cũng như dịch Covid-19, dịch đậu mùa khỉ không có biên giới. Chỉ có sự phối hợp hành động của các quốc gia mới là vũ khí hữu hiệu nhất giúp toàn thế giới chiến thắng dịch bệnh.