Bắc Trung Bộ đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất nông nghiệp

Mặc dù thường xuyên phải gánh chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, song nhờ sự hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã chủ động, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ đó, giá trị sản xuất trên diện tích canh tác ở khu vực này không ngừng gia tăng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế-xã hội phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Cống bara Đô Lương (Nghệ An) sau khi được đầu tư, nâng cấp.
Cống bara Đô Lương (Nghệ An) sau khi được đầu tư, nâng cấp.

Đến nay, nhiều công trình nông nghiệp, thủy lợi trọng điểm đã, đang hoàn thành, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp là một trụ đỡ vững chắc cho phát triển kinh tế, cùng xây dựng nông thôn mới cho các địa phương.

Xanh đồng giữa nắng hạ

Khác với những năm về trước, cứ hễ bước vào thời điểm nắng nóng gay gắt của tháng 6, ông Hoàng Văn Lập và bà con nông dân ở thôn Phú Thượng, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phải thay phiên nhau ra ruộng lúa để túc trực, khơi thông kênh dẫn, đưa nước cứu vụ lúa hè thu.

“Có những thời điểm, chúng tôi phải cắt cử nhau sang tận các xã vùng thượng để canh nước, ép nước về cứu lúa, chậm trễ ngày nào, nguy cơ lúa bị cháy nắng càng lớn”, ông Hoàng Văn Lập cho biết. Có mặt tại chân ruộng thôn Phú Thượng, chúng tôi thấy vẻ hồ hởi, phấn khởi trên khuôn mặt của người nông dân đang nhanh tay tỉa dặm, chuẩn bị bón thúc đợt 1.

Cũng theo chia sẻ của ông Lập, nhờ kết thúc thu hoạch lúa xuân sớm và chính quyền chỉ đạo điều tiết nước kịp thời, bà con đã nhanh chóng gieo cấy tập trung, đúng lịch thời vụ nên lúa sinh trưởng đồng đều. Người dân có điều kiện thuận lợi về thời gian để tiến hành tỉa dặm, làm cỏ bờ và phòng trừ sâu bệnh.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kỳ Phú Nguyễn Kiên Quyết, do đặc thù của địa hình vùng cao cưỡng, lại nằm cuối nguồn kênh tưới của sông Rác nên vụ sản xuất hè thu của bà con, nhất là vùng sản xuất 200 ha ở thôn Phú Long và Phú Thượng trước đây gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi hệ thống kênh sông Rác được bê-tông hóa và lát mái 100%, hệ thống kênh mương đấu nối từ kênh sông Rác về chân ruộng cơ bản được đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh, việc cung cấp nước tưới cho vụ hè thu trên địa bàn đã đáp ứng đầy đủ.

Cùng với đó, hệ thống nước tưới được bổ sung từ sông nhà Lê thông qua 5 trạm bơm do xã quản lý đã bổ sung kịp thời cho nhu cầu nước tưới ở những cánh đồng cao cưỡng, khu vực cuối nguồn các tuyến kênh. Hiện nay, bà con nông dân cần tận dụng tối đa nguồn nước cấp về từ hệ thống kênh mương; tiến hành tỉa dặm cho lúa, bảo đảm mật độ phân bố để giúp lúa đẻ nhánh.

Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo huyện Kỳ Anh, với vị trí đặc thù nằm ở trung tâm “chảo lửa, túi mưa” của Hà Tĩnh, những năm về trước, Kỳ Anh luôn được nhắc đến là vùng tử địa, thường xuyên xảy ra hạn hán. Thế nhưng, bằng nỗ lực không ngơi nghỉ của người dân địa phương, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, đến nay tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch được tưới, cấp nước chủ động trên địa bàn huyện đạt 96,5% (9.864 ha/10.218 ha).

Để có được kết quả này, chỉ tính từ năm 2011 đến nay, địa phương đã huy động, ưu tiên nguồn lực thực hiện nạo vét, sửa chữa, nâng cấp 159 công trình (gồm cống, đập dâng,...) với tổng kinh phí thực hiện 62,6 tỷ đồng; kiên cố hóa được 175 km kênh mương theo cơ chế hỗ trợ xi-măng với tổng kinh phí 149,3 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa nước: Khe Cà, Khe Sung, Bàu Hóp, Tùng Lau, Tân Phong với tổng mức đầu tư 89,1 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn hiện có 348 hồ chứa với tổng dung tích đạt 1,6 tỷ m3 nước và 6.333 km kênh mương, cống ngăn mặn giữ ngọt, tiêu thoát nước. Hằng năm, các công trình này bảo đảm cấp nước phục vụ cho khoảng 44.000 ha sản xuất lúa vụ hè thu, 55.000 ha lúa vụ xuân, hơn 14.000 ha cây màu và 2.800 ha nuôi trồng thủy sản. Nhờ hệ thống hạ tầng phục vụ tưới tiêu được đầu tư đồng bộ, sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh đang chuyển dịch mạnh từ nhỏ lẻ sang thâm canh, tập trung, quy mô lớn, xuất hiện ngày một nhiều các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, góp phần gia tăng giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác.

Gia cố trụ đỡ nông nghiệp

Ngày 22/3 vừa qua, tỉnh Nghệ An đã khánh thành và đưa vào hoạt động Dự án Khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, do JICA (Nhật Bản) tài trợ với tổng số vốn đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng. Đây là dự án thủy lợi lớn, cấp nước tưới cho khoảng 25% diện tích đất canh tác ở phía bắc Nghệ An.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết: Việc hoàn thành và đưa dự án vào sử dụng đã tưới ổn định cho gần 28.000 ha sản xuất nông nghiệp, giảm ngập úng cho hàng nghìn ha vùng trũng ở Yên Thành và Diễn Châu; sản lượng lương thực tăng thêm khoảng 134.000 tấn/năm. Ngoài ra, công trình còn tạo nguồn cấp nước phục vụ công nghiệp, nước sinh hoạt, và góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng trong khu vực. Nhiều tuyến đường dân sinh đã được kiên cố hóa, cải thiện điều kiện dân sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới các huyện thuộc vùng dự án.

Việc hoàn thành và đưa dự án vào sử dụng đã tưới ổn định cho gần 28.000 ha sản xuất nông nghiệp, giảm ngập úng cho hàng nghìn ha vùng trũng ở Yên Thành và Diễn Châu; sản lượng lương thực tăng thêm khoảng 134.000 tấn/năm.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Đệ

Được sự quan tâm của Trung ương, thời gian qua, Nghệ An còn thu hút được nhiều dự án cải tạo, nâng cấp hay làm mới hệ thống hạ tầng thủy lợi, hồ đập và đê, kè quan trọng khác với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó có việc nâng cấp một số hồ đập ách yếu; Dự án thủy lợi Khe Lại-Vực Mấu; Dự án hồ chứa nước bản Mồng (giai đoạn 2); Khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Nam; Khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc, Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê lưu vực sông Cả; Kè chống sạt lở đê Tả Lam, đoạn cầu đường sắt Yên Xuân, huyện Hưng Nguyên; Dự án tu bổ hệ thống đê biển, đê sông xung yếu của tỉnh; Dự án xử lý cấp bách các cống xung yếu dưới đê…

Nhờ hệ thống thủy lợi, đê điều ngày càng được củng cố và hoàn thiện đã giúp các địa phương Nghệ An có điều kiện đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nên năng suất và sản lượng lương thực nói riêng và cây trồng nói chung đều tăng hằng năm. Năm 2023, sản lượng lương thực ở Nghệ An đạt hơn một triệu tấn và phấn đấu năm 2024, đạt 1,2 triệu tấn lương thực...

Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An) cho biết: Mới đây, Dự án đập Sông Lam đã được Chính phủ phê duyệt vào danh mục ưu tiên thực hiện quy hoạch, phòng chống thiên tai và thủy lợi; giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030. Khi hoàn thành, công trình này sẽ giúp ngăn mặn, giữ ngọt và cải tạo môi trường trước tác động của biến đổi khí hậu; tạo cảnh quan phát triển du lịch...

Cùng với đầu tư hạ tầng thủy lợi, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh còn ban hành chính sách hỗ trợ “kích cầu” xi-măng nhằm giúp các địa phương thu hút mọi nguồn lực phát triển hệ thống giao thông nông thôn cùng giao thông nội đồng và cứng hóa hệ thống kênh mương.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2017-2022, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng được gần 3.000 km đường giao thông nông thôn các loại, trong đó có 394 km đường trục chính nội đồng và 850 km kênh mương nội đồng. Cũng trong thời gian này, tỉnh Nghệ An đã làm được 3.537 km kênh mương cứng cùng hàng nghìn km giao thông nội đồng; cải tạo, nâng cấp hàng trăm công trình thủy lợi như bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu với tổng số tiền hơn 3.429 tỷ đồng, góp phần đưa Nghệ An và Hà Tĩnh trở thành những tỉnh điển hình trong cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Chi cục Thủy lợi hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hệ thống thủy lợi trên địa bàn vẫn còn nhiều hồ đập ách yếu do xây dựng từ lâu, những năm 80-90 thế kỷ trước, nên rất cần Trung ương và tỉnh tiếp tục ưu tiên, bố trí các nguồn lực để cải tạo, nâng cấp.

Tiến độ xây dựng hệ thống hồ chứa nước bản Mồng giai đoạn 2 chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống kênh đấu nối với tuyến kênh chính dẫn nước từ hồ Ngàn Trươi về các vùng hạ du chưa đồng bộ, chưa khai thác hết những giá trị từ hồ thủy lợi có dung tích lớn thứ 3 cả nước... Vì vậy, các địa phương mong muốn trung ương tiếp tục cân đối ngân sách, hỗ trợ nguồn lực để hai tỉnh đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống hằng ngày cho người dân.

Bắc Trung Bộ đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất nông nghiệp ảnh 1

Người dân xã Sơn Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) phấn khởi đón nước chăm sóc lúa hè thu.