Sức dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Bài 2: Nâng cao chất lượng ngày hội

20 năm tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc, ngày hội ở các khu dân cư mang không khí vui tươi, phấn khởi, trang trọng. Sự kiện ấy cũng là dịp để tạo điểm nhấn trong đời sống văn hóa ở các khu dân cư; từ đó, các tầng lớp nhân dân có thêm điều kiện để cống hiến, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Khu phố 2, phường Phước Long B ủng hộ kinh phí tặng quà các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong ngày hội đại đoàn kết.
Người dân Khu phố 2, phường Phước Long B ủng hộ kinh phí tặng quà các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong ngày hội đại đoàn kết.

Tuy vậy, bối cảnh mới, tình hình mới đòi hỏi sự thay đổi, thích ứng của những người làm công tác Mặt trận để nâng dần chất lượng của ngày hội, nâng dần chất lượng sống của các tầng lớp nhân dân.

Không để ngày hội nhạt dần

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến khẳng định: Ngày hội là nơi trao truyền tinh thần đoàn kết, sẻ chia; diễn đàn trao đổi, đối thoại giữa các thành viên trong địa bàn dân cư về xây dựng tình đoàn kết, củng cố nghĩa đồng bào; hỗ trợ nhau trong các lĩnh vực để cùng phát triển.

Ngày hội càng trở nên ý nghĩa hơn khi cùng nhau tổ chức bữa cơm "Ðại đoàn kết" gắn với hoạt động thăm hỏi các gia đình người có công với nước, Mẹ Việt Nam Anh hùng; trao tặng các công trình nhà tình thương, tình nghĩa, phương tiện sinh kế, phương tiện đi học, trao sổ tiết kiệm... động viên các hộ nghèo, hộ khó khăn và người yếu thế ở khu dân cư. Tuy vậy, thực tiễn hoạt động 20 năm qua của Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Việc triển khai tổ chức ngày hội ở các khu dân cư, nhất là khu vực có chung cư (thành phố hiện có 1.635 chung cư) còn lúng túng, thiếu tính sáng tạo, thiếu hình thức tổ chức để thu hút cư dân. Với một đô thị nén như Thành phố Hồ Chí Minh, các chung cư sẽ còn được xây dựng nhiều cho nên nếu việc tiếp cận các tầng lớp ở khu vực này không hiệu quả sẽ là một bài toán lớn đối với công tác tập hợp, đoàn kết người dân như mục tiêu đã đề ra.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Tuấn cho rằng: Ở nhiều địa phương, chất lượng tổ chức ngày hội chưa đồng đều ở các khu dân cư, một số nơi còn tổ chức hình thức, nặng về phần lễ, chưa chú trọng đến phần hội cho nên vắng dần sự quan tâm, nhiệt huyết của người dân; thậm chí, một số địa phương chỉ dành nhiều công sức cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo đối với các khu dân cư tổ chức điểm và khu dân cư có các đồng chí lãnh đạo các cấp tham gia. Tình trạng tuyên truyền không hiệu quả về ý nghĩa của ngày hội ở nhiều địa phương vẫn phổ biến cho nên chưa thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, chưa thật sự làm cho tinh thần ngày hội thấm sâu vào đời sống và hoạt động xã hội của người dân.

Qua 20 năm tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc thành phố đúc rút nhiều giá trị, bài học kinh nghiệm như: công tác tuyên truyền cần được thực hiện hiệu quả hơn bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp từng nhóm đối tượng nhằm khơi dậy và phát huy tính tích cực, tự quản và sáng tạo của nhân dân trong việc triển khai các nhiệm vụ của địa phương, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các địa phương cần quan tâm huy động mọi nguồn lực, thực hiện tốt việc xã hội hóa tạo nguồn lực trong việc tổ chức ngày hội.

Tăng tính sáng tạo cho ngày hội

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, thời gian tới, công tác phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tiếp tục gắn với tổ chức các phong trào, các cuộc vận động nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương, góp phần đưa Ngày hội Ðại đoàn kết ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng, phong phú. Trong đó, Mặt trận thành phố đề ra mục tiêu duy trì 100% khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội trong Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời kết hợp công tác an sinh xã hội, tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu, người tốt việc tốt.

Bà Trần Kim Yến nhấn mạnh: Các đơn vị sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng, hình thức, nội dung tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết đáp ứng với tình hình mới nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận các cấp tăng cường vai trò giám sát, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng và giải quyết các bức xúc của người dân, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước. Mặt trận cũng động viên, phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia phát biểu ý kiến xây dựng khu dân cư, tham gia giám sát xây dựng Ðảng và chính quyền. Ðể thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đó, Mặt trận Tổ quốc đề ra các giải pháp cụ thể: Tiếp tục đầu tư đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng tới mở rộng quy mô tổ chức ngày hội không chỉ tổ chức tại khu dân cư mà còn tổ chức tại các cơ quan, đơn vị, khu chung cư... Trong đó, trọng tâm là thường xuyên lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đề xuất giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập khi thực hiện. Ðể thu hút ngày càng đông đảo nhân dân tham gia, Mặt trận cũng tính đến phương án phát huy sự sáng tạo, đổi mới, nội dung, hình thức tổ chức ngày hội sát với tình hình thực tế của khu dân cư, nhất là rút ngắn phần lễ, tăng sự tương tác ở phần hội.

Mặt trận Tổ quốc các cấp của thành phố cần chủ động đề xuất giải pháp mới, tạo điểm nhấn tích cực trong tổ chức, lựa chọn chủ đề hằng năm phù hợp để Ngày hội trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần quan trọng, tạo động lực thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội,... Ðặc biệt, việc nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tổ chức ngày hội cũng là một giải pháp quan trọng để tạo chiều sâu trong các hoạt động tại các khu dân cư.

-----------------------------------

(*) Xem Trang Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân số ra ngày 21/11/2023.