Những chính sách về văn hóa của Luật Thủ đô năm 2024 gồm nhóm chính sách bảo vệ và nhóm chính sách về phát triển các giá trị văn hóa Thủ đô. Những chính sách mới sẽ giúp Hà Nội gìn giữ tốt hơn nữa truyền thống văn hóa nghìn năm của mình.
Luật Thủ đô năm 2024 là văn bản pháp lý quan trọng được ban hành nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô, đặc biệt là các định hướng từ Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. So với Luật Thủ đô năm 2012, Luật mới có cấu trúc toàn diện và đầy đủ hơn với 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương và 32 điều), thể hiện tính đột phá trong các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thủ đô. Trong các quy định mới của Luật, điểm nổi bật là những chính sách về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch được quy định tại Điều 21. Những quy định này nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, đồng thời phát triển theo định hướng văn hiến-văn minh-hiện đại. Chính sách về văn hóa trong Luật Thủ đô có hai nhóm quan trọng, gồm nhóm chính sách về bảo vệ và nhóm chính sách về phát triển các giá trị văn hóa Thủ đô.
Cụ thể, nhóm chính sách về bảo vệ với những quy định đáng chú ý như Luật cho phép thành lập Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô; Luật quy định cụ thể việc tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị các khu vực trọng điểm như: khu Ba Đình - trung tâm chính trị của Thủ đô, khu vực hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây - biểu tượng văn hóa của Hà Nội, các di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các di sản được UNESCO công nhận như Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ngoài ra, Luật chú trọng bảo tồn các di tích cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể, phố cổ, làng cổ và làng nghề truyền thống.
Luật Thủ đô đề ra những chính sách ưu đãi đặc thù. Trong đó, Luật trao quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố được quy định mức hỗ trợ cao hơn so với quy định hiện hành cho nhiều đối tượng, thí dụ như người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; các nghệ nhân và người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; vận động viên, huấn luyện viên tham gia đào tạo và huấn luyện tại các bộ môn thể thao thành tích cao. Đây chính là động lực quan trọng để Hà Nội gìn giữ kho báu tinh hoa văn hóa truyền thống được lưu giữ bởi các nghệ nhân; thu hút nguồn nhân lực, nhân tài từ các lĩnh vực văn hóa, thể thao khác.
Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, được mệnh danh là Thủ đô di sản. Những năm qua, công tác bảo tồn, xây dựng, phát huy giá trị văn hóa-con người Thủ đô luôn được thành phố chú trọng, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, nhận thức về phát huy văn hóa trong xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô đã luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm trong suốt 70 năm qua, đặc biệt, trong 40 năm đổi mới, trải qua tám kỳ đại hội liên tiếp, Thành ủy luôn có chương trình về phát triển văn hóa và xây dựng con người Hà Nội bên cạnh chương trình về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị - điều đó chứng tỏ sự kiên trì, bền bỉ trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển về văn hóa, xây dựng con người Hà Nội trong nhiều nhiệm kỳ.
Trên thực tế, thành phố không chỉ bảo tồn, mà còn khai thác tốt nguồn tài nguyên phong phú từ 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, những vướng mắc vẫn còn không ít. Điển hình như chính sách đãi ngộ nghệ nhân, chính sách thu hút nhân tài, chính sách sử dụng tài sản công trong lĩnh vực văn hóa… Luật Thủ đô (sửa đổi) đã mở “luồng xanh” để thành phố triển khai những hoạt động này có hiệu quả hơn. Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến đánh giá: “Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Những chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi) góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa con người Việt Nam; đưa văn hóa con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô … Tôi cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức đi vào đời sống sẽ là cơ sở pháp lý để thành phố Hà Nội hiện thực hóa nhiều khát vọng, trong đó có mục tiêu xây dựng Hà Nội văn hiến-văn minh-hiện đại”.
(Còn nữa)