“Làn gió mới”
Thực hiện Thông báo số 1002-TB/TU ngày 16/3/2005 của Thường trực Tỉnh ủy, về việc chuyển cán bộ biên phòng về sinh hoạt tạm thời tại các địa bàn xung yếu tuyến biên giới phía tây Nghệ An, các đồn biên phòng đã lựa chọn và cử các đảng viên biên phòng có năng lực và dày dặn kinh nghiệm về sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ yếu kém ở các địa bàn phên giậu xung yếu.
Thiếu tá, đảng viên Đặng Quốc Khánh, được Đồn Biên phòng Nhôn Mai giới thiệu về sinh hoạt tại Chi bộ bản Piêng Coọc, bản có 100% đồng bào người H’Mông thuộc xã Mai Sơn (Tương Dương). Đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tội phạm ma túy...
Bài 1: “Cán bộ xã quân hàm xanh”
Qua gần bốn năm sinh hoạt tại chi bộ, Thiếu tá Khánh tạo nên “làn gió mới” trong nâng cao chất lượng và nền nếp sinh hoạt chi bộ. Nghị quyết chi bộ đề ra bám sát thực tiễn hơn, như nghị quyết vận động người dân đưa trâu bò, vật nuôi ra nuôi cách xa nơi ở hay nghị quyết vận động cán bộ, nhân dân làm giao thông nông thôn, làm sân chơi thể thao, văn hóa. Giờ đây, người dân trong bản thoát được cảnh đi lại lầy lội vào mùa mưa và có sân thể thao, văn hóa là nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, thể thao vào dịp lễ, Tết.
Cùng với việc triển khai thực hiện đề án “Xã biên giới sạch về ma túy” của Công an Nghệ An đến nay, Piêng Coọc trở thành địa bàn sạch ma túy. Hiện, Thiếu tá Khánh đã chuyển công tác nhưng Bí thư Chi bộ bản Piêng Coọc Và Bá Dế vẫn có nhận xét tốt về người đảng viên biên phòng này.
Tương tự, Thiếu tá, đảng viên Đoàn Hồng Thường được Đồn Biên phòng Mỹ Lý cử về sinh hoạt tạm tại Chi bộ Huồi Pún, bản người Khơ Mú thuộc xã vùng cao Mỹ Lý (Kỳ Sơn), với gần 100% số hộ nghèo, cận nghèo. Khó khăn trong công tác đảng ở bản nghèo này là việc điều hành, chỉ đạo của cấp ủy, bí thư chi bộ còn nhiều lúng túng, hạn chế; chưa nắm chắc cách thức triển khai, chưa hiểu hết được nội dung của văn bản.
Việc đầu tiên Thiếu tá Thường triển khai đó là tận tình hướng dẫn đồng chí Bí thư Chi bộ và cấp ủy về nghiệp vụ công tác đảng và cách thức sinh hoạt đúng nguyên tắc, nền nếp; kiện toàn hồ sơ, sổ sách; nắm bắt, triển khai chị thỉ, nghị quyết chỉ đạo của cấp trên...
Chi bộ Huồi Pún sinh hoạt dần đi vào nền nếp, đúng thời gian, đủ đảng viên sinh hoạt, chấm dứt tình trạng đến ngày sinh hoạt theo quy định nhưng đảng viên vắng mặt không có lý do chính đáng. Chất lượng sinh hoạt chi bộ dần được nâng lên, có nhiều ý kiến xây dựng về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng của bản. Chi bộ xây dựng nghị quyết hằng tháng đi vào trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế như các nghị quyết: Cấm đánh bắt thủy sản ở khe Huối Xá; khai hoang làm 8 ha lúa nước; cấm các hoạt động vi phạm bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng…
Trung tá Đinh Xuân Thảo ở Đồn Biên phòng Thông Thụ được cử xuống sinh hoạt ở Chi bộ bản Mường Piệt, xã Thông Thụ từ đầu năm 2021, anh đã vận động gia đình các anh Ngân Văn Hồng, Lô Văn Hừng cùng một số gia đình khác tận dụng mặt nước hồ thủy điện Hủa Na để nuôi cá lồng và hướng dẫn người dân tận dụng bờ hồ để trồng ngô, sắn làm thức ăn cho cá hay nuôi lợn, gà tăng thu nhập. Từ mô hình này, đến nay, toàn xã có hơn 30 hộ nuôi cá lồng, nhiều hộ đầu tư 10-20 lồng cá... cho thu nhập vài chục triệu đồng đến trăm triệu đồng/năm.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An phân công 579 đảng viên phụ trách 2.671 hộ gia đình ở khu vực biên giới; thực hiện nhiều mô hình, công trình, việc làm giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Kết quả nổi bật là triển khai 57 mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; huy động cán bộ, chiến sĩ giúp sửa chữa, xây mới 210 ngôi nhà cho hộ nghèo...
(Nguồn: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An)
Trường hợp khác là đảng viên Vi Văn Lai được Đồn Biên phòng Châu Khê cử về sinh hoạt tại Chi bộ bản Châu Sơn - bản 100% đồng bào người Đan Lai. Không chỉ quan tâm bồi dưỡng công tác đảng cho các đồng chí trong cấp ủy, chăm lo củng cố hệ thống chính trị của bản mà anh Lai còn động viên người dân chuyển đổi dần nhận thức về phát triển kinh tế, giảm dần tư tưởng trông chờ ỷ lại. Được đồn biên phòng hỗ trợ dẫn nước về làm ruộng nước, anh Lai cùng với các cán bộ biên phòng đã “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn người dân từng công đoạn làm lúa nước, nhờ đó đến nay, bản Châu Sơn phát triển được hơn bảy ha lúa nước, giảm tình trạng phát nương làm rẫy…
Qua hơn 17 năm thực hiện Thông báo số 394-TB/TU ngày 23/8/2007 về việc “Chuyển cán bộ, đảng viên bộ đội biên phòng về tham gia sinh hoạt đảng tại địa bàn có đồng bào theo đạo ở các xã ven biển”. Các cán bộ biên phòng có nhiều đóng góp giúp cấp ủy xây dựng các nghị quyết sát đúng thực tiễn địa phương và đóng vai trò cầu nối tăng cường sự đoàn kết, thống nhất giữa chi bộ, ban cán sự xóm, bản, các chức sắc, chức việc, các quản xứ, giáo họ, ban hành giáo xứ cũng như đoàn kết trong nhân dân. Tham mưu kiện toàn các tổ chức đoàn thể đi vào hoạt động nền nếp, nhờ vậy, các phong trào tại địa phương phát triển mạnh, nhất là phát triển kinh tế biển và xây dựng nông thôn mới...
Nỗ lực phát triển đảng
Theo Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe, các “cán bộ xã quân hàm xanh” đã tham mưu cho đảng ủy, giao chỉ tiêu phát triển đảng đến từng chi bộ cùng với công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ thôn bản gắn với công tác khen thưởng.
Còn các đảng viên biên phòng khi được cử về sinh hoạt tạm tại các chi bộ yếu kém ở các địa bàn xung yếu chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở. Từ đó tham mưu, lập kế hoạch xây dựng, củng cố; tập trung bồi dưỡng quần chúng ưu tú vào Đảng để bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho thôn xóm.
Trung tá, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý Hoàng Thế Tài cho biết: Đồn phụ trách hai xã Mỹ Lý và Bắc Lý, đều là những xã vùng cao, nơi chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và thuộc diện khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn. Căn cứ vào thực tế, phối hợp cấp ủy địa phương, đồn đã cử năm sĩ quan dày dặn kinh nghiệm về sinh hoạt tại những bản khó khăn nhất để củng cố hoạt động của chi bộ cũng như ban quản lý bản.
Qua đó, các đảng viên biên phòng phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng nhiều cán bộ có khả năng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức chính trị, xã hội ở các bản; đồng thời, bồi dưỡng những quần chúng tốt để đề xuất chi bộ xem xét kết nạp. Mặc dù nguồn phát triển đảng còn nhiều hạn chế, do nhiều thanh niên rời bản đi làm ăn xa nhưng các chi bộ vẫn hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên.
Chi bộ bản Tùng Hương là một trong những đơn vị dẫn đầu về công tác phát triển đảng của xã Tam Quang (huyện Tương Dương). Bí thư Chi bộ bản Tùng Hương La Quang Đạo cho biết: “Từ khi có cán bộ biên phòng tham gia sinh hoạt, việc phát triển đảng viên trong bản được chú trọng hơn. Từ chỗ chưa đầy 10 đảng viên, đến nay, chi bộ bản Tùng Hương có 46 đảng viên”.
27 cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường giữ chức danh phó bí thư đảng ủy xã biên giới cùng 80 đảng viên bộ đội biên phòng chuyển sinh hoạt tạm thời về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản ở địa bàn xung yếu, vùng giáo đã tham mưu một cách tích cực các giải pháp để củng cố kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng cấp ủy, chi bộ, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở vững mạnh. Theo con số báo cáo, trong 5 năm qua (2019-2024), việc cử sĩ quan biên phòng về cơ sở góp phần củng cố, kiện toàn được 126 chi bộ, 342 tổ chức chính trị-xã hội cấp xã ở khu vực biên giới và bồi dưỡng kết nạp được 196 đảng viên mới...
Đại tá, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Nguyễn Văn Hậu cho biết: Phát huy kết quả đã đạt được, và để tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác tham gia xây dựng củng cố cơ sở chính trị khu vực biên giới trong thời gian tới, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã chủ động xây dựng đề án “Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở xã, khối, xóm, thôn, bản khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2026 và những năm tiếp theo” và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ra Thông báo số 557-TB/TU, ngày 24/5/2022 về triển khai thực hiện đề án.
Đề án này như luồng sinh khí mới góp phần tăng thêm sức mạnh cho những địa phương vùng biên, trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, nhằm xây dựng “thế trận biên phòng toàn dân” ngày càng vững chắc...; qua đó, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho đồng bào đang sinh sống trên vùng phên giậu của Tổ quốc.