Chăm lo toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Đẩy mạnh kinh tế, gìn giữ giá trị văn hóa

Nhiều địa phương ở Tây Nam Bộ đã nỗ lực vượt khó, thúc đẩy giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ. Từ thực tế, các địa phương Tây Nam Bộ cũng đã kiến nghị, đề xuất Trung ương hướng tháo gỡ vướng mắc.
0:00 / 0:00
0:00
Múa chằn tại khuôn viên danh thắng ao Bà Om, Phường 8, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh thu hút đông đảo người xem. (Ảnh: MINH KHỞI)
Múa chằn tại khuôn viên danh thắng ao Bà Om, Phường 8, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh thu hút đông đảo người xem. (Ảnh: MINH KHỞI)

Trong tiến trình phát triển, bên cạnh chăm lo, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, sinh kế, vấn đề xuyên suốt luôn được các địa phương chú trọng là giữ gìn, phát huy, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer trong đa dạng giá trị văn hóa chung của dân tộc ta…

Khắc phục khó khăn, bất cập

Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cho biết, Đôn Xuân đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua tự rà soát, đánh giá, xã đã đạt 15/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Trong số các tiêu chí chưa đạt, xã Đôn Xuân đang tập trung nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Hiện, còn nhiều hộ Khmer nghèo, cận nghèo ở Trà Vinh đang rất cần hỗ trợ vốn, tiến bộ kỹ thuật để cải thiện thu nhập kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững. Tỉnh Trà Vinh đang tập trung đầu tư các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; thực hiện quy hoạch, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống người dân…

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang được Trung ương giao tổng vốn hơn 388 tỷ đồng; riêng năm 2023 gần 158 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ đạt 100% kế hoạch; tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 gặp nhiều khó khăn, chỉ được hơn 60 tỷ đồng, mới đạt 39,4% kế hoạch.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho hay, việc thực hiện chương trình còn nhiều khó khăn do cán bộ theo dõi từ huyện đến xã thường xuyên thay đổi nên công tác tham mưu, giúp việc trong quản lý, chỉ đạo, điều hành thiếu tính liên tục, không kịp thời. Năng lực một số cán bộ theo dõi chương trình còn hạn chế. Nhiều nội dung văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành Trung ương chưa phù hợp với vùng miền, địa phương, mặc dù đã có sửa đổi, bổ sung.

Cùng với đó, chương trình giao cho xã làm chủ đầu tư thực hiện còn lúng túng trong việc thẩm định giá, quy trình thực hiện đấu thầu, phê duyệt thầu, lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh danh mục, quy mô đầu tư. Cán bộ tham mưu cấp huyện, xã chủ yếu làm việc kiêm nhiệm nên công tác tổng hợp, báo cáo số liệu chưa đầy đủ, còn sai sót. Một số cán bộ được giao nhiệm vụ có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn hai lần so với năm 2020; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 1,5-2%; phấn đấu 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô-tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê-tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp…

“Cần xem xét ngân sách năm 2024 Trung ương giao tổng thể kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện chương trình, không giao dự toán quá chi tiết từng dự án và nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể”, ông Danh Phúc kiến nghị.

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân ba Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 88,64%. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, tỉnh còn khó khăn khi thực hiện dự án về phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiểu dự án về phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…

Để tháo gỡ, tỉnh Sóc Trăng tăng cường nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho nhiều hộ đồng bào xây dựng nhà ở, chuyển đổi nghề, có thêm điều kiện phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm đúng tiến độ, phấn đấu đến hết niên hạn giải ngân năm 2023 đạt hơn 95% kế hoạch vốn được giao…

Gìn giữ, trao truyền giá trị văn hóa truyền thống

Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khmer. Đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ có kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng với hệ thống ngôn ngữ, chữ viết và các di sản nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc mang đậm bản sắc.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum cho biết, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh du lịch di sản văn hóa, nhất là văn hóa của đồng bào Khmer, kết hợp với du lịch sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng phù hợp với đặc điểm văn hóa, lịch sử, môi trường địa lý, dân cư của địa phương.

Lưu truyền, quảng bá một cách kiên trì, bền bỉ các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc qua từng sự kiện, hoạt động lễ hội cụ thể, nhất là việc liên kết hợp tác phát triển du lịch mang đặc trưng vùng miền, là hướng đi mà tỉnh Trà Vinh lựa chọn để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 15/76 ngôi chùa Khmer được trang bị phương tiện âm thanh, nhạc cụ để hoạt động văn nghệ. Tỉnh có đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, 10 câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng Khmer hoạt động hiệu quả. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu cho biết, các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Nghệ thuật truyền thống Khmer góp phần củng cố tình đoàn kết cộng đồng, là hạt nhân xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có 130 cơ sở thờ tự của dân tộc Khmer, trong đó có 92 ngôi chùa và 38 salatel. Hòa thượng Tăng Nô, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết, những năm qua, các chùa được xây dựng, trùng tu lại khang trang hơn. Trong chùa, việc dạy chữ Khmer luôn được duy trì, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thúc đẩy nâng cao dân trí, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của sư sãi và đồng bào phật tử Khmer trong tỉnh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 131 trường có dạy tiếng Khmer với 1.319 lớp và 44.416 học sinh. Vào dịp hè, 67 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh tổ chức dạy tiếng Khmer với 197 lớp, thu hút 4.455 học sinh theo học.

Từ năm 1994, tại Sóc Trăng, Trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ được thành lập, là nơi đào tạo đội ngũ sư sãi người Khmer khu vực Nam Bộ. Thầy giáo Lâm Nhưm, Hiệu trưởng Trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ cho biết, trường thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên, giáo dục phổ thông và sử dụng sách giáo khoa hệ giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình tiếng Khmer, tiếng Pali cũng là chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường còn có nhiệm vụ thực hiện Đề án đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Giai đoạn 2019-2023, trường đã đào tạo 1.000 cán bộ, viên chức của tỉnh. Trường cũng phối hợp dạy tiếng Khmer qua sóng truyền hình.

Nhà giáo Nhân dân Lâm Es, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, chủ biên nhiều bộ sách giáo khoa tiếng Khmer cho biết, chưa bao giờ việc học tiếng Khmer được phát triển mạnh như hiện nay. Cùng với phong tục tập quán, chữ viết của đồng bào Khmer Nam Bộ được bảo tồn và phát huy hiệu quả.

Sóc Trăng hiện có tám di sản văn hóa phi vật thể, trong đó năm di sản là của đồng bào Khmer. Từ năm 2021 đến nay, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Sóc Trăng đã tích cực triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Qua đó, nhiều phong tục, tập quán và nghệ thuật biểu diễn của đồng bào dân tộc thiểu số được phục dựng, duy trì làm phong phú thêm đời sống văn hóa của nhân dân…

---------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 19/12/2023.