Tuy nhiên, để mục tiêu nêu trên trở thành hiện thực còn nhiều vấn đề cần được nhận diện, tháo gỡ cũng như định hướng, quan tâm hỗ trợ từ Nhà nước. Cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, xóa bỏ rào cản phát triển của kinh tế tư nhân.
Xóa bỏ các rào cản
Việc phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta vẫn đang gặp phải một số vướng mắc, rào cản nhất định, khi khu vực này chưa được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn,... Trong đó, thể chế phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chậm đưa những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vào thực tiễn cuộc sống; thậm chí có trường hợp gây khó khăn, làm sai lệch những chủ trương chính sách hỗ trợ đúng đắn của Ðảng và Nhà nước. Ðặc biệt, rào cản trong chi phí tuân thủ, chi phí không chính thức còn cao. Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, có tới 42% số doanh nghiệp được hỏi cho biết vẫn phải chi trả các khoản "bôi trơn".
Dù đã giảm so mức 68% của năm 2016, nhưng đây vẫn là con số đáng kể. Vẫn còn hơn 3,8% số doanh nghiệp cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ. Ðặc biệt, một dấu hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến" lại tăng mạnh trong năm 2022 lên mức 71,7% (so với mức 57,4% năm 2021). Ngoài ra, rào cản cũng đến từ chính bên trong khu vực kinh tế tư nhân khi nhóm này có quy mô còn nhỏ, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh yếu; tính riêng rẽ còn cao, chưa liên kết được với các thành phần kinh tế khác.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty CP Hợp Lực Nguyễn Văn Ðệ, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ðây là một "điểm nghẽn" cần tháo gỡ. Không ít doanh nghiệp đang gặp trở ngại ở một số lĩnh vực như: cấp phép đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính do còn phiền hà, khó khăn; mỗi địa phương đưa ra cách hiểu và thực hiện một kiểu khác nhau, khiến hiệu quả thực thi chính sách chưa cao. Ðang có một bộ phận công chức và các cơ quan công quyền vì sợ trách nhiệm, lo cho sự an toàn của chính mình nên tỏ ra "thờ ơ, ì ạch", không dám làm, không dám giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Ðã có nhiều doanh nghiệp phải trì hoãn kế hoạch kinh doanh vì "cứ làm là vướng" do sự bất cập, xung đột, không thống nhất trong cơ chế, thể chế và luật pháp khi phải "tuân thủ các quy định liên quan". Sau khi trải qua hơn 2 năm đại dịch, doanh nghiệp đang rất yếu nay lại gặp thêm "rào cản" càng khiến nhiều doanh nghiệp "chững" lại hoặc nản chí.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Ðình Ánh nhận định, đến nay cả nước mới chỉ có khoảng 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng với tốc độ doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn hơn doanh nghiệp thành lập mới sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu của Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 về số lượng doanh nghiệp. Chưa kể, khu vực kinh tế tư nhân vẫn chỉ đang trong hành trình tiến tới trở thành động lực của nền kinh tế, chứ chưa thật sự là động lực. Vì vậy, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước và cả tự thân doanh nghiệp. Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử. Khi kinh tế tư nhân phát triển cũng có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển; phải để kinh tế tư nhân được hoạt động theo đúng tinh thần Luật Doanh nghiệp trên tất cả những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Cần phải xóa bỏ rào chắn đang ngăn cản quá trình tự do đi vào thị trường; bảo đảm quyền sở hữu tư nhân bằng các thể chế đặc biệt theo dõi các nghĩa vụ hợp đồng; áp dụng những biện pháp đặc biệt một cách cẩn trọng để hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân, chẳng hạn trong lĩnh vực thuế và tín dụng.
Cần những trợ lực hiệu quả
Nhìn chung, khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế; cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển cũng còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, dẫn tới khu vực này chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Phần lớn doanh nghiệp ở khu vực này có quy mô nhỏ, vẫn là kinh tế hộ với trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp; cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác.
Bên cạnh đó, do trình độ lao động của khối kinh tế tư nhân đã thấp lại bị hạn chế về tiềm lực đầu tư nên rất khó tiếp thu được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, dẫn đến năng suất lao động không cao. Nhiều gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp khối này còn bị hạn chế tiếp cận, đang kéo theo nhiều vướng mắc nảy sinh như thuế thu nhập doanh nghiệp hay nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam PGS, TS Nguyễn Trọng Ðiều kiến nghị, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, xóa bỏ những điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua tập trung cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực như: đất đai, thuế, xây dựng…; đồng thời, tiếp tục giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp,... Ðặc biệt, Chính phủ cùng các địa phương cần có thêm nhiều hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, để lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tiếp thu những kiến nghị, phản hồi, từ đó có hành động kịp thời, cụ thể và quyết liệt trong giải quyết khó khăn thực tế doanh nghiệp đang gặp phải, đặc biệt với vướng mắc về chính sách.
Tại buổi gặp mặt Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam vừa qua, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Ðảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ðây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Chính phủ sẽ tăng cường đối thoại, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn lực phát triển, nhất là nguồn lực đất đai. Trong đó, quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp tư nhân, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đội ngũ này cần phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước; từ đó xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho cả trước mắt và lâu dài. Cần quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp như là tài sản đặc biệt, lợi thế cạnh tranh không chỉ của doanh nghiệp, mà còn là "tài sản quốc gia".
Các doanh nghiệp tư nhân cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin tại doanh nghiệp; chú trọng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và quản trị rủi ro, trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều biến động. Chủ động hợp tác, liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực. Một yếu tố quan trọng không kém, có tính chất quyết định đó là phải xây dựng được những con "sếu đầu đàn" là các tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm lực, kinh nghiệm nhằm định hướng, "mở đường" dẫn dắt lực lượng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công, để đưa kinh tế tư nhân trở thành nòng cốt, động lực phát triển của nền kinh tế đất nước.
------------------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 6/6/2023.