Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Góp phần tích cực vào tiến trình hiện đại hóa quân đội

Chuyển đổi số là động lực quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa quân đội, tạo sự thay đổi cơ bản về công cụ, phương pháp chỉ huy, quản lý, điều hành, tác chiến trong bối cảnh gia tăng về thách thức hiện nay.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và Chính phủ điện tử Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác phát triển Chính phủ điện tử tại Quân khu 1.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và Chính phủ điện tử Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác phát triển Chính phủ điện tử tại Quân khu 1.

Trăn trở của người trong cuộc

Thiếu tướng Du Trường Giang, Phó Tư lệnh Quân khu 7, Trưởng ban chỉ đạo cải cách hành chính và Chính phủ điện tử Quân khu cho rằng, khi thực hiện chuyển đổi số trong Quân khu vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Trong đó, một bộ phận cán bộ, nhân viên chưa quen việc thay đổi quy trình quản lý, chỉ huy, điều hành từ truyền thống bằng văn bản giấy, triển khai miệng… sang áp dụng các quy trình điều hành dựa trên môi trường số. Cùng với đó, nhân lực công nghệ thông tin của Quân khu quá mỏng so yêu cầu nhiệm vụ, không đủ nhân lực để quản lý, vận hành, hỗ trợ, điều phối người dùng. Bên cạnh đó, kinh phí để mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư phần mềm, ứng dụng và huấn luyện, đào tạo phục vụ chuyển đổi số còn hạn hẹp…

Cùng trăn trở này, Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1, cho biết: Quân khu 1 có nhiều đơn vị đóng quân xa trung tâm, địa hình rừng núi ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai chuyển đổi số. Nhất là hiện nay, hạ tầng mạng máy tính quân sự của Quân khu chưa được kết nối đến 100% các đơn vị đầu mối trực thuộc; số lượng máy tính kết nối tới mạng truyền số liệu quân sự của Quân khu còn hạn chế. Số lượng máy tính ở các cơ quan, đơn vị cơ sở còn thiếu, cấu hình thấp, gây khó khăn trong triển khai sử dụng các phần mềm phục vụ công tác chuyên môn cũng như các phần mềm dùng chung. Ðiều này cũng gây trở ngại trong triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của Quân khu hiện nay còn hạn chế; các cơ quan, đơn vị chưa có cán bộ chuyên trách. Cán bộ làm công tác công nghệ thông tin hiện tại chỉ được biên chế ở Ban công nghệ thông tin Bộ Tham mưu Quân khu nhưng còn mỏng. Mặt khác, do chuyển đổi số là nội dung mới, nên nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân viên về chuyển đổi số, công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin còn hạn chế. Số cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên sâu về công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra trong công tác chuyển đổi số.

Tại hội thảo tham gia ý kiến Ðề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: Trong quá trình thực hiện Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong lực lượng biên phòng thời gian qua còn phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số còn đơn giản, chưa quan tâm đúng mức. Các đơn vị trong lực lượng bố trí phân tán, nhỏ lẻ ở nhiều địa điểm thuộc 50 tỉnh, thành phố và chủ yếu tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, khí hậu khắc nghiệt. Hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu, thiếu, việc triển khai số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong tiếp nhận, giải quyết 45 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của bộ đội biên phòng tại các đồn, trạm biên phòng còn phát sinh nhiều khó khăn. Hệ thống Trung tâm Chỉ huy tác chiến nghiệp vụ mới được đầu tư cho các đơn vị trọng điểm nên chưa phát huy hết khả năng của Trung tâm đặc biệt trong công tác chuyển đổi số, tự động hóa chỉ huy.

Ðể công tác chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang theo đúng lộ trình, Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu kiến nghị, Bộ Quốc phòng cần có cơ chế về chia sẻ, dùng chung các dữ liệu số quân sự giữa các chuyên ngành và cơ chế về chia sẻ dữ liệu, văn bản quân sự giữa cơ quan quân sự địa phương với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Qua đó, xây dựng các nền tảng số, ứng dụng số bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu và đẩy mạnh xây dựng trung tâm dữ liệu số liên thông giữa các ngành. Ðồng thời, Bộ Quốc phòng cần sớm triển khai hệ thống mạng máy tính quân sự và cấp phát trang bị công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số đến 100% các đơn vị cấp 3, bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu tính đến năm 2025. Thực hiện lắp đặt hệ thống mạng internet, cấp phát trang bị công nghệ thông tin sử dụng trong mạng internet đầy đủ cho 100% đơn vị các cấp (tới cấp 3), nhằm bảo đảm thực hiện các nội dung liên quan Dự án "Một cửa liên thông toàn quân". Bổ sung tăng cường biên chế lực lượng công nghệ thông tin phù hợp phục vụ chuyển đổi số đối với Ban công nghệ thông tin, trạm bảo đảm kỹ thuật công nghệ thông tin, các đơn vị trực thuộc và bộ chỉ huy quân sự các tỉnh. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng giúp Quân khu tăng cường bổ sung các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; nguồn kinh phí bảo trì, bảo dưỡng hệ thống các trang thiết bị công nghệ thông tin khi được triển khai.

Từ những khó khăn, bất cập, Thiếu tướng Lê Văn Phúc đề nghị, Tổ biên tập bổ sung vào Ðề án: rà soát các hệ thống phần mềm của các ngành trong Bộ Quốc phòng; tổ chức hiệu chỉnh, nâng cấp để triển khai trong toàn quân; thống nhất quy hoạch đơn vị cung cấp thông tin, phân cấp chia sẻ dữ liệu với các đơn vị trong toàn quân thực hiện chuyển đổi số trong công tác chỉ huy. Ðẩy nhanh tiến độ giai đoạn 2 Dự án "Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc cho các đồn, trạm Biên phòng, đội công binh". Ðầu tư hạ tầng kết nối mạng máy tính quân sự, mạng xuất nhập cảnh với Bộ Công an để bộ đội biên phòng thực hiện kế hoạch Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới và công tác quản lý xuất nhập cảnh theo Ðề án 06 của Chính phủ.

Chuyển đổi số bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức

Ðể đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng, ngày 12/7/2022, Bộ trưởng Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 2521/QÐ-BQP về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Ðề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Ðề án). Ðánh giá về tính khả thi của đề án nêu trên, Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) - Tổ trưởng Tổ biên tập Ðề án cho rằng: Chuyển đổi số là một quá trình tất yếu khách quan, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương phải chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động trong đó có Bộ Quốc phòng. Ðến nay, Bộ Quốc phòng đã có các ứng dụng, dữ liệu ở mức cơ bản và bước đầu đã hình thành được thói quen xử lý công việc trên môi trường mạng. Hệ thống tổ chức của quân đội tập trung thống nhất từ trên xuống dưới, thực hiện theo chế độ chỉ huy, mệnh lệnh, chấp hành, cho nên khi có sự tham mưu "đúng, trúng" các nhiệm vụ sẽ được triển khai thành công.

Theo Thiếu tướng Tống Viết Trung, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Trong quân đội, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các công nghệ số để thay đổi phương thức quản lý, chỉ huy điều hành các hoạt động quân sự, quốc phòng của các cơ quan, đơn vị giúp mang lại hiệu quả và chất lượng xử lý công việc, thực thi nhiệm vụ được tốt hơn. Chẳng hạn như việc chuyển đổi hình thức huấn luyện, diễn tập trực tiếp trên bản đồ giấy sang diễn tập trên nền bản đồ số bảo đảm nhanh, linh hoạt hơn, đáp ứng sát thực diễn biến tình hình thực tế trên chiến trường, rút ngắn được thời gian chuẩn bị chiến đấu cũng như thời gian xử lý tình huống trong thực hành chiến đấu. Ðiều hành công việc chuyển từ hội họp, gặp gỡ trực tiếp chuyển sang điều hành trên môi trường mạng qua phần mềm hội nghị truyền hình và hệ thông tin chỉ đạo điều hành tiết kiệm được thời gian, chi phí và quan trọng hơn là không đánh mất thời cơ.

"Khó khăn, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số đó là thay đổi thói quen từ truyền thống sang sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, xử lý công việc trên môi trường mạng. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng" - Thiếu tướng Tống Viết Trung chia sẻ. Thay đổi phương thức làm việc phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của người đứng đầu, của cơ quan tham mưu; chuyển đổi số phải bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức, thói quen làm việc của mỗi người. Công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, nội dung phù hợp từng đối tượng, từng loại hình cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, nhân viên các cấp. Trong đó, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần gương mẫu đi đầu, trực tiếp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, từ đó lan tỏa hành động, hình ảnh đến cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị Ban soạn thảo Ðề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng do Bộ Quốc phòng tổ chức mới đây, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban soạn thảo Ðề án nhấn mạnh: Việc triển khai xây dựng Ðề án là bước cụ thể hóa về thực hiện chủ trương chuyển đổi số mà Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh, góp phần trực tiếp nâng cao hiệu quả các mặt công tác trong Bộ Quốc phòng, nhất là hoạt động quản lý, chỉ huy, chỉ đạo điều hành. Cùng với đó, việc sớm hoàn thiện, triển khai Ðề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng sẽ góp phần tích cực vào tiến trình hiện đại hóa, giúp quân đội đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao trong tình hình mới. Do vậy, xác định nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và triển khai thực hiện Ðề án 06 trong thời gian tới rất nặng nề, Thượng tướng Lê Huy Vịnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ giao cũng như các nội dung đã xác định trong kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số năm 2022 của Bộ Quốc phòng. Ðồng thời, tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo yêu cầu của Chính phủ.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh giao các cơ quan chức năng nghiên cứu dự thảo văn bản quy định về việc kết nối, trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu quốc phòng với các bộ, ngành, địa phương trên môi trường điện tử; xây dựng ứng dụng trên nền tảng di động có tính chất lưỡng dụng phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng như: Công tác quản lý trong thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuyển sinh quân sự, xuất ngũ... Ðồng thời, triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; nhắc nhở, thông báo, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định về bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị.

Có thể thấy, để phát huy ý nghĩa, giá trị mang lại từ chuyển đổi số, trước mắt là trong lĩnh vực hành chính quân sự, rất cần tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp về vấn đề này gắn các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số với nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan, đơn vị mình.

--------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 17, 18/11/2022.

Có thể bạn quan tâm