Bắc Trung Bộ nỗ lực thu hút dòng vốn FDI (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Để Bắc Trung Bộ sớm trở thành cực tăng trưởng mới

Trong quá trình tạo đột phá trong thu hút đầu tư FDI, các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng đã nhận diện được những khó khăn, tồn tại phải đối mặt, đưa ra các giải pháp khắc phục để phát triển. Để tận dụng cơ hội vàng trong thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn hiện nay, các tỉnh phải chuẩn bị tốt năm “sẵn sàng” để “lót ổ” đón “đại bàng” đến đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Lai dắt tàu cập nơi neo đậu, trung chuyển dầu thô cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Lai dắt tàu cập nơi neo đậu, trung chuyển dầu thô cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Để sớm trở thành cực tăng trưởng mới, ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cần phải liên kết bắt tay nhau, phối hợp chặt chẽ với Trung ương để cùng thu hút đầu tư FDI một cách bài bản, đồng bộ với quan điểm “Muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

Nhận diện khó khăn, hạn chế

Sau một thời gian tạo bước đột phá trong thu hút các dự án FDI, đến nay, hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh đang có dấu hiệu chững lại trong thu hút đầu tư FDI so với các địa phương khác. Một trong những nguyên nhân mấu chốt là do thiếu mặt bằng sạch, khó thu hút được các dự án FDI. Đơn cử ở Thanh Hóa, từ năm 2020 đến nay có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đến Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trong tỉnh khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng e ngại chưa có mặt bằng sạch quy mô lớn, nên sau nhiều lần khảo sát, chưa quyết định chọn Thanh Hóa làm nơi đầu tư.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An cho biết, thời gian qua, Nghệ An được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn FDI nhưng cũng bộc lộ một số tồn tại cần nỗ lực khắc phục, giải quyết, như: Kết cấu hạ tầng kỹ thuật cùng dịch vụ logistics của Nghệ An chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn hạn chế do lao động từ khu vực nông nghiệp thiếu kỹ năng và tính chuyên nghiệp… Ngoài ra, từ năm 2024, tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, không còn ưu đãi về thuế thì khu kinh tế và các khu công nghiệp sẽ không còn lợi thế về ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp FDI lớn.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, sự cố môi trường biển năm 2016 cũng tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư FDI. Các dự án động lực chưa tạo được sự lan tỏa, chưa kết nối trong sản xuất, kinh doanh và chuyển giao công nghệ giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI đầu chuỗi rất thấp, nhất là tận dụng công nghiệp hậu thép.

Qua tìm hiểu tình hình thu hút đầu tư ở Hà Tĩnh được biết, các doanh nghiệp FDI chủ yếu quan tâm đến các khu vực đã giải phóng mặt bằng hoặc thực hiện trong các khu công nghiệp đã có sẵn hạ tầng. Tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án trên địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng còn gặp nhiều khó khăn, quỹ đất sạch, đầy đủ hạ tầng sẵn sàng cho thuê còn không nhiều đã ảnh hưởng đến lợi thế thu hút đầu tư. Một số dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng trên địa bàn đang gặp vướng mắc về mặt pháp lý, gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư các dự án thứ cấp.

Ngoài ra, theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh Phan Thành Biển, hiện có rất nhiều nhà đầu tư FDI đề xuất triển khai các dự án điện sinh khối với quy mô đầu tư và công suất phát điện khá lớn. Tuy nhiên, trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Hà Tĩnh chỉ được phân bổ 10 MW công suất, cho nên gây ra những khó khăn cho việc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thực tiễn thu hút đầu tư FDI ở các tỉnh Bắc Trung Bộ thời gian qua cho thấy, hiện nay công tác nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng đầu tư còn bị động, hiệu quả chưa cao; xúc tiến đầu tư chưa đạt kết quả như kỳ vọng; chưa thu hút được các dự án lớn, mang tính đột phá, thương mại, dịch vụ tại vùng miền núi. Một vấn đề mấu chốt nữa là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, rút ngắn “khoảng cách” từ doanh nghiệp đến chính quyền các cấp trên địa bàn các địa phương này thời gian qua đã có sự chuyển biến rõ nét nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Liên kết cùng phát triển

Hiện nay, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19 đã mở ra nhiều cơ hội cho cả nước và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Gần đây, được sự hỗ trợ của Trung ương, lãnh đạo các tỉnh trong vùng đã tập trung chỉ đạo, giải quyết các khó khăn tồn tại, tháo gỡ những nút thắt, đề ra các nhiệm vụ nhằm thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư và nhất là dự án FDI.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết: Nghệ An đã nhìn nhận, đánh giá rất rõ điểm mạnh, điểm yếu để chuẩn bị tốt các điều kiện nhằm tận dụng thời cơ vàng đón làn sóng đầu tư mới. Nghệ An đang tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ mà tỉnh gọi là “5 sẵn sàng” gồm quy hoạch, hạ tầng thiết yếu, quỹ đất, nguồn nhân lực và cải cách hành chính để mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn rót vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Riêng về quỹ đất, từ nay đến năm 2025, Nghệ An sẽ tạo 1.500 ha mặt bằng sạch để thu hút đầu tư.

Ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có nhiều điều kiện tương đồng về địa lý, con người và lịch sử; chiếm 10,1% diện tích của cả nước và đường bờ biển dài hơn 300 km có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, lại nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, phía bắc vùng Bắc Trung Bộ, thuận lợi về giao thông kết nối với cả vùng, cả nước và quốc tế.

Cùng với khát vọng vươn lên, bằng sự kiên trì nỗ lực của từng địa phương cùng sự liên kết của ba tỉnh đã trở thành điểm đến đầu tư “Thuận lợi-Tin cậy-Hiệu quả”, qua đó, đã tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư FDI, góp phần cùng cả nước hướng mạnh đến mục tiêu, tạo “cứ điểm sản xuất mới” cũng như sớm trở thành một cực tăng trưởng mới của cả nước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Với điều kiện thuận lợi về giao thông kết nối, ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh hội tụ đủ điều kiện để kết nối, phát triển thành mạng lưới các ngành sản xuất quy mô lớn với điểm nhấn là công nghiệp năng lượng, chế tạo và chế biến.

Nhận rõ tiềm năng lợi thế của các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung ương cũng nghiên cứu đề ra nhiều nghị quyết và đều chỉ rõ việc định hướng phát triển của ba tỉnh là phát triển công nghiệp. Chính vì thế, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh luôn xác định, thu hút các dự án FDI để phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương; từ đó đã tập trung nguồn lực, đề ra nhiều chương trình, đề án, cơ chế, chính sách để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội của mỗi tỉnh cho sự phát triển này.

Nhiều dự án FDI quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, đưa vào hoạt động hiệu quả đã làm thay đổi diện mạo bức tranh công nghiệp của vùng. Cùng với tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh của mỗi tỉnh, các địa phương đã xây dựng, củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác, cùng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp và các lĩnh vực khác có liên quan.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay các doanh nghiệp FDI đầu tư trên địa bàn Bắc Trung Bộ phần lớn là công nghiệp nặng nên bản thân các doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại theo hướng xanh, bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Cùng với đó, các ngành, địa phương phải làm tốt công tác giám sát môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, ở các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm lớn. Các doanh nghiệp trong nước, trong vùng phải từng bước vươn lên, để có thể dần tham gia vào chuỗi sản xuất phụ trợ của các công ty, tập đoàn lớn. Các dự án động lực trên địa bàn cần sớm triển khai các dự án phụ trợ khác như đã cam kết để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm…

Để góp phần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ, phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư…

Trên quan điểm hợp tác cùng có lợi và cùng thắng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đề nghị: Ba tỉnh cần liên kết sử dụng có hiệu quả hạ tầng dùng chung và phát triển cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội để nâng cao hiệu quả kinh tế, nhất là liên kết vùng; phối hợp thực hiện có hiệu quả quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết hợp quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt.

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong mối tương quan liên kết vùng, thời gian tới các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ để nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế nổi trội của ba địa phương nhằm hình thành các chuỗi liên kết về công nghiệp, năng lượng, nguồn nhân lực…; trong đó, tập trung thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các khu kinh tế ven biển; Rà soát điều chỉnh xây dựng các phân khu chức năng khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu cùng các chính sách liên quan để tăng cường thu hút đầu tư, bổ trợ cho nhau, thay vì cạnh tranh lẫn nhau.

Các tỉnh cần tiếp tục rà soát đề xuất, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù và huy động các nguồn lực để phát huy hiệu quả sự hợp tác của ba địa phương; tiếp tục đầu tư hạ tầng trọng yếu kết nối ba tỉnh, nhất là về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, kinh tế số, xã hội số, nguồn nhân lực, logistics, môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu…

Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đầu tư; có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, địa phương đầu tư lẫn nhau, phát huy tiềm năng lợi thế kinh tế biển; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, vận động thu hút các nguồn đầu tư; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực...

------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 18, 19/12/2023.