Phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững

Lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia. Bên cạnh quyết định đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên đến năm 2030, Chính phủ cũng có nhiều chính sách để bảo vệ rừng và thúc đẩy phát triển kinh tế rừng.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình phát triển du lịch sinh thái ở Lâm Đồng.
Mô hình phát triển du lịch sinh thái ở Lâm Đồng.

Bảo vệ rừng, cốt lõi là sự vào cuộc của người dân

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê năm 2019, Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên đạt gần 10,3 triệu ha, rừng trồng đạt 4,3 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%). Rừng tự nhiên trong 10 năm từ 2009-2019 không có biến động giảm nhiều, điều này chứng tỏ công tác bảo vệ rừng tự nhiên đã đạt kết quả tích cực thay vì chỉ quan tâm tới trồng rừng. Rừng trồng mới không thể thay thế được rừng già, rừng nguyên sinh, bởi khi bị phá đi, lớp thực bì dày từ 50cm-1m cũng không còn, khi có mưa lũ sẽ gây ra tình trạng xói lở, lũ ống lũ quét. Chất lượng rừng ngày càng giảm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thiên tai, lũ lụt, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng và tài sản của con người.

Thực tế hiện nay, lực lượng kiểm lâm ở một số địa phương đang thiếu hụt nghiêm trọng, kết hợp với công cụ, dụng cụ quản lý còn thô sơ nên công tác quản lý rừng còn gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Đình Cường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết: “Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng có những phương án bổ sung nhân sự như tuyển nhân viên hợp đồng lao động ngắn hạn nhưng việc này cũng không mấy thuận lợi, bởi thực tế lương và các chế độ hợp đồng dạng này thấp, không thu hút được người lao động làm việc trong ngành. Song song đó chúng tôi có chương trình khoán cho dân chăm sóc, bảo vệ rừng... vì người dân, nhất là vùng núi, sống gần khu vực có rừng là nhóm đối tượng hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất trong việc phát hiện, thông báo và ngăn chặn những vụ phá rừng, cháy rừng và các hành vi lấn chiếm đất rừng”.

Hiện nay có khoảng 25 triệu người Việt Nam có 20-40% thu nhập hằng năm đến từ rừng. Vai trò của rừng cũng được thể hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao nơi 10% dân cư sống bên trong hoặc gần các khu rừng (diện tích xấp xỉ 12 triệu hecta) là người nghèo hoặc người dân tộc thiểu số. Vì vậy, để công tác bảo vệ rừng hiệu quả cần kêu gọi sự tham gia từ những hộ mà sinh kế của họ phụ thuộc vào rừng.

Theo thống kê, những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm diện tích rừng từ năm 2005-2017 gồm: khai thác quá mức (50%), chuyển đổi rừng và đất rừng thành đất sản xuất nông nghiệp (20%), du mục - đói nghèo (20%), cháy rừng, thiên tai và hiểm họa (10%).

Hiện nay, chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp đã tương đối đầy đủ và rõ ràng, cho phép người dân, doanh nghiệp khai thác kinh tế nhằm mục tiêu bảo vệ rừng hiệu quả và phát triển rừng bền vững đối với một số loại rừng. Như Nghị định số 119/2016/NĐ-CP; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg; Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg; Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg…

Trong đó, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, vừa tạo điều kiện và động lực để người dân ổn định sinh kế, gắn bó và phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững. Cụ thể: Các chủ rừng được phép sử dụng tối đa 30% diện tích đất đã được giao, được thuê nhưng chưa có rừng để đầu tư phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, trong đó diện tích đất dành cho xây dựng hạ tầng (đường giao thông, công trình kiên cố, nhà máy) tối đa là 20%. Ở nhiều địa phương, chính sách này đã dần được triển khai đi vào cuộc sống, giúp người dân cải thiện đời sống nhờ trồng keo, trồng sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác, phổ biến nhất là khai thác du lịch sinh thái dưới tán rừng. Điều này giúp các chủ rừng chủ động được vòng quay tài chính trong ngắn hạn để tái đầu tư cho trồng rừng, từ đó, nâng cao hiệu quả trồng rừng.

Mô hình kinh doanh kết hợp bảo vệ rừng

Môi trường rừng là một bộ phận của hệ sinh thái rừng; bao gồm các yếu tố vật chất tạo nên cảnh quan môi trường rừng, như: Đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, cây rừng, thác nước... Tổ chức, cá nhân trong nước có nguồn lực và nhu cầu thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Tuy nhiên, nhiều người còn e ngại việc sử dụng môi trường rừng sẽ gây ra nhiều hệ lụy như mất cây, cháy nổ, tác động xấu đến môi trường tự nhiên... Thực tế, nhiều nước trên thế giới như Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản… đã triển khai thành công mô hình này, không những bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý, vừa bảo vệ, vừa phát huy hiệu quả môi trường rừng, tăng thu nhập cho các tổ chức, cá nhân và Nhà nước, nâng cao giá trị của rừng, đất rừng.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế từ rừng theo hướng bền vững, Chính phủ đã cho phép người dân được khai thác dưới tán rừng để trồng cây trung hạn, cây dược liệu hoặc phát triển du lịch sinh thái…

Một số địa phương đã ban hành quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, thí dụ như tại tỉnh Lâm Đồng.

Trong quyết định cho thuê có những điều khoản chặt chẽ ràng buộc các tổ chức, cá nhân thuê phải bảo đảm năng lực về tài chính, quản trị, nhân lực để thực hiện dự án. Đồng thời, các công trình xây dựng phải xây dựng đúng vị trí, địa điểm, quy mô, cấu trúc đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Kiến trúc công trình Bungalow (kiểu nhà một tầng) được làm bằng các vật liệu thân thiện với môi trường, hài hòa với cảnh quan của thiên nhiên.

Đặc biệt, tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che để phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí tùy thuộc vào diện tích đất trống và diện tích được thuê rừng. Cụ thể, diện tích rừng được thuê từ 10 - 30ha thì tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che không quá 3% tổng diện tích được thuê, từ 30 - 60ha thì tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che không quá 2,5% tổng diện tích được thuê, từ 60 - 100ha thì tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che không quá 2% tổng diện tích được thuê.

Nâng cao nhận thức về chính sách phát triển kinh tế rừng

Tuy nhiên, không phải tất cả mục tiêu phát triển, bảo vệ và quản lý rừng bền vững đều đạt được thành tựu như mong đợi. Có một phần lý do chính từ việc thiếu hụt nhân lực cũng như kiến thức chuyên môn của cán bộ quản lý để triển khai các chính sách, phổ cập và hỗ trợ người dân. Cũng như nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân chưa được cải thiện, các văn bản luật và quy định không được tuân thủ nghiêm ngặt; các chế tài chưa đủ sức răn đe.

Mấu chốt của chính sách bảo vệ rừng kết hợp khai thác kinh tế là phải dựa vào người dân, vào doanh nghiệp. Nếu không có được sự đồng thuận, các chính sách của Nhà nước sẽ không thể thành công và nhân rộng. Do đó, để điều này trở thành động lực phát triển, được sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp thì cần nhất là sự hỗ trợ thật sự của chính quyền, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm địa phương. Trước hết, họ phải hiểu đúng để hướng dẫn người dân, tránh nhũng nhiễu khi người dân tham gia làm kinh tế rừng thì người dân, doanh nghiệp mới ủng hộ.

Với Việt Nam, đây thật sự là một chiến lược quan trọng trong dài hạn. Hướng tới sự phát triển bền vững, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030, không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên, có cơ chế, chính sách để hạn chế khai thác sử dụng gỗ non từ rừng trồng còn ít tuổi, đang trong thời kỳ sinh trưởng mạnh. Do vậy, việc tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích người dân và doanh nghiệp cần tập trung vào khai thác dịch vụ môi trường dưới tán rừng (kết hợp trồng dược liệu, du lịch sinh thái...), với những đất rừng sản xuất để lấy ngắn nuôi dài rất cần thiết để bảo đảm hiệu quả bảo vệ rừng và tăng độ che phủ của rừng trong tương lai.