Định hướng chiến lược cho kinh tế rừng

Bài 1: Sống tốt với nghề rừng

Rừng cung cấp nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường, du lịch và nhiều nguồn thu nhập khác cho khoảng 25 triệu người dân đang sống phụ thuộc vào rừng trong cả nước. Phát triển kinh tế rừng trở thành mục tiêu quan trọng và cần được các địa phương xây dựng định hướng chiến lược.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng sâm dưới tán rừng tại bản Sín Chải C, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, Lai Châu. (Ảnh: TRẦN TUẤN)
Trồng sâm dưới tán rừng tại bản Sín Chải C, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, Lai Châu. (Ảnh: TRẦN TUẤN)

Sau 5 năm thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ, nhiều địa phương đã có những giải pháp hiệu quả nâng cao đời sống cho người dân sống bằng nghề rừng, góp phần thúc đẩy kinh tế gắn với bảo vệ rừng bền vững…

Xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) có tới hơn 90% số hộ dân sống bằng nghề trồng chè, với tổng diện tích chè toàn xã hơn 430 ha. Lĩnh Sơn và Cao Sơn là hai xã miền núi đang sở hữu nhiều diện tích cây chè nhất của huyện Anh Sơn. Tổng diện tích cây chè trên địa bàn huyện vào khoảng hơn 2.200 ha, trong đó có nhiều diện tích cây chè được trồng tại các vùng đệm của rừng. Cùng với các cây trồng, vật nuôi khác dưới tán rừng, cây chè được địa phương xác định là cây xóa đói, giảm nghèo.

Mỗi năm, nguồn thu từ chè mang lại cho nông dân nơi đây gần 20 tỷ đồng. Tại huyện Con Cuông, nơi có Vườn quốc gia Pù Mát được xác định là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An do UNESCO công nhận năm 2007, một trong những mũi nhọn kinh tế của huyện là du lịch sinh thái và kinh tế rừng. Trên địa bàn huyện có những địa danh đẹp được khai thác du lịch như: Thác Khe Kèm, khe Nước Mọc, đập Phà Lài, du thuyền sông Giăng hay khám phá rừng nguyên sinh với hệ thống hang động, thực vật phong phú của Vườn quốc gia Pù Mát.

Với diện tích vùng lõi rộng 94.804 ha và vùng đệm rộng 86.000 ha, rừng đang tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ dân các dân tộc Đan Lai, Thái, Hoa nơi đây. Du lịch cộng đồng, trồng cây, chăn nuôi dưới tán rừng, nuôi trồng thủy sản tại các vùng đệm đang mang lại giá trị kinh tế ổn định, bền vững cho những người dân bao đời nay gắn bó với rừng.

Tại ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Ðịnh Quán (Ðồng Nai), già làng người dân tộc Chơ Ro Ðiểu Thị Út Lan cho biết, nhờ chính sách giao đất, giao rừng phù hợp điều kiện thực tế của các hộ dân, nên thời gian gần đây, đời sống của nông dân đã được cải thiện đáng kể, đồng bào dân tộc đã sống tốt với nghề rừng. Toàn ấp hiện có 120 hộ nhận khoán của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp La Ngà với hơn 70 ha đất rừng sản xuất. Mỗi héc-ta, hằng năm, các hộ gia đình nhận khoán được doanh nghiệp chi trả 5 triệu đồng và khoảng 2 triệu đồng công chăm sóc cây rừng.

Hiện cả nước có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng; trong đó có 1,15 triệu hộ gia đình và cộng đồng quản lý 4,1 triệu ha, 136 công ty lâm nghiệp quản lý 1,7 triệu ha, 383 ban quản lý rừng đặc dụng quản lý 5,2 triệu ha, 24.284 người thuộc lực lượng bảo vệ rừng và 6.234 doanh nghiệp chế biến với hơn 500 nghìn lao động…

Cục trưởng Lâm nghiệp Trần Quang Bảo

Trước đây, khi chưa có lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Nhà nước, nhiều người sống bằng nghề săn bắn, khai thác lâm sản trong rừng, giờ đây có tiền thu nhập từ chăm sóc, bảo vệ rừng và nhờ phát triển kinh tế dưới tán rừng như trồng dược liệu, chăn nuôi… cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây đã được cải thiện đáng kể. Từ kinh tế rừng, người dân Chơ Ro đã có nhà mới khang trang, con em được đi học, điện, đường, trường, trạm đang được chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tập trung đầu tư, mở mang. Cuộc sống của người dân nơi vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Ở các tỉnh miền núi phía bắc, những năm qua, kinh tế rừng tại nhiều địa phương đã mang lại thu nhập cao cho người dân sống bằng nghề rừng. Tỉnh Sơn La có mô hình trồng sa nhân tại xã Púng Bánh (huyện Sốp Cộp), xã Mường Giàng, xã Mường Giôn (huyện Quỳnh Nhai), mỗi năm mang lại thu nhập từ 15 triệu đến 30 triệu đồng/ha; dự án trồng sả chiết xuất tinh dầu sả của Hợp tác xã tinh dầu, dược liệu Mường La tại xã Pi Toong (huyện Mường La); dự án xây dựng vùng trồng cây dược liệu và chè Hibiscus, tại xã Chiềng Ðen, Chiềng Cọ (thành phố Sơn La); dự án nông nghiệp và chế biến dược liệu tại các xã Co Mạ, Long Hẹ, Mường Bám (huyện Thuận Châu); dự án trồng cây thảo dược và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm TDP tại Mộc Châu.

Tỉnh Hòa Bình có nhiều mô hình chăn nuôi dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Điển hình là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hoạt, tại thôn Đồng Nội, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy. Ông cho biết, gia đình nuôi gà dưới tán rừng từ năm 2015 đến nay. Hiện, gia đình đang nuôi hơn 5.000 con gà, trong đó 2.000 con gà bố mẹ và hơn 3.000 gà con, mỗi năm cho thu nhập trừ chi phí từ 200 đến 300 triệu đồng.

Tại huyện Đà Bắc, dưới tán rừng xóm Sẻo, xã Cao Sơn, ông Khương Mạnh Thu chủ hộ nuôi ong cho biết, thấy điều kiện tự nhiên phù hợp, quanh nhà là rừng, khí hậu mát mẻ, hoa trái xum xuê…, ông chọn nuôi ong, khởi đầu chỉ với 10 thùng, vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm rồi dần dần phát triển. Đến nay gia đình ông đã có 70 đàn ong. Năm 2022, gia đình bán hơn 70 đàn ong giống và hơn 400 lít mật ong, thu hơn 100 triệu đồng. Ông Thu còn chia sẻ giống ong và kinh nghiệm nuôi ong cho người dân trong vùng.

Tại tỉnh Ðiện Biên, ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng cao. Hiện nay, tỉnh có khoảng hơn 900 ha cây lâm sản ngoài gỗ được trồng theo các chương trình, dự án và trồng tự phát trong dân, trong đó, các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng có khoảng 500 ha; sản lượng sản phẩm thu hoạch đạt khoảng 400 tấn/năm, tương đương 16,2 tỷ đồng. Phần lớn diện tích cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tập trung tại các vùng núi cao của các huyện Nậm Pồ,Tuần Giáo, Mường Nhé…

Cục trưởng Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, hiện cả nước có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng; trong đó có 1,15 triệu hộ gia đình và cộng đồng quản lý 4,1 triệu ha, 136 công ty lâm nghiệp quản lý 1,7 triệu ha, 383 ban quản lý rừng đặc dụng quản lý 5,2 triệu ha, 24.284 người thuộc lực lượng bảo vệ rừng và 6.234 doanh nghiệp chế biến với hơn 500 nghìn lao động…

Rừng đang cung cấp 31 triệu m3 gỗ nguyên liệu đáp ứng 75,6% nhu cầu sản xuất, phục vụ xuất khẩu bình quân hằng năm đạt 17 tỷ USD. Ngoài ra, cả nước có khoảng 2,6 triệu ha lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu hơn 500 triệu USD mỗi năm. Cùng với đó, các hoạt động du lịch (doanh thu khoảng 300 tỷ đồng/năm), dịch vụ môi trường rừng (thu 1.300 tỷ đồng/năm), dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng đang có tiềm năng lớn đóng góp trung bình đạt doanh thu 4.000 tỷ đồng/năm.

(Còn nữa)