Bạch hầu, sốt xuất huyết tăng cục bộ tại một số địa phương

NDO -

Dịch bạch hầu tăng đột biến ở Tây Nguyên từ tháng 6-2020 với số ca mắc tăng gần gấp bốn lần so với cùng kỳ năm 2020. Dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn nhiều nguy cơ khi thời tiết giao mùa là thời điểm thuận lợi cho dịch lan rộng. Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. 

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.

Ngày 21-9, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020, tại điểm cầu Bộ Y tế và điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc.

Bạch hầu tăng đột biến ở Tây Nguyên, sốt xuất huyết còn nhiều nguy cơ

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn, năm 2020, Việt Nam ghi nhận sự tăng đột biến số ca mắc bạch hầu tại Tây Nguyên với 172 trường hợp, trong khi đó, miền nam chỉ ghi nhận bốn ca, miền trung 22 ca.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 198 trường hợp dương tính với 138 ca bệnh và 60 người lành mang trùng, trong đó bốn ca tử vong tại Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Số mắc tăng lên từ tháng 6 đến tháng 8, trong đó khu vực Tây Nguyên tăng rõ rệt từ tháng 6 năm 2020. Số mắc từ 3 tháng đến 78 tuổi, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 10-14 tuổi.

“So với cùng kỳ năm 2019 (41 trường hợp mắc, ba tử vong), số mắc năm 2020 tăng 157 trường hợp, tử vong tăng một trường hợp”, TS Tấn cho biết.

Trong số 198 ca dương tính với bạch hầu, có tới 161 ca không rõ tiền sử tiêm chủng hoặc không được tiêm vaccine phòng bạch hầu, chiếm tỷ lệ 81,3%.

TS Đặng Quang Tấn cho biết, khó khăn và thách thức trong chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên do các xã ổ dịch đa số ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, không hợp tác tiêm vaccine. Một số khu vực đã lâu không ghi nhận ca bệnh, cán bộ y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán, giám sát phát hiện sớm.

“Nhiều trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở nhóm tuổi lớn, ở thời điểm chương trình Tiêm chủng mở rộng chưa triển khai đầy đủ, còn xã trắng về tiêm chủng. Bên cạnh đó, miễn dịch bạch hầu không bền vững, đối với người đã tiêm đủ bốn mũi vaccine có thành phần bạch hầu cần tiếp tục được tiêm nhắc lại”, TS Tấn nói. 

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh bạch hầu. 

Bệnh bạch hầu đã có vaccine phòng bệnh, tiêm phòng bệnh bạch hầu đúng lịch là biện pháp quan trọng, đặc hiệu để phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên cần lựa chọn đúng vaccine bạch hầu về liều lượng và thời điểm tiêm chủng. 

Đồng thời, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, bệnh nhân, ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc gần, xử lý ổ dịch, điều trị ca bệnh và điều trị dự phòng để hạn chế tối đa lây nhiễm. 

Bạch hầu, sốt xuất huyết tăng cục bộ tại một số địa phương -0TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã báo cáo về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, bạch hầu và các hoạt động phòng, chống dịch đã triển khai.
 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định Việt Nam đã từng bước kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết vẫn có số mắc cao, tăng cục bộ tại một số địa phương.

Trên toàn cầu, kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết đến nay vẫn là vấn đề nan giải vì chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Số mắc sốt xuất huyết trên thế giới có xu hướng gia tăng cả về số mắc và phạm vi địa lý. Khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề với số mắc và tử vong hàng đầu trong nhóm bệnh truyền nhiễm lưu hành.

Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, đại dịch Covid-19 đã lây lan rộng đến 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế xã hội của mỗi quốc gia và toàn cầu, tác động tiêu cực đến tâm lý và đời sống người nhân và còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết mức độ ảnh hưởng nguy hại của dịch.

Tại Việt Nam, đến nay đã từng bước kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm. Công tác phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 được thực hiện hiệu quả. Năm 2020, các bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, bệnh sốt rét giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. 

Nhiều bệnh truyền nhiễm khác diễn biến ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn tại cộng đồng, không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A khác. 

Thứ trưởng nhấn mạnh, dự báo trong cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh dịch lưu hành trong nước có nguy cơ bùng phát thành dịch do thời tiết mùa đông xuân rất thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. 

Ngoài nguy cơ và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một số bệnh dịch vẫn có nguy cơ gia tăng số mắc và tử vong nếu không có các biện pháp phòng, chống hiệu quả như: cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh dại, sốt rét, và các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt là các bệnh có vaccine phòng bệnh như bệnh bạch hầu, bệnh ho gà có thể ghi nhận thêm nhiều ca mắc. 

Bên cạnh đó, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như thay đổi bất thường về khí hậu, thiên tai, quá trình đô thị hoá, toàn cầu hóa nhanh, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, hành vi, lối sống và tập quán người dân vẫn còn nhiều hạn chế; nguồn lực đầu tư cho phòng chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn ở cả Trung ương và địa phương.

Trong thời gian tới, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” để chủ động phòng, chống dịch bệnh, kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo các Sở Y tế có kế hoạch cụ thể triển khai ngay các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn sự phát sinh và bùng phát của dịch bệnh, trong đó lưu ý đặc biệt đối với các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với nguy cơ cao về dịch bệnh, có hạn chế về tiếp cận dịch vụ y tế và biến động dân cư cao.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Sở Y tế báo cáo ngay UBND cả tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai tiêm chủng đầy đủ, an toàn theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại bốn kế hoạch tiêm chủng vaccine gồm kế hoạch uống bổ sung OPV, kế hoạch tiêm vaccine MR, kế hoạch bảo đảm dây chuyền lạnh cho vaccine, kế hoạch tiêm vaccine Td cho trẻ em 7 tuổi.