Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Đông Nam Bộ

Bài 2: Tìm hướng đi trong bối cảnh mới

Ðịnh hướng đến năm 2030, Ðông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; trung tâm khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao; phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại, đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng… Ðể thực hiện mục tiêu này, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng giữ vai trò cốt lõi.
0:00 / 0:00
0:00
Ðào tạo nghề chuyên sâu ngành điện tử tại Trường cao đẳng Kỹ nghệ II, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ðào tạo nghề chuyên sâu ngành điện tử tại Trường cao đẳng Kỹ nghệ II, Thành phố Hồ Chí Minh.

Yêu cầu từ thực tiễn

Ðể chủ động đón đầu khi sân bay Long Thành (Ðồng Nai) hoàn thành đi vào hoạt động, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trước mắt để đáp ứng yêu cầu vận hành sân bay và vùng quy hoạch phát triển đô thị sân bay Long Thành đang trở nên cấp bách.

Tiến sĩ Ðinh Công Khải, Phó Giám đốc Ðại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Sân bay Long Thành khi đi vào vận hành, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên cấp thiết với Ðồng Nai. Một hệ thống giáo dục chuyên sâu về hàng không, logistics, du lịch và quản trị kinh doanh là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững kinh tế sân bay. Các chương trình đào tạo cần được thiết kế theo hướng thực tế, đáp ứng nhu cầu cụ thể của thị trường, nâng cao kỹ năng và kiến thức cho học viên, chuẩn bị để họ trở thành nhân lực chất lượng cao cho địa phương, vừa giải quyết sự thiếu hụt nghiêm trọng hiện nay, vừa đáp ứng nhu cầu của tỉnh trong hướng đi mới.

Trong bối cảnh mới, tại vùng Ðông Nam Bộ, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, các công nghệ số mới nổi như blockchain, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, internet vạn vật... có thể tạo ra những bước nhảy vọt về cơ sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy logistics phát triển và trở thành xu thế chủ đạo để thay đổi nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường lao động.

Cụ thể, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, có chọn lọc, chuyển dịch mạnh từ công nghiệp khai thác sang công nghiệp chế biến, chế tạo, thân thiện với môi trường; dịch vụ chú trọng vào mũi nhọn là du lịch, cảng biển, logistics.

Tỉnh Bình Dương ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thông tin và viễn thông, điện-điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô-tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số.

Còn Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học-công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, cơ khí, điện tử-công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng... Xuất phát từ thực tế chuyển dịch cơ cấu kinh tế và định hướng phát triển của vùng có thể phát triển nguồn nhân lực tập trung vào các ngành mũi nhọn là: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phần mềm, nội dung số; dịch vụ du lịch, ngành dịch vụ cảng biển và logistics, tài chính ngân hàng, giáo dục y tế và ngành nông nghiệp công nghệ cao.

Đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Hiện các cơ sở giáo dục đại học vùng Ðông Nam Bộ có hơn 22 nghìn giảng viên với số sinh viên theo học chiếm hơn 34% tổng số sinh viên cả nước. Ðây là những điều kiện rất thuận lợi để vùng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Ðiều đó đòi hỏi các cơ sở đào tạo đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực thông qua liên kết giữa doanh nghiệp, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng; đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng đội ngũ đào tạo, đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất...

Các tỉnh, thành phố vùng Ðông Nam Bộ cần nghiên cứu sâu cho từng địa phương về nhu cầu của nhà tuyển dụng nhằm dự báo và có kế hoạch đáp ứng nhu cầu tuyển dụng các lĩnh vực. Ðây là những bài toán cần nhiều sự quan tâm, giải quyết để có thể tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển của vùng trong tương lai.

Tại Bình Dương, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh, vừa qua, Trường đại học Quốc tế Miền Ðông (EIU) đã hợp tác với Công ty ARIS Japan (Nhật Bản) đưa vào hoạt động Trung tâm An ninh mạng (Cyber Security Center) với mục tiêu cùng phát triển, hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập dành cho khoa Công nghệ thông tin.

Tiến sĩ Ngô Minh Ðức, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Mục tiêu của trung tâm là cung cấp một môi trường thuận lợi để sinh viên học tập, thực hành và nghiên cứu các công nghệ mới nhất, mang lại trải nghiệm thực tiễn, phong phú, năng động cho sinh viên. Ðồng thời, mở rộng hợp tác với các đối tác doanh nghiệp để thực hiện các dự án, cung cấp các giải pháp, đào tạo và chuyển giao các công nghệ mới liên quan đến an ninh mạng.

Trước đó, tháng 9/2023, Bình Dương cũng đã công bố quyết định thành lập Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Việt Nam-Singapore. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết: Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Việt Nam-Singapore được thành lập nhằm thúc đẩy triển khai định hướng của Bình Dương trong việc tiên phong phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển khoa học-công nghệ. Ðược định vị là nền tảng nhằm thu hút sự tham gia tích cực và hợp tác giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, theo mô hình hợp tác ba nhà, giúp doanh nghiệp có thể tiến sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn, thích ứng với xu hướng phát triển xanh và bền vững của thế giới.

Cuối tháng 5 vừa qua, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, huyện Long Thành (Ðồng Nai), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn cũng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với mục tiêu chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ cho sân bay Long Thành.

Ba bên sẽ hợp tác chiến lược các lĩnh vực: Ðào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không; gia công, sản xuất vật tư, linh kiện phụ tùng để phục vụ công tác bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, trang thiết bị hàng không; xây dựng khu phức hợp với các công năng, phục vụ cho đào tạo, bảo dưỡng sửa chữa, khu vực làm việc cho cán bộ, chuyên gia công tác tại sân bay Long Thành trong thời gian tới.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, không chỉ phục vụ sân bay Long Thành, địa phương đang tính toán nhân lực cho cả vùng sân bay Long Thành với không gian quy hoạch phát triển mới lên đến 30 nghìn ha, thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao theo tiêu chí thu hút đầu tư vào bốn khu công nghiệp lân cận sân bay mà Ðồng Nai đã đưa vào quy hoạch. Tỉnh mong muốn các cơ sở đào tạo lớn hỗ trợ các trường của địa phương thông qua mô hình liên kết đào tạo, chú trọng nâng cao chất lượng cả những ngành nghề trong và ngoài sân bay.

---------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 29/8/2024.