Để tổ chức thực hiện nhiệm vụ này, Trung ương yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội phối hợp Ban cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 phù hợp tình hình và điều kiện phát triển mới; tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá triển khai thực hiện pháp luật về kinh tế tập thể.
Sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 nhận định, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bước đầu tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của hợp tác xã. Tuy nhiên, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả khả quan, Luật còn bộc lộ một số hạn chế cần được sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp thực tiễn hơn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Bộ được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đến thời điểm này, dự thảo Luật đã xây dựng xong và đang lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, cơ quan liên quan, địa phương, tổ hợp tác, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, liên hiệp hợp tác xã và quần chúng nhân dân.
Theo Ban soạn thảo, tên dự án Luật dự kiến được đổi thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. “Tên gọi mới của dự án là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác thay cho tên Luật Hợp tác xã hiện hành là phù hợp tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Theo đó, kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,...).
Tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác cũng phù hợp đối tượng và phạm vi điều chỉnh bao gồm các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác đang hoạt động hiện nay là Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã từ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn cấp vùng, cấp quốc gia”, giải trình từ Ban soạn thảo nêu rõ.
Đánh giá cao vai trò của dự thảo luật này, GS Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, dự thảo luật có nhiều điểm mới, thành công và “có tính cách mạng”. Việc mở rộng đối tượng điều chỉnh sẽ góp phần chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giữa các chủ thể hợp tác xã (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã, trong đó hợp tác xã là nòng cốt).
Dự thảo Luật cũng bổ sung nhiều nội dung mới để tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác phát triển, trong đó bổ sung chế độ kiểm toán. Kiểm toán không chỉ là công cụ làm minh bạch hóa tài chính, kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật, mà còn là công cụ hỗ trợ hợp tác xã, tư vấn cho hợp tác xã làm đúng theo quy định của pháp luật.
Đáng lưu ý, yêu cầu bổ sung đầy đủ cơ sở pháp lý về kiểm toán, các quy định nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành cũng là nội dung trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 20-NQ/TW đặt ra nhằm tiếp tục đổi mới kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Đây là yêu cầu phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Bởi để kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã phát triển bền vững, một trong những yếu tố quan trọng chính là minh bạch thông tin.
Theo ông Nguyễn Văn Biên, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, kiểm toán hợp tác xã là vấn đề cần làm rõ và sớm đưa vào thực tiễn thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lần này. Điều này cũng đã được chứng minh ở các nước trên thế giới. Thí dụ như tại Đức, mỗi năm có hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản nhưng nhờ Luật Hợp tác xã của Đức quy định cụ thể về loại hình, tần suất kiểm toán,… mà số hợp tác xã bị phá sản rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đổi mới chính sách hỗ trợ
Bên cạnh việc đề cập khung khổ pháp lý, trong đó Luật Hợp tác xã còn nhiều vướng mắc, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, Nghị quyết 20 cũng chỉ ra một nguyên nhân quan trọng nữa khiến khu vực kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là hợp tác xã vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Đó là chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều nhưng dàn trải, thiếu tập trung, thiếu nguồn lực và không khả thi.
Hợp tác xã Tân Minh Đức (Hải Dương) được thành lập tháng 8/2014 và tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, ban đầu có 68 thành viên, đến nay đã phát triển lên 174 thành viên. Quy mô diện tích sản xuất của hợp tác xã đạt 44ha, trung bình mỗi năm tiêu thụ 2.300-2.500 tấn rau các loại, 170-180 tấn dưa lưới công nghệ cao, doanh thu 10-13 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập 7-9 triệu đồng/tháng. Thu nhập các hộ thành viên đạt bình quân 100-150 triệu đồng/hộ/năm, đáng chú ý những hộ có diện tích nhà màng sản xuất công nghệ cao cho thu nhập lên tới 500 triệu đồng, thậm chí 1 tỷ đồng/hộ/năm.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện hợp tác xã, dù có sẵn 150ha của các xã viên góp vào liên kết sản xuất nông nghiệp, nhưng mới chỉ có 7ha được tổ chức canh tác theo mô hình nhà màng công nghệ cao, hiệu quả kinh tế tốt, còn lại canh tác theo kiểu phó mặc cho may rủi của thời tiết và thị trường. “Nguyên nhân của tình trạng này do các thành viên luôn trong tình trạng thiếu vốn và đầu ra cho sản phẩm bấp bênh. Do vậy, hợp tác xã mong muốn Nghị quyết 20 sẽ được thể chế hóa bằng những chính sách cụ thể, trong đó doanh nghiệp nhà nước có sự ưu tiên hỗ trợ trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn nữa cho các hợp tác xã”, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức Hoàng Anh Thư cho biết.
Thực tế cho thấy, Nhà nước đã có các chính sách về vốn, tín dụng cho hợp tác xã nhưng chưa thật sự hiệu quả. Số lượng hợp tác xã được tiếp cận nguồn vốn còn rất ít và khó khăn. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, cả nước có 27.340 hợp tác xã, tuy nhiên, số hợp tác xã được tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng rất thấp, chưa đến 10%. Cùng với đó, một số chính sách khác cũng cần thiết phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện như chính sách về đất đai, chính sách phát triển nguồn nhân lực,…
Theo kiến nghị của Giám đốc Hợp tác xã Dâu tây Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội) Vũ Văn Lực, các chính sách cần hướng tới việc hỗ trợ cho các hợp tác xã đào tạo nguồn nhân lực có trình độ để ứng dụng hiệu quả hơn nữa thành tựu khoa học-công nghệ mới vào trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Bao La (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) Võ Văn Dinh cũng đề xuất ngoài chính sách hiện hành, Nhà nước cần có cơ chế, tạo điều kiện cho các địa phương liên kết với các trường đại học, cao đẳng tổ chức đào tạo cử tuyển sinh viên phục vụ công tác tại các hợp tác xã sau khi tốt nghiệp. Bởi thực tế chính sách hỗ trợ thu hút cán bộ trẻ vào làm việc tại hợp tác xã của Nhà nước mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng hiện nay.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sun Food Đà Lạt Phạm Ngọc Thạch cũng kiến nghị Nhà nước có chính sách riêng hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp, nhất là hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chuyển đổi số, liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín để giảm chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 khó áp dụng trong thực tiễn. Do đó, việc sửa đổi lần này cần bảo đảm cụ thể, đơn giản hơn nhằm phù hợp nhận thức, nhu cầu và giải quyết được khó khăn của các hợp tác xã hiện nay. Không chỉ đơn thuần là việc tìm tên gọi phù hợp, việc sửa đổi, bổ sung Luật phải tạo ra bước đột phá về tư duy, cách nhìn nhận để thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển tương xứng tiềm năng. Nội dung sửa đổi Luật cần dựa trên cơ sở đánh giá tác động của Luật sau khi đưa vào áp dụng thực tiễn; thể hiện được tinh thần của Nghị quyết 20 để tạo hành lang thông suốt cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển ■
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 22/8/2022.