Sức dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích 2.095,1 km2 gồm 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức với 312 phường, xã, thị trấn. Với số dân hơn 10 triệu người, trong đó lượng người từ các tỉnh, thành phố khác về cư ngụ, sinh sống, làm việc tạo nên một nét văn hóa độc đáo cho địa phương đông dân nhất cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi có nhiều tôn giáo hoạt động với khoảng hơn 1,6 triệu tín đồ (chiếm hơn 25% số dân). Trong tình hình đó, hoạt động đại đoàn kết toàn dân tộc càng có ý nghĩa hết sức quan trọng để tập hợp, đoàn kết, khoan sức dân, chung tay vì sự phát triển của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu nhi xem bức tranh Bến Nhà Rồng được vẽ trong một tuyến hẻm ở quận Phú Nhuận.
Thiếu nhi xem bức tranh Bến Nhà Rồng được vẽ trong một tuyến hẻm ở quận Phú Nhuận.

Bài 1: Khơi sức dân từ những mô hình vì dân

Những năm qua, nhiều mô hình, phong trào, hoạt động trong các khu dân cư tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng minh tính hiệu quả, sức lan tỏa đến cộng đồng.

Để phát huy được sức mạnh trong khối đại đoàn kết, Mặt trận Tổ quốc thành phố các cấp và các tổ chức thành viên không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; huy động nhiều nguồn lực chăm lo tốt đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Chăm lo cho dân

Tại quận Phú Nhuận, các tuyến hẻm lớn, nhỏ và nhiều tuyến đường, nhiều bức tường trước đây vốn dán chi chít các loại quảng cáo, rao vặt nay đã được thay thế bằng những bức bích họa vẽ phong cảnh, di tích lịch sử, nhân vật lịch sử. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Phú Nhuận Đặng Thị Lý cho biết: Để “thay áo mới” cho những bức tường này, Mặt trận Tổ quốc 13 phường đã phối hợp cùng chính quyền vận động nhân dân thực hiện công trình vẽ tranh.

Từ khi có các tác phẩm này, người dân đã ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh môi trường, thường xuyên quét dọn sạch sẽ, khang trang bởi ai cũng hiểu rằng, giữ gìn vệ sinh các địa điểm này cũng chính là nâng mức sống của chính mình lên.

Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc thành phố phát động nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Mặt trận Tổ quốc các cấp tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều hình thức để vận động nhân dân tham gia chỉnh trang đô thị, cải tạo mảng xanh, thay đổi diện mạo đô thị; chính sách an sinh xã hội được quan tâm vì mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Trong công tác phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ các phong trào, cuộc vận động từ Trung ương như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hay phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”,... thành phố đã tiên phong, vận dụng cụ thể vào thực tiễn ở địa phương triển khai hiệu quả các phong trào được Trung ương đánh giá cao, đề nghị nhân rộng. 20 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hỗ trợ cho hơn 486 nghìn gia đình khó khăn; xây mới 4.444 căn nhà tình nghĩa, tình thương; chăm lo cho hàng trăm nghìn trường hợp người già, người không nơi nương tựa, trẻ em bị mồ côi do Covid-19;...

Ấn tượng hơn, giai đoạn 2003-2023, toàn thành phố đã có 50.730 hộ dân hiến đất mở đường, hẻm với tổng diện tích hơn 3 triệu mét vuông, trị giá hơn 2.000 tỷ đồng. Cũng trong 20 năm qua, thành phố đã có 2.423 mô hình, cách làm hay, sáng tạo giúp nhau vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, trong thời điểm diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hệ thống Mặt trận Tổ quốc đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm phù hợp để kịp thời hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng bằng mô hình “Nghĩa tình, sẻ chia, đồng lòng vượt qua đại dịch Covid-19” với tổng trị giá hơn 4.165 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến cho biết: Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục là chất xúc tác góp phần khơi dậy trong nhân dân ý thức vun đắp tình đoàn kết, trách nhiệm chung với cộng đồng xã hội.

Lan tỏa những điều tích cực

20 năm qua (2003-2023), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức đều đặn tại 1.994 khu dân cư trên địa bàn thành phố. Thông qua ngày hội, nhân dân đã có nhiều ý kiến đóng góp trong thực hiện các công trình dân sinh trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê, toàn thành phố đã có 47.800 công trình với kinh phí hơn 900 tỷ đồng được triển khai thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa như các công trình hạ tầng, sân chơi cho trẻ em; chăm lo cho hộ nghèo;...

Là người tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu phố 2, phường Phước Long B, suốt gần 20 năm qua, ông Trần Trung Sơn, Tổ trưởng Tổ dân phố 10, khu phố 2 đúc kết: Chừng đó thời gian tôi và nhiều người dân đã chứng kiến nhiều đổi thay trong đời sống. Điều tôi thấy vui và gắn bó với nơi đây chính là thấy được sự đoàn kết, chan hòa giữa các hộ dân trong tổ dân phố. Nhiều mâu thuẫn nhỏ đã sớm được hòa giải nhờ sự đoàn kết, tương trợ nhau suốt hàng chục năm qua.

Trong không khí chuẩn bị đón ngày hội lớn, tất cả các khu dân cư đều đồng loạt ra quân dọn vệ sinh các tuyến đường, tuyến hẻm; xóa bảng quảng cáo, rao vặt sai quy định tại các tuyến đường và thực hiện công trình, điểm xanh-sạch-thân thiện môi trường; sơn mới, tôn tạo khu vui chơi thiếu nhi,...

Các hoạt động nêu trên đã phát huy vai trò tự quản của nhân dân và hình thành các tổ chức tự quản trong khu dân cư như “Nhóm hộ tự quản về vệ sinh môi trường”, “Tổ công nhân tự quản tại khu nhà trọ”; “Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy cộng đồng”...

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến nhấn mạnh: Trải qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp ngày càng được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc phường, xã, thị trấn và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư có nhiều đổi mới theo hướng bám sát cơ sở, tạo cơ chế để người dân phát huy vai trò làm chủ của mình, trực tiếp góp ý, tham gia hiến kế trong xây dựng, phát triển địa phương.

Ghi nhận từ các Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhiều năm qua cho thấy, đây là dịp để địa phương tiếp tục tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách cụ thể; qua đó, tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước xây dựng cộng đồng dân cư tự quản và đã trở thành diễn đàn dân chủ của nhân dân.

Ngày hội cũng là dịp để mỗi người dân được nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, nêu ý kiến góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa, tích cực tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống cộng đồng. Qua 20 năm tổ chức, các ngày hội đã ghi nhận hơn 199 nghìn lượt người tham gia phát biểu góp ý ở nhiều lĩnh vực, vấn đề để chính quyền địa phương các cấp có các chương trình hành động thực hiện hiệu quả nhằm củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

(Còn nữa)