Việt Nam kiên cường thực hiện mục tiêu kép

Bài 5: Kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép

NDO -

Sáu tháng đầu năm 2021, trong hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng về tổng thể nước ta đã thực hiện khá thành công cùng lúc các mục tiêu. Đó là hạn chế, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Vừa chống dịch tốt, vừa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, Hải Phòng được các doanh nghiệp nước ngoài chọn để tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại đây. Trong ảnh: Tập đoàn LG tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). (Ảnh: Ngô Quang Dũng)
Vừa chống dịch tốt, vừa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, Hải Phòng được các doanh nghiệp nước ngoài chọn để tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại đây. Trong ảnh: Tập đoàn LG tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). (Ảnh: Ngô Quang Dũng)

Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá là một điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch trên thế giới, một dân tộc đoàn kết, kiên cường, một địa chỉ đầu tư đáng tin cậy của các nhà đầu tư.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Mặc dù trong tháng 6, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn những diễn biến khó lường, nhất là tại các tỉnh phía nam, nhưng nhìn chung, công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao đã tạo cơ sở vững chắc, ổn định cho sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của hai đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội trong sáu tháng đầu năm 2021 đều đạt hơn 5%, cao hơn so với sáu tháng đầu năm 2020. Một số địa phương vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác.

Bài 5: Kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép -0
 Tập đoàn LG tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). (Ảnh: Ngô Quang Dũng)

Đáng chú ý như tăng trưởng kinh tế của TP Hải Phòng đạt 13,52%, tỉnh Quảng Ninh tăng 8,02%.  Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp; thu ngân sách nhà nước; kim ngạch xuất khẩu… đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra ổn định. Tỉnh Bắc Ninh mặc dù trải qua nhiều khó khăn trước diễn biến vô cùng phức tạp của đại dịch Covid-19, song tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) sáu tháng đầu năm tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,8% so với cùng kỳ; GRDP khu vực công nghiệp tăng 9,84%.

Đồng thời với việc kiểm soát dịch bệnh, các địa phương tiếp tục thực hiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Trong các tháng đầu năm nay, Hải Phòng đã khởi công một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực.

Bài 5: Kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép -0
 Khởi công công trình nâng cấp đường tỉnh 363 đoạn kênh Hòa Bình có trị giá gần 600 tỷ đồng. (Ảnh: Quang Dũng)

Đáng chú ý là Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường bộ ven biển (Km1+00) đến ngã ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ) quận Đồ Sơn dài 6,2km có vốn đầu tư hơn 830 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường tỉnh 363 (đoạn kênh Hòa Bình) dài 5,3km có tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng ba tòa nhà hỗn hợp Hoàng Huy Commerce tại phường Kênh Dương và phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp gần 13km quốc lộ 10, đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền đoạn qua huyện Thủy Nguyên có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Bài 5: Kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép -0
 Công trình cầu Quang Thanh nối Hải Phòng với Hải Dương đang gấp rút hoàn thành. (Ảnh: Đức Nghĩa)

Các công trình giao thông lớn có giá trị hàng nghìn tỷ đồng như cầu Quang Thanh, cầu Dinh nối liền Hải Phòng với Hải Dương đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng trong những ngày tới; cầu Rào mới cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công…

Thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ thi công hai tuyến đường vành đai 2 và vành đai 3 (trên cao) - hai tuyến giao thông huyết mạch của Thủ đô.

Đối với tuyến vành đai 3 trên cao, chủ đầu tư dự án đôn đốc nhà thầu gấp rút hoàn thành sáu nhánh nối cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đoạn lên, xuống đường vành đai 3, nút giao Nam Thăng Long để bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người tham gia giao thông trên toàn tuyến. Tổng kinh phí xây dựng sáu nhánh nối này là 207 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào giữa tháng 7/2021 để hoàn thành toàn bộ dự án giao thông quan trọng này.

Bài 5: Kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép -0

Tuyến đường vành đai 2 đoạn từ chân cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở có chiều dài gần 5,1km, gồm tuyến đường bộ trên cao kết hợp mở rộng phần đi bằng đoạn từ chân cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng, đến nay đã hoàn thiện đoạn trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động và đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng.

Bài 5: Kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép -0

 Hiện, các đơn vị đang gấp rút thi công các hạng mục phần dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng, phấn đấu hoàn thành thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 6/2021. Phần đường trên cao từ cầu Mai Động đến Ngã tư Vọng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Bài 5: Kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép -0
 Thi công đường vành đai 2 Hà Nội, đoạn từ cầu Mai Động đến Ngã tư Vọng. (Ảnh: Đăng Anh)

Tỉnh Quảng Ninh đang tập trung nguồn lực hoàn thành dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 và cầu Cửa Lục 3; đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét - Con Ong; cầu Cửa Lục 2 và đường kết nối từ cầu Cửa Lục 2 đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm, dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều…

Sau khủng hoảng của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, làn sóng đầu tư FDI đã tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021, Hải Phòng đã thu hút được hơn 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm trước. Hiện, thành phố Cảng đang tập trung triển khai các thủ tục thành lập chín khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 3.500 ha để đón các nhà đầu tư.

Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 694 triệu USD, trong đó có 171 dự án mới với số vốn 96,05 triệu USD; 78 dự án bổ sung vốn đầu tư với số vốn 447,7 triệu USD; 250 lượt góp vốn, mua cổ phần với số vốn 120,5 triệu USD. Thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 7.105 tỷ đồng. Trên địa bàn thành phố có 13.125 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.687 doanh nghiệp, tăng 74% so với cùng kỳ 2020.

Chủ động, linh hoạt các giải pháp, thực hiện cho được mục tiêu kép

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáu tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế nước ta tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.

Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%).

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 55,5%, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 34,15% kế hoạch. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tăng trưởng khoảng 3%. Sản xuất công nghiệp - xây dựng dự báo tăng trưởng khoảng 7,85%. Khu vực dịch vụ tăng khoảng 5%. Kết quả này cho thấy, việc Chính phủ chỉ đạo các địa phương kiên trì thực hiện mục tiêu kép là hướng đi đúng.

Bài 5: Kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép -0
 Phòng, chống dịch tốt, các hoạt động của TP Hải Phòng đã trở lại trạng thái bình thường mới (Ảnh: Ngô Quang  Dũng).

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được còn một số hạn chế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 và dự báo sáu tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,8%); cán cân thương mại có chiều hướng nghiêng về nhập siêu (5 tháng nhập siêu 369 triệu USD); hàng hóa xuất nhập khẩu có thời điểm bị ùn ứ.

Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro. Đáng chú ý là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 5 tháng đầu năm 2021 mới đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%. Hải Phòng là dẫn đầu cả nước về công tác này, nhưng tỷ lệ giải ngân đạt 33,8% kế hoạch. Hà Nội đạt 30%, TP Hồ Chí Minh đạt 21,5% kế hoạch.

Biến chủng mới có nguồn gốc Ấn Độ khiến dịch bệnh Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, có yếu tố khó lường; sản xuất kinh doanh có thể gặp khó khăn hơn do tác động từ các biện pháp phòng, chống dịch. Song, từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, dập tắt đợt dịch càng sớm, thì kinh tế phục hồi và phát triển càng nhanh.

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế xã hội, điều kiện dân cư, lao động… của mỗi địa phương khác nhau, nên các địa phương cần đặt mục tiêu cho phù hợp, cân đối giữa các giải pháp khoanh vùng, dập dịch, làm sao bảo đảm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trong đó, các giải pháp có tính nền tảng được triển khai trên cơ sở thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, nhưng không áp dụng máy móc mà linh hoạt, sáng tạo sao cho phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Bài 5: Kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép -0
 Đường vành đai 2, Hà Nội (Ảnh: Đăng Anh).

Mỗi địa phương đều sớm chuẩn bị sẵn các kịch bản về chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình, cùng các giải pháp phù hợp với từng kịch bản để các cấp ủy lãnh đạo, các cấp chính quyền triển khai thực hiện, tránh bị động, lúng túng.

Việc phòng dịch, phát triển kinh tế phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, hệ thống chính trị ở cơ sở là nền tảng phòng chống dịch. Cả hệ thống chính trị cần nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, hiệu quả hơn nữa với tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt.

Đại dịch Covid-19 xảy ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhưng trong khó khăn càng khẳng định bản lĩnh của hệ thống chính trị của đất nước, giúp nhân dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị.

Những bài học rút ra từ công tác phòng, chống dịch như nắm chắc tình hình thực tế để lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiệm vụ giải pháp khả thi, tổ chức thực hiện có hiệu quả; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định chung để thực hiện nhiệm vụ; dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, nhuần nhuyễn giữa các lực lượng tuyến đầu, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn… là những kinh nghiệm quý báu để đất nước ta vượt qua những gian khó, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong thời gian tới.