Dân vận khéo trong làm đường giao thông nông thôn:

Bài 2: Phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu

NDO -

Trong quá trình làm công tác dân vận tại địa phương, những người có uy tín và cán bộ ở cơ sở luôn phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất, ủng hộ tiền của, ngày công để làm đường giao thông. Những tấm gương “người thật, việc thật” đã có sức lan tỏa lớn, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều tuyến đường ở huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) được bê-tông hóa tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, giao thương. (Ảnh: Khánh Toàn)
Nhiều tuyến đường ở huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) được bê-tông hóa tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, giao thương. (Ảnh: Khánh Toàn)

Những tấm gương sáng từ cơ sở

Một trong những cá nhân điển hình làm giao thông nông thôn (GTNT) ở xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên (Lào Cai) là ông Phan Kim Sê, ở bản Là 4. Ông Sê cho biết, do ở vùng sâu vùng xa, đường đi vào bản của ông gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa, lũ. Vì vậy, khi có chủ trương phát triển NTM, trên cương vị trưởng thôn, ông đã cùng gia đình tình nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất để làm tuyến đường khang trang.

“Thời điểm hiến đất, mảnh vườn của tôi đang trồng hơn 700 cây quế, riêng tiền bán lá quế là khoảng 10 triệu đồng/năm và tiền bán vỏ quế khi thu hoạch được khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, vì lợi ích chung của mọi người, trong đó có cả gia đình tôi, cho nên tôi sẵn sàng hiến mảnh đất đó để làm đường vào bản”, ông Sê cho biết.

Noi gương trưởng thôn, sáu hộ trong thôn cũng tự nguyện hiến đất làm đường, mỗi hộ hiến từ 200 đến 300 m2. Con đường vào bản giờ đã khang trang hơn với bề rộng gần 5m, đi lại dễ dàng cả bốn mùa, giúp người dân phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa, xóa nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Ông Phan Kim Sê đã được Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen về thành tích xây dựng GTNT ở tỉnh Lào Cai.

Ở Lào Cai còn rất nhiều tấm gương về người dân hiến đất làm đường. Đó là những người tiên phong tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi. Nhiều người đã trở thành những tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở cơ sở, như: Bà Đặng Thị Phúc, ở thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng đã vận động 78 hộ dân hiến hơn 16 nghìn m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Ông Vi Văn Sáng ở thôn Bản Ngoang, xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn đã vận động các hộ dân hiến hơn 5.000 m2 đất (trong đó gần 1.000 m2 đất ruộng) để xây dựng đường giao thông nông thôn. Ông Giàng A Sử ở thôn Nậm Mu, xã Nậm Mả, huyện Văn Bàn tích cực vận động nhân dân trong thôn làm đường giao thông nông thôn mới. Bản thân ông vận động người thân trong gia đình hiến 280 m2 đất vườn để làm đường GTNT.

15_7_lang_Son_4-1598930271012.JPG
Diện mạo nông thôn mới ở thôn Hương Cốc 2, xã Chiến Thắng (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), khi đường trục thôn xóm đã được cứng hóa. (Ảnh: Hùng Tráng)

Anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) là một trong những điển hình trong việc góp đất góp công, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân trong bản hiến đất, góp công hoàn thiện gần 10 km đường bê-tông quanh bản, ô-tô có thể đi lại trong bốn mùa, đưa bản Sin Suối Hồ thành bản du lịch cộng đồng tiêu biểu của Lai Châu. Trong đó, riêng gia đình anh Chỉnh đóng góp hơn 9.000 m2 đất và hơn 500 ngày công lao động. Theo anh Chỉnh, khi có chủ trương làm đường bê-tông, là trưởng bản, anh là người đầu tiên đứng ra hiến đất, sau đó mới vận động bà con. Do nhà nào trong bản cũng trồng cây hoa địa lan, rất cần đường giao thông thuận tiện để đẩy mạnh tiêu thụ, cho nên khi được vận động, phần lớn bà con hưởng ứng rất tích cực. Tất nhiên cùng còn một vài hộ không còn lăn tăn, đắn đo… Với những hộ này, anh Chỉnh cùng lãnh đạo bản đến từng nhà giải thích, thuyết phục, để các hộ đồng thuận, đồng tình.

Ông Dương Kim Thọ, Trưởng thôn Còn Áng, xã Đình Lập (huyện Đình Lập, Lạng Sơn) chia sẻ: "Sau khi được cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động về thu hồi đất, hiến đất để xây dựng công trình, dự án trên địa bàn xã nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, gia đình tôi đã tự nguyện hiến hơn 4.500 m2 đất". Với vai trò là trưởng thôn, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia hiến đất, cùng chung tay xây dựng NTM. Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Phong, cũng ở trong thôn hiến 5.366 m2 đất rừng để xây dựng công trình đường giao thông.

Ngoài ra, các hộ dân thôn Còn Áng đã hiến hơn 16 nghìn m2 đất các loại để làm tuyến đường huyện DH3 - Bản Chuông - Bình Chương 2. Hiện nay, con đường đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân địa phương rất phấn khởi.

Ở thị trấn Ðiện Biên Ðông (tỉnh Điện Biên), người dân cũng tích cực đóng góp các nguồn lực, cùng Nhà nước làm thay đổi diện mạo GTNT. Trong đó phải kể đến sự gương mẫu của gia đình các ông: Cà Văn Dũng, Lò Văn Tiến và Lò Văn Danh, trú tại tổ dân cư số 3 đã tự nguyện hiến trên 300 m2 đất để xây dựng đường nội bộ tổ dân cư với tổng chiều dài 750m, bề rộng mặt đường 2m, lề đường mỗi bên 50 cm. Công trình dù chỉ có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, nhưng đã hoàn thành chỉ sau hơn một tháng thi công, nhờ sự chung sức đồng lòng của người dân trên địa bàn. Nói về niềm vui có con đường mới, ông Lò Văn Danh chia sẻ: “Bê-tông hóa giao thông nông thôn là việc cần thiết để người dân phát triển kinh tế. Chính vì thế, chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc, không thể chỉ chờ đợi vốn Nhà nước, mà cần phải dốc sức đồng lòng. Tôi hiến đất và vận động mọi người cùng hiến đất làm đường; giờ có đường đi lại thuận tiện, buôn bán cũng dễ dàng hơn!”.

Để hỗ trợ người dân làm đường GTNT, chính quyền các cấp còn vận động các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ tiền, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư thiết bị thi công... Điển hình là Công ty CP Sản xuất và Thương Mại Lạng Sơn. Hưởng ứng phát động phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, doanh nghiệp đã đóng góp ủng hộ 1,92 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi.

Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Hồ Phi Dũng chia sẻ: Công tác từ thiện, xã hội luôn được Công ty quan tâm thực hiện và phát động đến toàn thể cán bộ nhân viên và được đông đảo cán bộ, công nhân viên tham gia hưởng ứng, nhất là đóng góp cho xây dựng đường GTNT ở các xã biên giới, vùng còn đặc biệt khó khăn”.

“Cú huých” trong phát triển kinh tế

Đột phá trong phát triển giao thông nông thôn như một “cú huých” để các tỉnh miền núi phía bắc đánh thức các tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội, góp phần giúp các hộ dân xóa nghèo, giảm nghèo hiệu quả, vươn lên làm giàu.

Huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) trong những năm qua đã tập trung làm hơn 11 km đường bê-tông rộng rãi đến xã vùng sâu Nậm Đét, nơi có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, tranh thủ lúc nông nhàn, lập tổ đổi công, bà con dân tộc Dao ở đây đã hiến đất, góp công làm được 26,3 km đường liên thôn, liên gia, bảo đảm đi lại thuận tiện cả bốn mùa, kết nối với đường trục chính do Nhà nước xây dựng. Nhờ có hệ thống đường tốt, đi lại thuận lợi, bà con người Dao chuyển đổi trồng quế hàng hóa.

Một thời gian dài, hộ gia đình anh Triệu Kim Vảng, dân tộc Dao ở thôn Nậm Tống Hạ, là một trong những hộ nghèo của xã. Gia đình anh Vảng có khoảng một ha lúa, cố gắng lắm, mỗi năm gia đình anh cũng chỉ đủ ăn. Nếu gặp năm có thiên tai, bão lũ, thì nguy cơ mất mùa, thiếu đói luôn rình rập. Quyết tâm thoát nghèo, theo chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông xã và huyện, anh Vảng mạnh dạn đưa bốn ha đất đồi của gia đình vào trồng cây quế. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch, đồi quế gia đình anh Vảng phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập cao, hằng năm thu về từ 200 - 300 triệu đồng.

hagiang1-1598930267594.jpg
 Nhờ có đường giao thông thuận lợi, người dân thôn Tà Lang, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) phát triển du lịch đưa đón khách tham quan hẻm vực Tu Sản. (Ảnh: Khánh Toàn)

Trưởng thôn Nậm Đét Triệu Kim Hín cũng là một điển hình thoát nghèo và làm giàu từ cây quế. Anh Hín cho biết, trước đây gia đình anh và bà con nông dân chỉ biết sản xuất mỗi năm một vụ, chủ yếu là trồng ngô và trồng lúa nương, năng suất thấp. Đời sống của bà con nghèo đói, thiếu thốn vô cùng. Từ khi đưa cây quế vào trồng, bà con trong thôn đã không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm mạnh. “Nhà mình hiện có gần 5ha quế, khi chưa thu hoạch thì chặt, tỉa cành lá bán cho thương lái mua về chưng cất dầu, mỗi năm cũng có vài chục triệu đồng. Vụ quế vừa rồi, kể cả tiền bán vỏ, lá, hạt quế và thân gỗ, gia đình thu được gần hai tỷ đồng”, anh Hín chia sẻ.

Để nâng cao giá trị cây quế, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng nước ngoài, HTX nông - lâm Chiến Thắng (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã đẩy mạnh đầu tư khoa học - kỹ thuật, hiện đại hóa cơ sở vật chất, nhà xưởng, kho bãi, máy móc… Với quyết tâm xây dựng quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ quế khoa học, cơ giới hóa gắn với an toàn lao động, HTX đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ thuật chăm sóc, khai thác, chế biến quế theo tiêu chuẩn an toàn cao, hoạt động sử dụng máy móc trong quá trình sơ chế, bảo quản cũng được giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn và hiệu quả.

Hằng năm, sản lượng vỏ quế tươi đạt gần 500 tấn, hơn 20 tấn tinh dầu và gần 300 m3 gỗ quế; sản phẩm quế của HTX được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, một số nước Trung Đông và các thị trường các nước EU, Nhật Bản, cho thu nhập khoảng 35 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ kết quả phát triển kinh tế, xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng, xã Nậm Đét đã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Bắc Hà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Cơ chế xây dựng đường GTNT theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm” và sau đó là "Dân làm, nhà nước hỗ trợ" thời gian qua đã đi vào ý thức của từng người dân. Thực tiễn đã khẳng định đây là một chính sách rất đúng đắn, hợp lòng dân được đa số nhân dân đồng tình hưởng ứng, đã góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn... Hệ thống hạ tầng được tăng cường đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn; kích thích kinh tế, xã hội khu vực nông thôn của tỉnh phát triển vượt bậc.

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh Lạng Sơn đã hình thành những khu vực sản xuất hàng hóa chuyên canh chất lượng cao như: Vùng cây ăn quả tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng; vùng sản xuất rau ở thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc; vùng chuyên canh cây hồi tại huyện Văn Quan. Hạ tầng cơ sở phát triển còn tạo thuận lợi cho nhân dân lao động, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, Hiện tại, toàn tỉnh chỉ còn 10,89% hộ nghèo.

Rõ ràng, thời gian qua, nhờ hệ thống chính trị ở cơ sở tại các tỉnh MNPB làm tốt công tác “dân vận khéo” đã huy động nguồn lực đáng kể từ cộng đồng để phát triển hệ thống hạ tầng nói chung, mạng lưới GTNT nói riêng. Từ đó, góp phần giúp các địa phương thực hiện thành công một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng đề ra. Những kinh nghiệm hay từ công tác dân vận trong việc huy động nguồn lực phát triển GTNT cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội khi thực hiện các nhiệm vụ của địa phương trong nhiệm kỳ tới, thúc đẩy kinh tế, xã hội của các tỉnh MNPB phát triển nhanh, bền vững, đồng thời bảo đảm giữ vững an ninh quốc phòng tại khu vực trọng yếu này.

Dân vận khéo trong làm đường giao thông nông thôn