Bắc Ninh nỗ lực vượt qua suy thoái kinh tế

Nhiều năm qua, Bắc Ninh được biết đến là tỉnh năng động trong phát triển kinh tế, nhất là về thu hút đầu tư và sự bứt phá về công nghiệp, xuất khẩu. Động lực chủ yếu của kinh tế địa phương chính là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cũng bởi quá trình hội nhập sâu rộng, với độ “mở” của nền kinh tế lớn, nên trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, kinh tế Bắc Ninh đã chịu tác động nặng nề.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Bắc Ninh thành lập năm tổ chuyên gia gỡ khó hỗ trợ doanh nghiệp.
Tỉnh Bắc Ninh thành lập năm tổ chuyên gia gỡ khó hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo công bố của Cục Thống kê Bắc Ninh, nửa đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh giảm nhiều nhất cả nước (-12,59%); trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng bị sụt giảm sâu nhất (-17,56%). Tình trạng doanh nghiệp giải thể, người lao động phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm xảy ra ở nhiều nơi, kéo theo đó, những dịch vụ “ăn theo” khu vực kinh tế công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lao đao vì phòng trọ vắng khách

Chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Văn Soan, một trong những hộ kinh doanh phòng trọ với số lượng lớn ở thôn Ngô Xá (xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Lúc cao điểm, hộ này có tới 80 phòng cho công nhân thuê. Vậy nhưng, “cơn bão” Covid-19 và hệ lụy của khủng hoảng kinh tế hai năm qua khiến gia đình trắng tay. Anh Soan cho biết: Tiền để làm nhà trọ hoàn toàn là đi vay ngân hàng. Nhưng khi chưa thu hồi đủ vốn thì kinh tế suy thoái, công nhân chuyển đi hết, phòng trọ ế ẩm và mảnh đất thế chấp ngân hàng cũng bị siết nợ.

Xã Long Châu nằm liền kề Khu công nghiệp Yên Phong-thủ phủ công nghiệp điện tử của tỉnh Bắc Ninh, với đầu tàu là Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). Bởi vậy, địa phương này cũng được ví như thủ phủ nhà trọ tại Yên Phong. Để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của hàng vạn lao động tại đây, các hộ dân trên địa bàn xã đã ồ ạt xây dựng nhà trọ. Theo bà Nguyễn Thị Luyện (thôn Ngô Xá, xã Long Châu): Trung bình mỗi hộ tại địa phương có từ 50 đến 70 phòng trọ, nhưng từ Tết đến giờ, do việc làm trong khu công nghiệp sụt giảm, nên chỉ có người trả phòng về quê mà không có khách thuê mới. Hiện rất nhiều trường hợp lao đao vì đã vay tiền ngân hàng để làm nhà trọ.

Tương tự, tại xã Hoàn Sơn (huyện Tiên Du), địa bàn giáp ranh với Khu công nghiệp Đại Đồng-Hoàn Sơn và Khu công nghiệp Tiên Sơn (tỉnh Bắc Ninh), nhiều dãy nhà trọ cũng vắng khách. Theo thống kê, toàn xã có 1.200 hộ làm nhà cho thuê với tổng số hơn 19.000 phòng trọ; thì nay chỉ còn hơn 10.000 phòng có người ở, khiến các chủ trọ bị thất thu lớn. Chị Nguyễn Thị Mến (thôn Đại Sơn, xã Hoàn Sơn) chia sẻ với chúng tôi: Dù đã giảm giá cho thuê xuống thấp hơn nhiều so với trước, thậm chí đầu tư thêm điều hòa, bình nóng lạnh, quạt,... nhưng tỷ lệ phòng trống của gia đình vẫn lên tới 60%.

Chuyện phòng trọ ế ẩm cũng là tình trạng chung ở những xã, phường quanh các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh như: Yên Trung (huyện Yên Phong); Đại Đồng (huyện Tiên Du); Nam Sơn, Vân Dương (thành phố Bắc Ninh); Phượng Mao (thị xã Quế Võ); Phù Chẩn, Tân Hồng (thành phố Từ Sơn)… Phần lớn các hộ làm nhà trọ cho thuê đều phải thế chấp sổ đỏ để vay tiền xây dựng, khi lượng khách thuê giảm trong thời gian dài đã tạo áp lực rất lớn về lãi suất tiền vay. Và chuyện bị siết nợ, trắng tay là điều khó tránh khỏi...

Sản xuất công nghiệp sụt giảm, công nhân mất việc

Phòng trọ vắng khách thuê, cùng sự ảm đạm của các dịch vụ “ăn theo” khác, là hệ lụy rõ ràng nhất do sụt giảm về sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh sáu tháng đầu năm nay.

Chị Trần Thị Thủy (38 tuổi) đã có hơn sáu năm làm công nhân cho một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Quê chị ở huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), do thu nhập từ hai sào ruộng không đủ trang trải cuộc sống gia đình, nên phải xa chồng và ba con thơ ra Bắc Ninh làm công nhân. Theo chị, đây đang là quãng thời gian khó khăn nhất đối với người lao động, khi tình trạng thiếu việc, mất việc làm xảy ra thường xuyên. Chị cho biết, trước đây, làm thêm giờ được xem là “cứu cánh” để nâng thu nhập, nhưng hiện tại không thể tăng ca do khối lượng công việc giảm. Bởi vậy, thu nhập cao nhất chỉ khoảng sáu triệu đồng mỗi tháng nếu đi làm đầy đủ và được hỗ trợ tiền chuyên cần. Song, có việc để đi làm đã là may mắn hơn nhiều người khác...

Theo số liệu của Cục Thống kê Bắc Ninh, nửa đầu năm nay, số lao động trên địa bàn tỉnh giảm 13 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là ở khu vực công nghiệp và xây dựng (hiện có 447,3 nghìn người). Thế nhưng, mức độ ảnh hưởng không chỉ là số lao động mất việc làm, mà số lượng bị giảm việc cũng rất lớn. Trong đó, tác động từ các cơ sở sản xuất trọng điểm thuộc ngành điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học sụt giảm nhiều nhất (-20,51%), đã tạo hiệu ứng dây chuyền khiến các doanh nghiệp vệ tinh sụt giảm theo. Nguyên nhân chính là sức mua trên thị trường quốc tế đối với một số sản phẩm thuộc nhóm ngành này giảm, đồng thời, sự thiếu hụt nguồn cung và giá nguyên liệu, vật tư tăng cũng có tác động lớn.

Để chặn đà suy giảm, từng bước lấy lại đà tăng trưởng, Bắc Ninh chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp, đó là: Thành lập năm Tổ chuyên gia gỡ khó về đầu tư, đất đai-môi trường, quy hoạch-xây dựng, lao động và an ninh-an toàn. Trong tháng 6, địa phương đã tổ chức hai hội nghị đối thoại với hơn 500 doanh nghiệp. Dự kiến vào quý III năm nay, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan trung ương, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư lớn ở trong nước và quốc tế,...

Chỉ đạo các giải pháp chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang yêu cầu: Các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm, tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thường kỳ, nêu chi tiết những nội dung cần tháo gỡ, trách nhiệm phối hợp của đơn vị có liên quan; xử lý nghiêm các nhà thầu cố tình chậm tiến độ, điều chuyển vốn các dự án tỷ lệ giải ngân thấp; rà soát tiến độ triển khai bốn dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này...