Hạ tầng đồng bộ
Là công dân có thời gian dài gắn bó với địa phương, chị Nguyễn Thị Huyền, trú tại phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh cho biết, năm 1997 khi mới tái lập tỉnh, nhiều người gọi thị xã Bắc Ninh là “thị xã đèn dầu”, bởi cả thị xã lúc đó chỉ có vài khu phố nhỏ bé lụp xụp, vùng ngoại ô còn hoang sơ. Sau hơn 20 năm, diện mạo của Bắc Ninh thay đổi hoàn toàn. Các khu phố cũ được chỉnh trang, cải thiện ngăn nắp, những khu phố mới được quy hoạch bài bản, hiện đại. Từ thành phố cho tới các huyện, thị xã, nơi nào cũng có những khu đô thị tiêu biểu.
Với đặc thù là tỉnh công nghiệp, việc quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng ở Bắc Ninh có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược, phải đi trước làm cơ sở cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nguyễn Tiến Tài cho biết, vấn đề quy hoạch ở Bắc Ninh có tính tổng thể, mang tầm nhìn dài hạn và thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố theo định hướng “hiện đại, văn minh, văn hiến, hài hòa và bền vững”, bảo đảm sự đồng bộ với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, kết nối với quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội. Từ đó, làm nổi bật vai trò, vị trí, ưu thế của Bắc Ninh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tăng tính cạnh tranh trong thu hút các nguồn lực đầu tư.
Với sự nỗ lực của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, năm 2017, TP Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại I, năm 2018 thị xã Từ Sơn được công nhận là đô thị loại III, năm 2020 đô thị Phố Mới mở rộng được công nhận là đô thị loại IV. Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh còn có sáu đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh năm 2020 đạt khoảng 38%. Đề án xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư đã được Ban Cán sự đảng Chính phủ thông qua, hiện tỉnh đang xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở được xây dựng hoàn thành theo hướng hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhiều chung cư, tòa nhà cao tầng được xây dựng. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, thu hút được cả các nhà đầu tư nước ngoài lớn như Tập đoàn Samsung, Foxconn,... đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động. Theo số liệu cập nhật mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 4-2019, diện tích nhà ở bình quân của Bắc Ninh đạt hơn 29 m2/người, cao nhất cả nước.
Trong quá trình phát triển đô thị, Bắc Ninh đặc biệt chú ý đến việc quy hoạch các hành lang xanh dọc theo sông Đuống, sông Cầu, nhiều khu đô thị được quy hoạch với mục tiêu là khu đô thị xanh như: Khu Tây Bắc TP Bắc Ninh, diện tích khoảng 590 ha; khu du lịch Phật Tích, diện tích khoảng 2.200 ha tại huyện Tiên Du; khu liên hợp thể thao tỉnh Bắc Ninh diện tích khoảng 1.340 ha tại huyện Tiên Du và huyện Quế Võ; khu sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn khoảng 1.400 ha và khu du lịch văn hóa và sinh thái núi Dạm diện tích khoảng 200 ha tại TP Bắc Ninh; khu tổ hợp đô thị, du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, diện tích khoảng 2.000 ha tại huyện Thuận Thành,… Các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn cũng được tỉnh tập trung đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng đô thị, hiện đại hóa nông thôn. Nhiều công trình lớn được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng như: hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn, nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê, nhà máy nước mặt TP Bắc Ninh, các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cấp huyện, các nhà máy cấp nước quy mô cụm xã, các tuyến đường đô thị, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh quy mô 1.000 giường bệnh,...
Xây dựng đô thị hiện đại
Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1560/QĐ-TTg ngày 10-9-2015, đã đặt ra mục tiêu đô thị Bắc Ninh là đô thị loại I trực thuộc T.Ư. Để công tác quy hoạch và phát triển đô thị luôn đi trước và đạt được các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đề ra cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh đã lập và điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư theo hướng “Hiện đại, văn hóa, tri thức và đô thị thông minh”, là một trung tâm có sức cạnh tranh mạnh mẽ của đất nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, lập quy hoạch chung các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh với mục tiêu nâng cấp các huyện Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Du thành thị xã, thị xã Từ Sơn trở thành thành phố. Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tiến Tài cho biết, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh tập trung triển khai lập và điều chỉnh các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng các tiêu chuẩn của đô thị loại I, thành phố trực thuộc T.Ư như: điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2035, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Chờ và vùng phụ cận (đô thị Yên Phong) đáp ứng phát triển huyện Yên Phong trở thành thị xã, đồ án quy hoạch chung đô thị phố Mới và vùng phụ cận (đô thị Quế Võ) đáp ứng phát triển huyện Quế Võ trở thành thị xã; quy hoạch phân khu các khu đô thị mới quy mô lớn trên địa bàn TP Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, các huyện Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành để thu hút các nhà đầu tư lớn. Rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí của các đô thị, của thành phố trực thuộc T.Ư, của các thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị còn thiếu như trung tâm văn hóa, thể thao cấp tỉnh, cấp huyện; công viên - hồ điều hòa, bệnh viện, hệ thống thu gom và xử lý nước thải,…
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, thời gian tới Bắc Ninh sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt, công bố công khai các đồ án quy hoạch xây dựng, song song với việc đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các đô thị và phê duyệt các khu vực phát triển đô thị trên địa bàn toàn tỉnh tạo khung pháp lý cho việc quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch xây dựng với phương châm “Nội dung quản lý trật tự xây dựng tại các khu vực đã có quy hoạch phát triển đô thị phải như quản lý khu vực đã được công nhận là đô thị”. Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trực tiếp, toàn diện việc thực thi pháp luật trên địa bàn, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các lực lượng chức năng chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trên địa bàn về đất đai, xây dựng, giao thông, đê điều,... nhằm ngăn chặn ngay từ đầu những vấn đề vi phạm.