Gia tăng giá trị bền vững cho ngành hàng sầu riêng

Bài 2: Tạo "bệ phóng" cho xuất khẩu bứt phá

Nhu cầu về sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh và các sản phẩm chế biến sâu từ sầu riêng đang có sự gia tăng mạnh trên thế giới, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Với lợi thế xuất khẩu chính ngạch cả sản phẩm tươi và đông lạnh sang Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao, sớm thiết lập những kỷ lục xuất khẩu mới.
Tách múi sầu riêng cấp đông phục vụ xuất khẩu tại huyện Krông Pắc, tỉnh Ðắk Lắk. (Ảnh CÔNG LÝ)
Tách múi sầu riêng cấp đông phục vụ xuất khẩu tại huyện Krông Pắc, tỉnh Ðắk Lắk. (Ảnh CÔNG LÝ)

Theo Cục Bảo vệ thực vật, mỗi năm Trung Quốc chi khoảng 7 tỷ USD nhập khẩu sầu riêng tươi và 1 tỷ USD nhập khẩu sầu riêng đông lạnh và sẽ còn tiếp tục tăng. Ðây là dư địa lớn cho sầu riêng Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu.

Theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của tỉnh ước đạt 9.325 tấn, kim ngạch 35 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ..., trong đó Trung Quốc chiếm hơn 80% giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho rằng: Xuất khẩu sầu riêng của Tiền Giang sang thị trường Trung Quốc hiện chủ yếu là xuất tiểu ngạch và qua trung gian nên số liệu thống kê về sản lượng xuất khẩu chưa cập nhật đầy đủ. Qua khảo sát hai doanh nghiệp ở huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè, giá trị xuất khẩu ủy thác qua các doanh nghiệp ngoài tỉnh của mỗi doanh nghiệp là hơn 1.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với số liệu thống kê.

Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Ðắk Lắk cho biết: Sầu riêng tuy là mặt hàng có giá trị cao và có số lượng xuất khẩu lớn của Ðắk Lắk nhưng hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng là doanh nghiệp tỉnh ngoài đến thu mua sầu rồi vận chuyển về các tỉnh khác để xuất khẩu, do đó kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của tỉnh ít hơn nhiều so với thực tế.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Ðắk Lắk Vũ Ðức Côn, sản lượng quả sầu riêng tươi trên địa bàn tỉnh hiện đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 60%, còn lại là tiêu thụ nội địa và chế biến sâu. Vì vậy, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc sẽ là điều kiện thuận lợi góp phần tăng sản lượng sầu riêng xuất khẩu lên 70-80%. Mặt khác, trường hợp vào vụ thu hoạch, quả sầu riêng tươi không xuất khẩu được hoặc giá bán thấp thì có thể chế biến cấp đông để xuất khẩu.

Về thế mạnh của sầu riêng đông lạnh, theo Cục Bảo vệ thực vật, sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ gây ô nhiễm môi trường. Người tiêu dùng sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh vì có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác.

Theo ông Vũ Hoàng Huynh, Phó Tổng Giám đốc Công ty sầu riêng Tây Nguyên-Sarita, từ năm 2023, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sầu riêng tại Ðắk Lắk với công suất 40.000 tấn/năm, chuyên chế biến sầu riêng tươi và bóc múi. Hàng cấp đông được xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí và tăng lợi nhuận. Hiện các doanh nghiệp đang chờ các cơ quan chuyên môn hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ thủ tục để đăng ký xuất khẩu sản phẩm cấp đông.

Theo Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Huỳnh Tấn Ðạt, các vùng trồng, doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực vật đối với sản phẩm. Nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện cho phía Trung Quốc. Các doanh nghiệp đủ điều kiện phải được đăng ký với Trung Quốc mới có thể xuất khẩu vào thị trường này. Với năng lực hiện tại của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Ban Mê Green Farm Nguyễn Thị Thái Thanh cũng cho biết: Công ty đã hoạt động trong lĩnh vực cấp đông sầu riêng từ năm 2022, với sản lượng dự kiến năm nay đạt 4.000-5.000 tấn. Ðối với doanh nghiệp, một trong những điều cần lưu ý là hiểu rõ các tiêu chí về "nhân viên được chỉ định" để bảo đảm tuyển chọn đúng người, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể theo Ðiều II của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, phía Việt Nam phải bảo đảm rằng các công đoạn như tách, bóc vỏ, tách múi và các công đoạn chế biến khác của sầu riêng đông lạnh được thực hiện bởi các nhân viên được chỉ định. Ðể ngăn ngừa lây nhiễm chéo, nhân viên được phân công phải ở trong khu vực sản xuất trong quá trình chế biến đóng gói.

Ngoài việc tuân thủ quy định của nước nhập khẩu thì nông dân, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh trạnh thị phần với các sản phẩm cùng loại đến từ Thái Lan, Malaysia..., thêm nữa là chính Trung Quốc khi nước này đang trồng thử nghiệm 2.700 ha sầu riêng tại phía nam đảo Hải Nam.

---------------------------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 13/10/2024.