Giá trị mang lại từ công cuộc chuyển đổi số dễ nhận thấy nhất đó là trong lĩnh vực hành chính quân sự, bao gồm: Quản lý văn bản và hồ sơ công việc có sử dụng chữ ký số; hệ thông tin và chỉ đạo điều hành, phần mềm truyền hình ứng dụng (họp trực tuyến), thư điện tử quân sự...
Coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin
Việc triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc có sử dụng chữ ký số đã mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần rút ngắn thời gian xử lý văn bản, giảm giấy tờ cần in ấn, quản lý và tra cứu toàn diện văn bản... Bên cạnh đó, các ứng dụng chuyên ngành cũng được nghiên cứu phát triển, như: Phần mềm quản lý cán bộ, phần mềm quản lý đảng viên, phần mềm quản lý tài chính, kế toán và phần mềm bảo hiểm xã hội...
Ðến nay, việc áp dụng phần mềm phiên bản mới đã được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng. Tính đến tháng 6/2022, đã tích hợp được 47 thủ tục hành chính thực hiện mức độ toàn trình lên Cổng dịch vụ Bộ Quốc phòng và Cổng dịch vụ công quốc gia. Ðây là những kết quả quan trọng đạt được từ việc triển khai Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng.
Trong đó, Tổng cục Hậu cần được đánh giá là điểm sáng về công tác chuyển đổi số của Bộ Quốc phòng. Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần cho biết: Ðến nay đã có 13/14 đơn vị đầu mối trực thuộc Tổng cục triển khai mạng máy tính nội bộ quân sự kết nối mạng truyền số liệu quân sự theo mô hình mạng an toàn. Tổng cục đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm dùng chung phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn. Bước đầu, cán bộ, nhân viên đã hình thành phong cách làm việc trên môi trường mạng.
Hiện có 98% số văn bản không mật được chuyển nhận trên mạng truyền số liệu quân sự; gần một nghìn tài khoản truy cập các phần mềm được tạo lập. Hằng tuần, lịch công tác của chỉ huy Tổng cục, Bộ Tham mưu, các cơ quan, đơn vị trực thuộc được đăng tải trên mạng qua hệ thông tin chỉ đạo, điều hành, không phát hành lịch công tác giấy.
Hiện có 98% số văn bản không mật được chuyển nhận trên mạng truyền số liệu quân sự; gần một nghìn tài khoản truy cập các phần mềm được tạo lập. Hằng tuần, lịch công tác của chỉ huy Tổng cục, Bộ Tham mưu, các cơ quan, đơn vị trực thuộc được đăng tải trên mạng qua hệ thông tin chỉ đạo, điều hành, không phát hành lịch công tác giấy.
Cùng với đó, Tổng cục Hậu cần tiến hành mở rộng hạ tầng đường truyền số liệu quân sự kết nối với các trung (lữ) đoàn và tương đương; triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị hậu cần thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Ðến nay, các phần mềm chuyên ngành đã được các đơn vị hậu cần toàn quân đưa vào khai thác sử dụng phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, giúp tổng hợp số liệu thống nhất từ cấp chiến thuật đến cấp chiến lược bảo đảm chính xác, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nhân lực.
Trao đổi với lãnh đạo Quân khu 1 về vấn đề này, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cho biết: Quân khu bước đầu đã triển khai “Hệ thống liên thông một cửa toàn quân”, cấp phát máy tính, máy in cho các cơ quan, đơn vị đến cấp huyện, triển khai các kênh truyền internet; tiến hành số hóa các dữ liệu phục vụ liên thông một cửa, tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp nhận các trang thiết bị thuộc hệ thống công nghệ thông tin cơ động hỗ trợ chỉ huy, điều hành. Hệ thống mạng truyền số liệu quân sự được triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, được giám sát 24/24 giờ trong ngày bằng hệ thống phần mềm giám sát FMC/FMS của Bộ Quốc phòng.
Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành hệ thống thông tin liên lạc quân sự, những năm qua, Binh chủng Thông tin liên lạc còn phát huy nội lực đầu tư bổ sung trang bị công nghệ thông tin kết hợp triển khai hạ tầng kết nối mạng truyền số liệu quân sự đến các tổ, trạm lẻ trong toàn Binh chủng. Thiếu tướng Khúc Ðăng Tuấn, Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc cho biết: Từ năm 2018 đến nay, Binh chủng đưa Cổng thông tin điện tử phiên bản mới vào phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong bộ đội thông tin liên lạc toàn quân, làm cơ sở để chuyển đổi số.
Hiện có khoảng 3,5 nghìn tài khoản ứng dụng, thực hiện chuyển nhận công văn, xử lý văn bản không giấy. Trung bình hằng ngày có hơn hai nghìn tài khoản sử dụng và truy cập trên Cổng thông tin điện tử Binh chủng. Với đặc thù là đơn vị đóng quân phân tán trên cả nước, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã đưa công tác chỉ đạo điều hành và các dịch vụ Cổng thông tin điện tử đến tận các tổ trạm lẻ độc lập, khai thác hiệu quả hạ tầng hệ thống thông tin liên lạc quân sự, bảo đảm an ninh an toàn, góp phần không nhỏ vào công tác quản lý tư tưởng và rèn luyện kỷ luật trong toàn Binh chủng.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Binh chủng Thông tin liên lạc đã kịp thời thiết lập và bảo đảm đường truyền, hệ thống truyền hình trực tuyến đáp ứng nhu cầu kết nối giữa các sở chỉ huy thường xuyên, sở chỉ huy tiền phương của Bộ Quốc phòng với các bệnh viện dã chiến phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch.
Ngoài ra, Binh chủng cũng bảo đảm đường truyền vệ tinh cho hệ thống Telemedicine quân đội-hệ thống hỗ trợ y tế từ xa phục vụ công tác hội chẩn, tư vấn chuyên môn, khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện quân đội trong đất liền với các bệnh xá trên quần đảo Trường Sa và một số đảo gần bờ, nhất là các trường hợp vượt quá năng lực xử lý của các bệnh xá quân y.
Tuy vậy, đối với Binh chủng Thông tin liên lạc, đây chỉ là những nhiệm vụ đột xuất sẵn sàng chiến đấu, là nhiệm vụ mà bộ đội thông tin luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt. Ngoài ra, Binh chủng còn chủ động bảo đảm hạ tầng viễn thông đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong toàn quân. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Binh chủng Thông tin liên lạc đã phối hợp các cơ quan đơn vị trong toàn quân như: Cục Bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu), Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật... phát triển, mở rộng gần 100 nút truy nhập truyền số liệu quân sự, làm cơ sở để các cơ quan đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Chuyển đổi số gắn bảo đảm an ninh, an toàn
Là người nhiều năm gắn bó công tác cải cách hành chính, hướng tới Chính phủ số trong lực lượng vũ trang Quân khu, Thiếu tướng Du Trường Giang, Phó Tư lệnh Quân khu 7 cho biết: Ðể từng bước thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã chỉ đạo Bộ Tham mưu Quân khu ký kết quy chế phối hợp về hoạt động công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin trên mạng với sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố trên địa bàn.
Ðể từng bước thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã chỉ đạo Bộ Tham mưu Quân khu ký kết quy chế phối hợp về hoạt động công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin trên mạng với sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố trên địa bàn.
Thiếu tướng Du Trường Giang, Phó Tư lệnh Quân khu 7
Ðây là cơ sở để bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu phối hợp và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố trong công tác tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố sử dụng ngân sách địa phương đầu tư hạ tầng kỹ thuật, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Nói về kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong lực lượng vũ trang Quân khu, Thượng tá Nguyễn Khắc Hiếu, Trưởng ban Công nghệ thông tin Quân khu 7 cho biết: Ðến nay đã có 97% đầu mối đơn vị trực thuộc Quân khu và 20 Ban Chỉ huy quân sự huyện biên giới, trọng điểm, hai huyện đảo (Phú Quý, Côn Ðảo) đã kết nối mạng truyền số liệu quân sự; 3/9 cơ quan quân sự địa phương sử dụng nguồn ngân sách địa phương triển khai kết nối đến Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thị xã.
Ðối với khối chủ lực của Quân khu, một số đơn vị đã được triển khai kết nối mạng truyền số liệu quân sự đến cấp trung đoàn, tiểu đoàn, có nơi đến cấp đại đội. Hằng năm, ngành công nghệ thông tin Quân khu đã triển khai mở rộng hệ thống giám sát an toàn thông tin, đồng thời củng cố nền nếp trực ở các cấp, duy trì giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý các máy tính vi phạm quy định an toàn thông tin, khắc phục sự cố mạng, sửa chữa trang thiết bị công nghệ thông tin..., góp phần bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang Quân khu.
Năm 2022, Tổng cục Hậu cần được Bộ Quốc phòng giao làm điểm về chuyển đổi số công tác hậu cần Quân đội. Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng, Phó Chủ nhiệm-Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần cho biết: Ðây là nhiệm vụ mới và khó. Mới là Tổng cục chưa làm bao giờ và trong toàn quân chưa đơn vị nào làm để nghiên cứu học hỏi và rút kinh nghiệm. Trong khi đó nhận thức, kiến thức về phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của cán bộ, đảng viên, nhân viên, trong đó có cả một số cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị còn hạn chế.
Do vậy, Ðảng ủy, Chỉ huy Tổng cục đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định nội dung: Ðẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử hiệu quả là một trong ba khâu đột phá. Lấy ba Cục: Quân y, Doanh trại, Xăng dầu làm trước về chuyển đổi số để rút kinh nghiệm sang năm 2023 tiến hành chuyển đổi số tại hai Cục Quân nhu và Vận tải. Trong phương hướng, mục tiêu chuyển đổi số công tác hậu cần quân đội, Tổng cục Hậu cần xác định, giai đoạn 2024-2025 cơ bản hình thành tác phong làm việc trên môi trường điện tử dựa trên các ứng dụng, công nghệ và dữ liệu số.
Nhờ đó, quy trình xử lý công việc thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị hậu cần được chuẩn hóa, thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng ISO. Tất cả hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính của ngành hậu cần được số hóa, lưu trữ, sẵn sàng chia sẻ dữ liệu theo quy định trên môi trường điện tử. 100% nguồn lực thuộc ngành hậu cần được tạo lập hồ sơ điện tử và cấp định danh số thống nhất. Nếu như trước đây các kho xăng dầu, ngành xăng dầu làm báo cáo theo tháng, thì hiện nay đã được cập nhật hằng ngày, hằng tuần. Công tác cập nhật hồ sơ, dữ liệu điện tử giúp việc quản lý số lượng, chất lượng xăng dầu toàn quân trở nên khoa học, chính xác, nhanh chóng. Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tại vị trí Trung tâm thông tin và chỉ huy điều hành của Tổng cục có thể kiểm tra được số lượng, chiến lược dự trữ tại các kho xăng dầu chiến lược, để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống camera an ninh phòng, chống cháy nổ ở các kho xăng dầu kết nối về Cục Xăng dầu và Tổng cục Hậu cần. Do vậy đã giúp thường xuyên theo dõi, tăng cường giám sát hệ thống an ninh, an toàn các kho xăng dầu, nhất là các kho cấp chiến lược, chiến dịch; giảm được thời gian kiểm tra, ý thức của cán bộ, nhân viên các cấp trong ngành xăng dầu về công tác phòng, chống cháy nổ tiến bộ hơn rất nhiều.
(Còn nữa)
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, đến nay, 100% số văn bản gửi, nhận giữa Bộ Quốc phòng với các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ trên môi trường điện tử đã sử dụng chữ ký số. Ðến nay, Bộ Quốc phòng đã tích hợp 47 thủ tục hành chính thực hiện mức độ toàn trình lên Cổng dịch vụ Bộ Quốc phòng và Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng lên Cổng dịch vụ công quốc gia tăng 9,6% so với năm 2021.
(Báo cáo tại Hội nghị công tác phát triển Chính phủ điện tử và Ðề án 06 (Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030))