Di sản văn hóa vừa là tài sản, vừa là tài nguyên và nguồn lực để khai thác và phát triển kinh tế, xã hội, du lịch. Ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945 về bảo tồn cổ tích, trong đó khẳng định rõ việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam.
Cho đến nay, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện với 1 luật, 8 nghị định của Chính phủ, 3 quyết định và 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 17 thông tư, 8 quyết định, 3 chỉ thị theo thẩm quyền; đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ ban hành 2 thông tư liên tịch…
Từ công ước quốc tế đến hệ thống pháp luật Việt Nam
Trên phương diện quốc tế, một số cổ vật được hồi hương đã cho thấy tác dụng khi Việt Nam tham gia các công ước quốc tế về di sản văn hóa, cụ thể là Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa (Công ước UNESCO 1970). Theo dõi các hoạt động hồi hương cổ vật, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhìn nhận: Cổ vật được trao trả hay được mua qua đấu giá tùy thuộc vào cơ sở pháp lý chúng ta tham gia về bảo vệ cổ vật.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ tham gia Công ước UNESCO 1970 mà chưa tham gia một số công ước, hiến chương, khuyến nghị về di sản văn hóa và bảo vệ cổ vật, như Công ước UNIDROIT về tài sản văn hóa bị đánh cắp hay xuất khẩu trái phép năm 1955, Khuyến nghị của UNESCO về các nguyên tắc quốc tế áp dụng cho khai quật khảo cổ năm 1956 (Khuyến nghị New Dehli).
Vì vậy, chúng ta gặp không ít khó khăn khi muốn hồi hương cổ vật bằng con đường luật pháp quốc tế. Việc tích cực tham gia nhiều công ước quốc tế về bảo vệ cổ vật không chỉ giúp hạn chế, ngăn chặn tình trạng đánh cắp, buôn bán trái phép cổ vật, mà còn giúp tạo căn cứ pháp lý quan trọng để tiến hành đàm phán, ngoại giao hay thực hiện các biện pháp cần thiết khác để đưa cổ vật về nước.
Đối với hệ thống pháp luật trong nước, hồi hương cổ vật vẫn còn là nội dung mới, Luật Di sản văn hóa chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc đưa cổ vật Việt Nam về nước. Trong khi đó, trải qua chiến tranh, biến động lịch sử, nạn buôn bán cổ vật trái phép, các di vật nghệ thuật, cổ vật quý, quốc bảo, sách Hán Nôm, trấn phong… vẫn đang trôi nổi, lưu lạc ở nước ngoài, hiện được các bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân lưu giữ.
Bộ đàn đá đầu tiên có niên đại khoảng 3000 năm tìm được tại Đắk Lắk năm 1949 đang được bảo quản tại Bảo tàng Con người ở Paris (Pháp), pho tượng Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm cũng đang được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng Guimet (Pháp), thanh bảo kiếm “Thái A Kiếm” của vua Gia Long đang được trưng bày tại bảo tàng Quân đội Pháp... Ngoài ra, hàng nghìn sản phẩm gốm sứ, tranh ảnh, tư liệu quý vẫn đang nằm rải rác tại các phòng trưng bày ở Bỉ, Tây Ban Nha, Anh... Vì thế, đã đến lúc hồi hương di sản cần được coi là vấn đề ưu tiên để đầu tư xây dựng chính sách và chiến lược tổng thể.
Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang từng bước hoàn thiện Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), trong đó, một số nội dung lần đầu được đưa vào luật. Điều 80 của dự thảo về Mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước đã cụ thể hóa nội dung khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mua và hiến tặng cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia văn hóa, di sản, nhà sưu tầm cổ vật, ban soạn thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần bổ sung những nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước gồm mua, hiến tặng, trao trả… Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật của Việt Nam bị đưa ra khỏi đất nước bất hợp pháp trong quá khứ; thu thập thông tin, kiểm kê, xác minh và lập hồ sơ cổ vật Việt Nam cũng như tư liệu đầy đủ, chính xác về các cổ vật, bảo vật hiện nằm trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân nước ngoài, từ đó xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn cổ vật hồi hương và tìm kiếm giải pháp phù hợp để đưa cổ vật Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Việc lập hồ sơ cổ vật Việt Nam hiện nằm trong các bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân sẽ giúp chúng ta chủ động đấu tranh thu hồi các cổ vật đó, tránh chậm chân, bị động trong các cuộc đàm phán về giá cả.
Tháo “điểm nghẽn” về nguồn lực tài chính
Thực tế cho thấy, để ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” có thể hồi hương, bên cạnh nỗ lực ngoại giao của Việt Nam, còn có đóng góp đáng ghi nhận của tư nhân trong huy động nguồn lực tài chính. Để tham gia các phiên đấu giá cổ vật, trong hoàn cảnh kinh phí eo hẹp, bảo tàng công lập khó đủ điều kiện tham gia bởi nhiều thủ tục rườm rà như thành lập hội đồng xét duyệt, thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật, đàm phán về mức giá, dự toán kinh phí thường cách rất xa số tiền chốt ở phiên đấu giá.
Trong bối cảnh này, việc đưa cổ vật trở về rất cần huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cùng sự chung tay của các doanh nghiệp, các nhà sưu tập tư nhân. Các nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung các chính sách phù hợp để các địa phương, bảo tàng có cơ sở mua lại các hiện vật này đưa về nước, quy định về nguồn lực tài chính, con người để các đơn vị nhà nước, bảo tàng công lập có thể tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài…
Về nguồn lực hồi hương cổ vật, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng: Bên cạnh việc kết hợp một số giải pháp về mặt ngoại giao và văn hóa để hồi hương các cổ vật, tác phẩm nghệ thuật, trong bối cảnh ngân sách nhà nước như hiện nay, cần khuyến khích các nhà sưu tập tư nhân, bảo tàng tư nhân, người có điều kiện tài chính tham gia đưa cổ vật về nước với những ưu đãi cụ thể về thủ tục hành chính, hải quan, thuế, an ninh. Nhà nước cần ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền sở hữu tư nhân của những người bỏ tiền đưa cổ vật về nước, đồng thời tổ chức trưng bày, triển lãm tôn vinh, quảng bá giá trị các cổ vật.
Ngoài ra, có thể nghiên cứu đề xuất Quốc hội cho phép thành lập quỹ đặc biệt về di sản văn hóa để có ngân sách dự phòng đặc biệt cho di sản văn hóa dân tộc. Chung quan điểm về ngân sách hồi hương cổ vật, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhấn mạnh, Việt Nam cần sớm xây dựng quỹ hồi hương cổ vật thông qua ngân sách của Nhà nước, của địa phương, huy động từ các tập đoàn kinh tế, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước và những người nước ngoài yêu di sản văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cần có một đơn vị chuyên trách hồi hương các cổ vật của nước ta bị xuất khẩu trái phép ra nước ngoài trong các thời kỳ, tích cực vận động Việt kiều chung tay tìm kiếm, phát hiện, cung cấp danh sách cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, vận động họ tham gia quyên góp, đấu giá, hiến tặng cổ vật cho đất nước…
Bên cạnh việc hồi hương cổ vật bằng đấu giá, mua lại, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, chúng ta phải tích cực đẩy mạnh kết hợp linh hoạt giữa pháp lý và ngoại giao, đấu tranh và vận động, đàm phán và khởi kiện. Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm ở các nước đã có nhiều thành công trong hồi hương cổ vật như Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, các quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á...
Trong bối cảnh hiện nay, khi công tác hồi hương cổ vật đang có nhiều chuyển biến, những câu chuyện lịch sử, văn hóa chung quanh cổ vật thu hút sự quan tâm của cộng đồng, cần sớm xây dựng chiến lược hồi hương di sản với những quy định, cơ chế, chính sách rõ ràng để có thêm nhiều cổ vật được về nước, góp phần bổ sung, hoàn thiện bộ tài sản văn hóa nghệ thuật quốc gia, hòa mình cùng sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa nước nhà.
-------------------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 27/1/2024.