Mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế được dự báo là những mô hình phát triển có tính lâu dài của Việt Nam. Từ thực tiễn này cho thấy, ở khu vực này tiếp tục thu hút số lượng công nhân, lao động tìm đến sinh sống và làm việc ngày càng tăng. Đồng nghĩa với nhu cầu gửi trẻ của công nhân lao động tại khu vực này tiếp tục tăng cao.
Những chính sách đặc thù cho “vùng trũng” về giáo dục mầm non
Trước những vấn đề bức xúc đặt ra về trường lớp mầm non dành cho con công nhân, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với giáo dục mầm non khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm giải quyết khó khăn đối với giáo dục mầm non ở khu vực này.
Hiện nay, giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như đối với giáo dục mầm non ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, những chính sách, quy định này khi vào cuộc sống triển khai vẫn chưa theo kịp nhu cầu của thực tiễn.
Trường mầm non Thuận Giao - Bình Dương là nơi gửi gắm con em công nhân, lao động trên địa bàn. |
Theo báo cáo của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020, được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề xuất và triển khai thực hiện.
Tính đến tháng 7/2020, tổng số nhóm trẻ tư thục độc lập được hỗ trợ, kiện toàn phát triển là 990 nhóm thuộc 20 tỉnh, thành phố (chỉ tiêu đề ra là 500 nhóm). Hội phụ nữ các cấp và ngành giáo dục các cấp phối hợp tổ chức tập huấn cho hơn 27 nghìn người bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho chủ nhóm, người chăm sóc trẻ.
Sau khi đề án kết thúc, các địa phương đều mong muốn tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được và lồng ghép nội dung của Đề án 404 với các đề án khác nhằm hỗ trợ tốt nhất cho trẻ dưới 36 tháng tuổi là con em các nữ công nhân.
Tuy nhiên, chỉ sau khi đề án kết thúc, hầu hết mô hình nhóm trẻ độc lập, tư thục chưa có tính bền vững vì thiếu chính sách hỗ trợ thực hiện lâu dài. Hiện chỉ còn một địa phương tiếp tục duy trì là Hải Phòng gắn với Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non thành phố giai đoạn 2018-2025.
Qua gần 4 năm triển khai Nghị định 145/2020 NĐ-CP và Nghị định 105/2020/NĐ-CP, có 50 tỉnh ban hành Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chi tiết mức trợ cấp đối với trẻ em là con công nhân.
Đa số các tỉnh thực hiện theo mức tối thiểu quy định tại Nghị định là 160 nghìn đồng/trẻ/tháng. Năm học 2022-2023, toàn quốc có gần 200 nghìn trẻ em đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Các tỉnh, thành phố đã chi trả số tiền gần 160 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện hai Nghị định trên còn 1 số hạn chế, vướng mắc. Phó trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thu Phương cho biết, triển khai Nghị định 145, đa số các doanh nghiệp đã thực hiện hỗ trợ, tuy nhiên mức hỗ trợ chưa đồng đều. Có doanh nghiệp hỗ trợ lên tới 1 triệu đồng/cháu/tháng, trong khi có doanh nghiệp chỉ hỗ trợ mức 20 nghìn đồng/cháu/tháng, quá thấp so mặt bằng chung.
Nghị định 105 quy định hỗ trợ cho con công nhân, lao động làm việc trong các khu công nghiệp, còn con của công nhân làm việc tại cụm công nghiệp thì lại không được hỗ trợ, dẫn đến không công bằng cho các đối tượng có cùng điều kiện.
Có thể thấy, thực tế, các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp chưa đủ mạnh; chính sách đối với trẻ em, giáo viên ở địa bàn có khu công nghiệp còn thấp, chưa bao phủ được hết các đối tượng; Công tác quy hoạch, phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động, chưa phù hợp nhu cầu của công nhân, người lao động.
Việc chăm sóc, giáo dục, bảo đảm an toàn cho trẻ dưới 36 tháng tuổi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn tồn tại một số "khoảng trống" cần được “lấp đầy” nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện cho trẻ em và hỗ trợ tốt hơn cho phụ nữ công nhân có con nhỏ.
Những "khoảng trống" cần nhanh chóng lấp đầy
Mới đây nhất, Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15/1/2024 của Thủ tướng Chính giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án Phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6-36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030;
Tại Công văn số 41/TTg-QHĐP về việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ có đề cập đến việc ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, thời hạn quý III/2024.
Quan tâm, chăm lo đối tượng trẻ em từ 6-36 tháng tuổi tại các khu công nghiệp là việc làm cấp thiết. |
Có thể thấy, đây là một động lực, một bước đột phá rất lớn về chính sách chăm lo cho con công nhân lao động của Nhà nước. Bởi, trước khi Bộ Luật Lao động 2019 được ban hành, chưa có một ưu tiên cụ thể nào hướng đến đối tượng trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là con công nhân làm việc tại nơi có nhiều lao động và tại các khu công nghiệp.
Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 quy định rõ: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện; quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện; được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh khẳng định: Vấn đề phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất không chỉ là mục tiêu của riêng ngành Giáo dục mà còn là mối quan tâm hàng đầu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ qua.
Việc Thủ tướng Chính phủ phân công cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Đề án là một thuận lợi lớn và là cơ hội để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia ý kiến xây dựng, thúc đẩy ban hành Đề án những năm tới.
Để triển khai, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội đã xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động; tập trung soát các văn bản, chính sách, đề án liên quan phát triển cơ sở giáo dục mầm non và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; Các ý kiến đề xuất của các chuyên gia; Tổ chức các hội thảo lấy ý kiến, hoàn thiện văn bản đề xuất chính sách...
Kết quả những hoạt động trên là căn cứ khoa học, thực tiễn để góp phần tham mưu đề xuất chính sách/đề án hỗ trợ phụ nữ là lao động di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi trẻ theo mục tiêu đã đề ra tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Đồng thời góp phần xây dựng, hoàn thiện Đề án do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Tại địa bàn có khu công nghiệp, tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đến cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục chiếm 56,9%, do các địa điểm này hoạt động linh hoạt về thời gian nhận, trả trẻ, học phí phù hợp nhu cầu của người lao động thu nhập thấp, địa điểm gần nơi ở trọ của công nhân.
Là tổ chức chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên, người lao động, vấn đề hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp chăm sóc, nuôi dạy con được các cấp công đoàn triển khai nhiều mô hình hỗ trợ thiết thực, góp phần giúp công nhân, lao động ổn định cuộc sống, nhất là trong chăm sóc và nuôi dạy con.
Mới đây nhất, Ban Nữ Công được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao xây dựng Đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc, nuôi dạy con”. Đây là lần đầu tiên, tổ chức Công đoàn Việt Nam triển khai một đề án riêng về vấn đề này.
Trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đỗ Hồng Vân cho biết, mục tiêu chung của đề án là nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn nhằm hỗ trợ hiệu quả công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong chăm sóc, nuôi dạy con, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực tương lai, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Có thể thấy, quan tâm, chăm lo hơn nữa đến con em công nhân, lao động, nhất là đối với đối tượng trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi, là việc làm cấp thiết, cần các ngành, các cấp cần tiếp tục vào cuộc bằng những cơ chế, chính sách cụ thể.
Muốn làm được điều này, Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu công nghiệp như: sử dụng đất đai, hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non,...
Đồng thời, các tỉnh, thành phố cần xây dựng các đề án, tập trung nguồn lực, có chính sách hỗ trợ nữ công nhân, đội ngũ giáo viên, người lao động trong chăm sóc, giáo dục trẻ em dưới 36 tháng tuổi; tăng cường hỗ trợ về tài chính cho trẻ 6-36 tháng tuổi; phát triển mạng lưới các chăm sóc, giáo dục trẻ 6-36 tháng tuổi ở trong và gần khu công nghiệp, tăng cơ hội cho các bà mẹ có thể gửi con trong thời gian làm việc.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cần xây dựng và thực hiện cơ chế khuyến khích các chủ doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ, nhà trẻ trong khu công nghiệp.