Thay đổi nhận thức
Trong những năm qua, khi triển khai xây dựng nông thôn mới ở địa bàn các xã khó khăn, việc ưu tiên nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông liên xã, tạo kết nối sản xuất và lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch nông thôn, hoàn thiện hạ tầng hệ thống thủy lợi, hệ thống nước sạch tập trung, phát triển hệ thống hạ tầng dịch vụ thương mại nông thôn... Đây chính là giải pháp linh hoạt giúp địa phương từng bước hoàn thành các tiêu chí cơ sở hạ tầng tối thiểu quy mô cấp huyện, liên xã (thủy lợi, nước sạch tập trung, môi trường...).
Ghi nhận tại xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, một trong những địa phương sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phong Châu Nông Thế Thuần chia sẻ, nhờ xây dựng các tiêu chí nông thôn mới đều hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nên được người dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia. Thông qua các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và phát huy nội lực của người dân, đến nay, trong xã không còn gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát; 91% số gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thông qua thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm... người dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách triển khai, thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Tin tưởng và chủ động nhập cuộc với phong trào xây dựng nông thôn mới cũng là những thay đổi trong tư duy của người dân xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La), một trong những xã gần như trắng tiêu chí. Giờ đây, sau nhiều năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo xã đã có nhiều đổi thay.
Đi từ trung tâm xã đến các bản, đâu đâu cùng thấy sự thay đổi đến ngỡ ngàng bởi bà con nhân dân các bản đã tận dụng đá cuội để trang trí cảnh quan chung quanh nơi ở, làm cổng bản, tường rào, cột mốc... tạo nên bức tranh nông thôn mới độc đáo, ấn tượng. Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến Bùi Tiến Sỹ cho hay, quá trình triển khai thực hiện, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản của các cấp, thông qua các hội nghị, họp bản; khơi dậy tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm và nhận được sự đồng thuận của người dân, do đó phong trào xây dựng nông thôn mới đã có nhiều khởi sắc với những con số ấn tượng.
Ông Lò Văn Phới, bản Đông Suông, xã Ngọc Chiến, Sơn La chia sẻ: Người dân chúng tôi đồng tình ủng hộ cao chương trình xây dựng nông thôn mới. Như gia đình tôi đã hiến đất để mở rộng đường và xây dựng trường học, làm đường điện thắp sáng, đổ bê-tông đường nội bản. Có đường rộng khang trang, người dân đi lại thuận tiện, thậm chí đường bê-tông còn đến tận nhà, tận ngõ, thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất của người dân.
Từ thực tế và những nguồn lực sẵn có, các địa phương đã nỗ lực phổ biến, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân chủ động xây dựng nông thôn mới. Từ những việc làm tưởng như không thể như: hiến đất làm công trình giao thông, điện, đường, trường, trạm, đến góp ngày công lao động công ích… đến nay nhiều vùng quê đã được khoác áo mới, khang trang, hiện đại và người dân thật sự được hưởng lợi từ chương trình.
Tập trung mọi nguồn lực
Ngày 1/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 211/QĐ-TTg về sửa đổi một số chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cấp huyện, xã. Theo đó, đã chỉnh sửa 4 chỉ tiêu thuộc 4 tiêu chí xã nông thôn mới, 16 chỉ tiêu thuộc 6 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, 6 chỉ tiêu thuộc 5 tiêu chí huyện nông thôn mới và 5 chỉ tiêu thuộc 5 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương với việc phân cấp thêm cho UBND cấp tỉnh 6 chỉ tiêu thuộc các Bộ tiêu chí được quy định cụ thể để phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng, miền.
Ngoài ban hành và triển khai Quyết định số 211 của Thủ tướng Chính phủ, hiện các bộ, ngành đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại văn bản hướng dẫn thực hiện tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quá trình áp dụng triển khai thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp. Trong đó, có tính đến việc một số địa phương gặp khó khăn có đề nghị hạ thấp các quy định của Bộ tiêu chí theo hướng: Từng bước giảm hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân, có lộ trình giảm dần và tiến tới cắt hỗ trợ hoàn toàn (thay vì cắt ngay các khoản hỗ trợ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới).
Theo Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn, hiện nay hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nói chung, các xã đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nói riêng đã cơ bản bảo đảm đầy đủ, đồng bộ.
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là, theo quy định hiện nay, hầu hết các xã đặc biệt khó khăn, mặc dù phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng lại không thuộc đối tượng phân bổ vốn ngân sách Trung ương của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mà thuộc đối tượng phân bổ vốn ngân sách Trung ương từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương cần chủ động, lồng ghép các nguồn lực được phân bổ trên địa bàn để vừa bảo đảm đạt mục tiêu của mỗi chương trình, đồng thời đạt được các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Ở góc độ địa phương, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La Dương Gia Định cho biết, những thay đổi mới của bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới sẽ có nhiều tác động tới quá trình triển khai thực hiện của các địa phương, nhưng Sơn La vẫn quyết tâm triển khai thực hiện và đồng thuận với những thay đổi mới của bộ tiêu chí nông thôn mới.
Bởi cái được sau này là đổi thay của diện mạo nông thôn mới, đổi thay mặt bằng chung, người dân đều được hưởng lợi từ những kết quả sau khi triển khai thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là dịp để các địa phương nhìn lại, đánh giá lại những cái chưa được để đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn để hoàn thành được các chỉ tiêu đề ra, góp phần xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cũng cho rằng, việc yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đồng bộ thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay là cấp thiết. Hiện tỉnh đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân, phối hợp xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ, từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xây dựng nông thôn mới đã biến những địa phương gặp nhiều khó khăn, thậm chí trắng tiêu chí nông thôn mới trở thành những hình mẫu của nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Kết quả này có một phần đóng góp không nhỏ từ sự quyết tâm của người dân và chính quyền địa phương trong xây dựng kế hoạch chi tiết, có tầm nhìn dài hạn trong xây dựng nông thôn mới. Dễ làm trước, khó làm sau để tập trung nguồn lực, củng cố, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng hiệu quả, thực chất, vì lợi ích của người dân.
------------------------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 17/4/2024.