Người dân thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu (Ba Vì) đón mùa Phật đản năm 2023 trong không khí phấn khởi khi ngay trước mùa Phật đản, chùa Sùng Chân được khánh thành sau hai năm tu bổ.
Chùa Sùng Chân là ngôi chùa cổ của xứ Đoài, được xây dựng từ thời Trần. Sau này, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi chùa là điểm hoạt động bí mật của các đồng chí lãnh đạo cách mạng ở địa phương. Do thời gian, chùa Sùng Chân bị xuống cấp nghiêm trọng.
Mặc dù Ba Vì là huyện còn khó khăn, nhưng Ủy ban nhân dân huyện đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Sùng Chân theo lối kiến trúc cổ với mức đầu tư 7,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quá trình tu bổ ngôi chùa đã nhận được nguồn xã hội hóa hơn 1,3 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm và cán bộ, nhân dân trong xã. Tháng 2/2021, chùa Sùng Chân được hạ giải để trùng tu. Sau hai năm thi công, ngôi chùa đã có diện mạo khang trang như hôm nay.
Chỉ từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố, hàng chục di tích hoàn thành công tác tu bổ, đưa vào sử dụng. Nhân dân xã Đông Mỹ (Thanh Trì) vừa khánh thành một nơi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa tâm linh, là đình Đông Phù - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đình Đông Phù là ngôi đình lớn, được xây dựng ở vùng đất trung tâm xã, không gian rộng, thoáng đãng, với diện tích khoảng 9.000m2. Trong kháng chiến chống Pháp, đình Đông Phù là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng. Ngôi đình được khởi công tôn tạo từ tháng 7/2022. Sau nửa năm thi công, các hạng mục đã được khánh thành để đưa vào sử dụng.
Với 5.922 di tích các loại, việc tu bổ di tích luôn là vấn đề làm đau đầu chính quyền địa phương cũng như ngành văn hóa. Có thời gian, trên địa bàn thành phố có tới 600 di tích xuống cấp nghiêm trọng, trong đó khoảng 200 di tích có nguy cơ sập đổ.
Song, những năm gần đây, từ việc triển khai Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy, công tác tu bổ di tích có nhiều đột phá, nhất là sự năng động, sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội hóa tại các địa phương. Đối với những địa phương kinh tế khó khăn, thành phố đã quyết định cấp ngân sách để triển khai công tác tu bổ.
Tháng 7/2022, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 14/NQ-HĐND về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ vốn Kế hoạch năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố.
Theo Nghị quyết, thành phố đầu tư 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, kinh phí 14.029 tỷ đồng. Đến nay, việc triển khai đã đạt được kết quả bước đầu.
Đối với dự án do thành phố đầu tư, có 14 dự án đã được phê duyệt chủ trương, chín dự án đã thẩm định, hai dự án đang thi công, bốn dự án đã hoàn thành. Đối với dự án do thành phố hỗ trợ đầu tư, có hơn 166 dự án đã được thẩm định, 150 dự án đã được phê duyệt và 100 dự án đang thi công tu bổ, tôn tạo…
Song song với công tác tu bổ, tôn tạo, thành phố đẩy mạnh khai thác các di tích để phát triển du lịch văn hóa. Các đơn vị quản lý các di tích trọng điểm như: Đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu-Quốc Tử Giám… đã xây dựng các sản phẩm đa dạng, phong phú nhằm thu hút khách tham quan du lịch, nghiên cứu, học tập.
Nhiều địa phương từng bước xây dựng các tour du lịch đến những di tích quan trọng. Điển hình trong số đó là huyện Gia Lâm. Huyện đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2020-2025”.
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết: “Huyện ủy chỉ đạo xây dựng ba vùng trọng điểm phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống và di tích văn hóa- lịch sử tiêu biểu. Đến nay, huyện đã được Ủy ban nhân dân thành phố công nhận ba điểm du lịch gắn với các di sản văn hóa tại: Phù Đổng, nơi có đền thờ Thánh Gióng và Hội Gióng; Dương Xá, quê hương Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và đền Bà Tấm ở điểm du lịch Bát Tràng. Huyện đang đẩy mạnh quảng bá điểm đến du lịch Gia Lâm tới các đoàn ngoại giao quốc tế thông qua các hoạt động đón tiếp ngoại giao, qua các kênh thông tin báo chí, ứng dụng du lịch… Hiện 65 di tích đã xếp hạng được lắp đặt bảng giới thiệu và tạo mã QR kết nối đến App du lịch Gia Lâm để quảng bá phát triển du lịch. Hoạt động du lịch gắn với di sản đã góp phần quan trọng trong việc phục hồi du lịch Thủ đô sau dịch Covid-19, điển hình là các sản phẩm như: Khám phá “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, khám phá Hà Nội bằng xe đạp, tour du lịch Đêm thiêng liêng của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, du lịch Hoàng thành Thăng Long về đêm; Hà Nội 36 phố phường, Thăng Long tứ trấn…
Đến thời điểm này, nhiều mục tiêu, dự án của Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy đã về đích trước thời hạn. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, sau hơn hai năm triển khai, Chương trình đã tạo chuyển biến từ thành phố đến cơ sở trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động cụ thể hóa chủ trương, xây dựng mô hình văn hóa sáng tạo, phát huy một cách hiệu quả, đóng góp quan trọng vào phát triển hoạt động dịch vụ, thúc đẩy du lịch phát triển song song với việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Bước đầu, thành phố huy động được các nguồn lực từ xã hội trong phát triển văn hóa, hợp tác quốc tế, công tác thể thao được nâng lên tầm cao mới... Song, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục tạo nên thay đổi toàn diện về nhận thức trong vấn đề văn hóa, con người.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU sẽ chú trọng kiểm tra, giám sát để thống nhất lại nhận thức và có quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ của chương trình.
(*) Xem trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ ngày 30/5/2023.