Liên kết để phát triển
Trưởng phòng dự án, Công ty cổ phần mắc-ca Liên Việt Lai Châu Nguyễn Văn Sơn cho biết, hiện doanh nghiệp đã đầu tư dự án phát triển cây mắc-ca tại các huyện Than Uyên, Nậm Nhùn, Mường Tè…Đến nay, các dự án đang phát triển tốt dựa trên các phương thức hợp đồng trực tiếp giữa doanh nghiệp và các hộ dân có sự chứng kiến của chính quyền sở tại, doanh nghiệp thuê đất của địa phương theo quy định của pháp luật và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp cho các hộ dân có đất để chia sẻ lợi ích theo thỏa thuận. Mục tiêu của Công ty là phát triển khoảng 35.000 ha mắc-ca theo phương thức thuê đất, còn lại là hình thức hợp tác trực tiếp với các hộ dân để phát triển vùng trồng chuyên canh.
Hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu đã có hơn 5.400 ha cây mắc-ca, trong đó diện tích trồng thuần chiếm 2/3, còn lại là trồng xen canh với các cây trồng khác. Được sự đầu tư, hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp như: Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Trường Giang Lai Châu, Công ty An Đức Minh, Công ty Cổ phần Liên Việt Lai Châu, tỉnh đang hình thành các vùng chuyên canh mắc-ca tập trung quy mô lớn. Cùng với việc liên kết thu mua sản phẩm, các doanh nghiệp đã hỗ trợ cho người trồng về kỹ thuật, giống chất lượng cao.
Công ty cổ phần đầu tư phát triển mắc-ca và giống cây lâm nghiệp Điện Biên hiện đang đồng hành tích cực cùng các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây mắc-ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ngoài việc liên kết với các hộ nông dân để thu mua sản phẩm hạt mắc-ca, Công ty còn cung cấp giống cây trồng theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Để bảo đảm chất lượng giống, Công ty cam kết hiện có đầy đủ tất cả dòng giống cây mắc-ca đạt năng suất cao, năng lực sản xuất 30-50 vạn cây/năm đáp ứng nhu cầu về giống mắc-ca.
Cùng với việc phát triển bền vững các vùng trồng cây mắc-ca, các địa phương thuộc 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu đang thực hiện tốt việc triển khai các dự án trồng và sản xuất mắc-ca do các doanh nghiệp trực tiếp đầu tư. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Nguyễn Trọng Lịch cho rằng, trong điều kiện thực tế còn rất nhiều khó khăn của đồng bào các dân tộc thiểu số, việc tự huy động vốn để đầu tư, phát triển mắc-ca là không thể. Do đó, một số mô hình mắc-ca có hiệu quả tốt tại địa phương là do các doanh nghiệp chủ động đầu tư từ khâu giống, vốn, kỹ thuật, trang thiết bị vật tư phục vụ tưới tiêu, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng coi việc doanh nghiệp đầu tư để phát triển các vùng trồng cây mắc-ca là chiến lược phát triển.
Theo Hiệp hội mắc-ca Việt Nam, để phát triển hiệu quả, bền vững, ngay từ bây giờ cần từng bước hình thành ngành hàng mắc-ca theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trồng, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế… Hiện nay, Hiệp hội đang đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển theo chuỗi từ khâu giống, trồng, chế biến, tiêu thụ và ngành công nghiệp phụ trợ cho mắc-ca.
Với những tỉnh còn nhiều đất để phát triển mắc-ca như ở Tây Bắc, các doanh nghiệp sẽ làm đầu tàu để triển khai việc trồng, sau đó người dân sẽ là những công nhân của doanh nghiệp, họ sẽ học hỏi được kỹ thuật, kinh nghiệp trồng cây mắc-ca cũng như tích lũy tài chính cho mình sau đó sẽ tiến hành trồng trên những khu đất riêng của gia đình và đây sẽ là sản lượng chính. Doanh nghiệp lúc đó sẽ xây dựng nhà máy và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
Quản lý hiệu quả để phát triển bền vững
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định, về giống, đến nay đã có 13 giống mắc-ca được công nhận và đưa vào sản xuất, trong đó có 3 giống quốc gia và 10 giống tiến bộ kỹ thuật. Bộ cũng đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch quả và sơ chế hạt cây mắc-ca; xây dựng, tiêu chuẩn quốc gia về giống cây mắc-ca. Hiện đã có hàng chục doanh nghiệp liên kết với người dân để phát triển cây mắc-ca tại các tỉnh, chủ yếu là cung cấp giống, tiêu thụ sản phẩm; một số doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến hạt mắc-ca với công nghệ hiện đại, quy mô lớn tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Lai Châu và Điện Biên.
Nhằm tránh việc người dân trồng tự phát cây mắc-ca không theo định hướng và quy hoạch dễ gây ra rủi ro khi tham gia sản xuất, các địa phương vùng Tây Bắc đã và đang chủ động trong công tác quản lý tốt giống cây đồng thời khuyến cáo các tổ chức, cá nhân nên mua giống cây mắc-ca tại các cơ sở đã được cấp chứng chỉ công nhận nguồn giống cây lâm nghiệp, cần tìm hiểu đặc tính, yêu cầu sinh thái, khả năng thích nghi của cây mắc-ca đối với khu vực dự kiến trồng. Tổ chức trồng khảo nghiệm ở các tiểu vùng sinh thái khác nhau nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế tại các địa phương trước khi nhân ra diện rộng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cho biết, tại địa phương hiện đã có một số hộ gia đình có thu nhập cao nhờ trồng cây mắc-ca và đang thu hút nhiều hộ dân khác cùng tham gia trồng loại cây này, thay cho một số cây trồng truyền thống năng suất thấp trước đây. Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp huyện là phải tăng cường giám sát chặt chẽ chất lượng cây giống, quản lý thực địa trồng cây và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có dự án để vừa nâng cao chất lượng cây trồng, vừa vận động khuyến cáo người dân không nên phát triển tự phát, tránh trường hợp trồng mắc-ca ồ ạt, chất lượng không bảo đảm, gây hệ lụy xấu sau này.
Người dân cần áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất mắc-ca theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm chất lượng nguồn giống và đạt năng suất cao. Tuy nhiên, để định hướng và bảo đảm ổn định thị trường “đầu ra” cho sản phẩm mắc-ca, đòi hỏi có sự liên kết, chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà nông; qua đó, tạo ra một quy trình chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thu mua, tiêu thụ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trồng cây mắc-ca mang lại hiệu quả cao, phát triển ổn định và bền vững.
Qua trồng thử nghiệm tại một số địa phương Tây Bắc cho thấy, cây mắc-ca thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng vùng, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định, mắc-ca là cây trồng nhập nội, mới được gây trồng, phát triển ở Việt Nam, việc phát triển vùng trồng mắc-ca cần được nghiên cứu, triển khai từng bước, thận trọng, trên cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc và nhu cầu của thị trường, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phát triển mắc-ca trên cơ sở phát huy lợi thế về tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng, từng địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần ổn định dân cư, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội; từng bước hình thành ngành hàng mắc-ca theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trồng, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, phát triển mắc-ca trên cơ sở xây dựng vùng trồng tập trung, đầu tư thâm canh, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm hàng hóa đa dạng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường, có sức cạnh tranh cao. Tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển bền vững cây mắc-ca. Nhà nước có cơ chế, chính sách và hỗ trợ đầu tư thỏa đáng để thực hiện các vấn đề mà doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân ít quan tâm đầu tư đối với cây trồng mắc-ca.
Các địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn, phối hợp với các đơn vị khoa học rà soát quỹ đất thuộc quy hoạch rừng sản xuất để phát triển mắc-ca theo phương thức trồng thuần loài; trồng xen mắc-ca trên đất trồng cây công nghiệp và đất trống thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, phù hợp với quy hoạch của địa phương và kế hoạch sử dụng đất từng giai đoạn. Các địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc-ca thông qua cầu nối hợp tác xã và tổ hợp tác xây dựng vùng trồng mắc-ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng mắc-ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Các địa phương đồng thời cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất mắc-ca cả về chiều rộng và chiều sâu; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường năng lực cho hợp tác xã. Các hộ gia đình cần liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để xây dựng vùng trồng mắc-ca tập trung, thiết lập mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm. Phát huy vai trò của Hiệp hội mắc-ca Việt Nam, là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất cây mắc-ca theo chuỗi, hỗ trợ vay vốn, cung ứng dịch vụ giống và phân bón, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mắc-ca hiệu quả, bền vững….