Vững chắc hệ thống chính trị khu vực biên giới

Bài 1: “Cán bộ xã quân hàm xanh”

Nghệ An có đường biên giới đất liền dài 468 km, địa hình phức tạp, trong đó 22/27 xã biên giới thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An được coi là “lá chắn thép” trong quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới. Bên cạnh đó, các sĩ quan biên phòng còn được cử về địa phương biên giới làm cán bộ cốt cán xã, bản... đã góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng biên, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Bộ đội Đồn Biên phòng Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông.
Bộ đội Đồn Biên phòng Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông.

Hơn 20 năm qua, hàng trăm lượt sĩ quan biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An được tăng cường về làm phó bí thư đảng ủy ở 27 xã biên giới, không chỉ tham mưu cho địa phương về công tác an ninh quốc phòng mà còn tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở giúp địa bàn vùng xung yếu có nguy cơ trắng chi bộ và phát triển đội ngũ cán bộ, tạo sự đoàn kết, ổn định ở cơ sở...

Tiên phong trong việc triển khai đề án “Cán bộ xã quân hàm xanh”, Bộ đội Biên phòng Nghệ An tạo nên dấu ấn, khắc ghi sâu đậm trong tâm trí và trở thành niềm tin, điểm tựa vững chắc cho đồng bào nhân dân nơi biên giới.

Trọng trách mới

Cuối năm 2014, Trung tá Võ Văn Quỳnh (lúc đó đang mang quân hàm Thiếu tá) được cử về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý - địa bàn rẻo cao khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc H’Mông, Thái, Khơ Mú. Sau khi ổn định công tác, đồng chí Quỳnh phối hợp Đảng ủy, chủ biên các văn kiện và tổ chức đại hội Đảng bộ xã Mỹ Lý nhiệm kỳ 2015-2020 thành công.

Nhận thấy thực trạng hoạt động ở địa phương còn một số hạn chế như việc ban hành các quy chế, quy định, chế độ hội họp chưa đầy đủ, làm việc không có kế hoạch công tác..., đồng chí Quỳnh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đưa ra nhiều giải pháp sửa đổi lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu lực quản lý của cấp ủy, chính quyền, như xây dựng quy chế hoạt động, lịch làm việc của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân... Nhờ đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc chấp hành giờ giấc, ý thức làm việc, cung cách phục vụ nhân dân. Thực hiện công tác đấu tranh với tội phạm ma túy và đề án “xã sạch ma túy”, đồng chí đã tham mưu cùng công an xã và đồn biên phòng vận động đưa người nghiện đi cai nghiện; tiến hành các biện pháp để không phát sinh tụ điểm ma túy, người nghiện mới... Đánh giá về hoạt động của đồng chí Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Vi Văn Sơn cho biết: 10 năm qua, Trung tá, Phó Bí thư Đảng ủy Võ Văn Quỳnh không chỉ hoàn thành tốt công tác mà mình phụ trách về quốc phòng an ninh mà còn kiêm nhiệm nhiều công tác khác của xã, tham mưu nhiều công việc tốt cho Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, giúp đỡ phát triển đội ngũ cán bộ, được cán bộ và nhân dân tin tưởng...

Năm 2012, Trung tá Hồ Xuân Tuyến (lúc này đang mang quân hàm Thiếu tá) được cử làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang (huyện Tương Dương), nơi chủ yếu đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống và tỷ lệ hộ nghèo cao... Để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ về công nghệ thông tin, anh trực tiếp “cầm tay” hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính, soạn thảo văn bản, truy cập internet nghiên cứu tài liệu... Với vai trò của mình, từ năm 2012 đến nay, đồng chí trực tiếp giác ngộ, bồi dưỡng giới thiệu kết nạp 26 đảng viên, giúp Tam Quang luôn đạt và vượt kế hoạch phát triển đảng viên hằng năm. Để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ thôn bản, bằng uy tín của mình, anh đã trực tiếp vận động đảng viên mà mình bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp tham gia chi ủy, ban quản lý bản.

Ở địa bàn mình phụ trách, anh Tuyến tư vấn hộ nghèo vay vốn sản xuất phát triển kinh tế phù hợp điều kiện thực tế. Như bản Tùng Hương, ngoài trồng rừng, anh còn vận động người dân trồng sắn nguyên liệu, nên nhiều hộ có thêm thu nhập 10-15 triệu đồng từ cây sắn. Hay bản Tân Hương ngoài trồng lúa nước, phát triển du lịch sinh thái, người dân còn chăn nuôi gia súc, gia cầm giống bản địa… Nhờ đó, đến năm 2017, Tam Quang về đích nông thôn mới khi tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,18%. Đây là xã 135 miền núi biên giới đầu tiên ở Nghệ An về đích nông thôn mới, trước ba năm so với kế hoạch. Vì thế, khi cấp trên có ý định điều chuyển đồng chí công tác khác, địa phương đã đề nghị Trung tá Hồ Xuân Tuyến ở lại tiếp tục cùng giúp sức xây dựng Tam Quang hoàn thành nông thôn mới nâng cao trong năm 2025.

Thượng tá, Chánh Văn phòng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An Hoàng Nhật Sơn được cử về xã Môn Sơn làm Phó Bí thư Đảng ủy năm 2020. Về Môn Sơn, đồng chí bám sát cơ sở, nhanh chóng hòa đồng với địa phương. Từ thực tế, đồng chí đã tham mưu giúp cấp ủy duy trì nền nếp, nguyên tắc, chế độ sinh hoạt đảng bộ chuẩn mực; giúp đội ngũ cán bộ xã trong cải cách thủ tục hành chính, nhất là thời gian xử lý văn bản, hồ sơ, thống kê… kịp thời. Các nội dung được quan tâm là tổ chức lồng ghép các buổi văn hóa, văn nghệ với công tác tuyên truyền pháp luật, an ninh biên giới, biên phòng toàn dân… Thông qua công tác xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ cơ sở, phát triển đảng viên, Môn Sơn luôn nằm tốp đầu huyện miền núi Con Cuông. Với uy tín của mình, năm 2023, anh còn được tổ chức tin tưởng giao thêm nhiệm vụ, kiêm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã.

Còn nhiều sĩ quan biên phòng khác được tăng cường về cơ sở làm cán bộ cốt cán “mang quân hàm xanh” xây dựng phong trào vùng biên giới ngày càng vững mạnh. Các sĩ quan này ngày đêm cống hiến sức mình cho nhiệm vụ “đặc biệt”, họ đều có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng, củng cố “chất thép” cho hệ thống chính trị ở vùng biên; trở thành niềm tin, điểm tựa vững chắc cho đồng bào nhân dân nơi biên giới miền tây Nghệ An.

Bài 1: “Cán bộ xã quân hàm xanh” ảnh 1

Chuẩn bị hàng hóa ở “ngôi nhà thiện nguyện” tặng đồng bào nghèo ở khu vực biên giới Nghệ An.

Nâng tầm nhiệm vụ

Đại tá, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Nghệ An Lê Như Cương cho biết: Xuất phát từ thực trạng chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở các xã vùng sâu thuộc địa bàn miền núi biên giới còn bất cập và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới ngay từ năm 1999, Thường trực Tỉnh ủy đã nhất trí chủ trương điều động các cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường cho các xã biên giới, ven biển.

Năm 2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An nhất trí với đề xuất của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc tăng cường 19/27 cán bộ bộ đội biên phòng trực tiếp tham gia cấp ủy địa phương, đảm nhiệm chức danh phó bí thư đảng ủy các xã biên giới ở ba huyện 30a: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Tỉnh ủy Nghệ An đã ra Chỉ thị số 32-CT/TU về mối quan hệ công tác của cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã, phường biên giới, bờ biển. Trên cơ sở vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng với kết quả thành công ban đầu đạt được khẳng định chủ trương đúng đắn mà Tỉnh ủy đã chỉ đạo Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiên phong triển khai. Từ đó đến nay, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã triển khai hàng trăm lượt cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường cho 27 xã biên giới đất liền, giữ chức danh phó bí thư đảng ủy xã; một số đồng chí giữ chức danh bí thư đảng ủy xã. Nhiều đồng chí xuống cơ sở tạo được uy tín, tham gia nhiệm vụ này ở địa phương từ hai đến ba nhiệm kỳ.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết: Cái được lớn nhất mà các sĩ quan biên phòng tăng cường là góp phần bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành cho đội ngũ cán bộ xã. Cùng với Thường trực, Ban Thường vụ, lãnh đạo địa phương từng bước uốn nắn tác phong làm việc, cũng như hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng đi vào nền nếp. Các “cán bộ xã quân hàm xanh” tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng Đảng và hệ thống chính trị địa phương một cách bài bản; qua đó giúp hệ thống chính trị ở địa phương ngày càng vững mạnh. Là cầu nối giữa địa phương và đồn biên phòng trong việc nắm chắc tình hình, đề xuất các giải pháp cụ thể để bảo vệ an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, chống buôn lậu và các tệ nạn xã hội trên địa bàn biên giới được tốt hơn. Các vấn đề nóng phát sinh ở địa phương, mâu thuẫn nội bộ, dòng họ đều sớm phát hiện, xử lý kịp thời; góp phần tạo sự đoàn kết, ổn định ở cơ sở; nhất là trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy…

Được biết, hằng năm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An luôn tổ chức lựa chọn các cán bộ có năng lực, kinh nghiệm công tác ở cơ sở, giỏi tiếng đồng bào làm dự nguồn “cán bộ xã quân hàm xanh” cùng với công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nên khi được phân công làm nhiệm vụ mới về địa bàn họ không còn e ngại, lúng túng khi phải đối mặt giải quyết những phức tạp nảy sinh.

Thực hiện Kết luận số 68-KL/TW ngày 5/2/2020 của Ban Bí thư; đồng thời, kế thừa kết quả đã đạt được trong việc triển khai “cán bộ xã quân hàm xanh”, tháng 12/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ra Thông báo số 80-TB/TU về việc triển khai chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới và ban hành Quy định số 02-QĐ/TU về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới. Qua đó đã chỉ định sáu đồng chí là đồn trưởng hay chính trị viên các đồn biên phòng tham gia cấp ủy các huyện biên giới đất liền. Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục chỉ định tham gia cấp ủy các huyện, thị biên giới biển theo Kết luận số 266-KL/TU, ngày 26/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời thường xuyên duy trì 27 cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường về xã và đều tham gia cấp ủy địa phương; cùng với đó còn giới thiệu nhiều cán bộ bộ đội biên phòng tham gia Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp.

(Còn nữa)