Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh, ước tổng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng hơn 262 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp thiệt hại ước hơn 917 tỷ đồng, trong đó, có hơn 11.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây cảnh; hơn 300.000m2 nhà màng, nhà lưới bị hư hỏng; hơn 107.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; thiệt hại hơn 4.400 tấn thủy sản. Thiệt hại về công nghiệp và công trình khác 195,49 tỷ đồng, thiệt hại do sự cố đê điều và công trình thủy lợi 108,78 tỷ đồng…
Đề xuất hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân sản xuất nông nghiệp
Sau khi rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh hiện có, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người dân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại với kinh phí dự kiến 38,62 tỷ đồng.
Theo đó, đối tượng hỗ trợ các đối tượng thiệt hại đã được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ dự kiến gồm 31,34 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí hỗ trợ lĩnh vực trồng trọt là 16,30 tỷ đồng; chăn nuôi 3,57 tỷ đồng; thủy sản 11,47 tỷ đồng. Giá trị hỗ trợ tính theo giá trị tối đa đối với từng loại diện tích, cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại.
Nhiều hoa màu của người dân Bắc Ninh bị ngập sâu trong bão lũ. |
Dự kiến, về lĩnh vực trồng trọt, mức hỗ trợ với diện tích lúa, ngô, đậu, rau bị thiệt hại hơn 70% là 2 triệu đồng/ha; hỗ trợ diện tích cây ăn quả bị thiệt hại hơn 70% là 4 triệu đồng/ha; hỗ trợ với diện lúa bị thiệt hại từ 30%-70% mức 1 triệu đồng/ha; diện tích cam, bưởi, táo bị thiệt hại từ 30%-70% hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.
Về lĩnh vực thủy sản, đối với ao đất, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha cho diện tích bị thiệt hại trên 70%; thiệt hại 30-70% hỗ trợ 7 triệu đồng/ha. Đối với nuôi lồng bè trên sông, hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng với những lồng cá bị thiệt hại hơn 70% và hỗ trợ 7 triệu đồng/lồng với những lồng cá bị thiệt hại từ 30-70%...
Bổ sung đối tượng hỗ trợ
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Song Hà cho biết: Trên cơ sở nghiên cứu Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP tại văn bản số 4488/BNN-ĐĐ ngày 24/6/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ quy định tại khoản 6, Điều 5 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và yêu cầu thực tế tại địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định mức hỗ trợ và bố trí kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng chưa được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ, tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là 7,28 tỷ đồng. Bao gồm hỗ trợ hoa, cây cảnh dự kiến 0,15 tỷ đồng. Hỗ trợ nhà màng, nhà lưới bị thiệt hại với tổng kinh phí dự kiến là: 7,13 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Song Hà đề xuất bổ sung đối tượng hỗ trợ bị thiệt hại trong bão số 3. |
Tỉnh Bắc Ninh dự kiến đề xuất hỗ trợ 20 triệu đồng/ha với diện tích hoa, cây cảnh bị thiệt hại trên 70% và hỗ trợ 10 triệu đồng với diện tích hoa, cây cảnh bị thiệt hại từ 30-70%.
Với nhà màng, Bắc Ninh đề xuất hỗ trợ với nhà màng bị sập, đổ hoàn toàn hỗ trợ 50 triệu đồng/1.000m2; đối với nhà màng bị tốc mái, bung nilon hỗ trợ 10 triệu đồng/1.000m2. Hỗ trợ 20 triệu đồng/1.000m2 nhà lưới bị sập, đổ hoàn toàn và 5 triệu đồng/1.000m2 với nhà lưới bị tốc mái, bung nilon.
Hỗ trợ chi trả lãi suất với các dự án vay bị thiệt hại do bão
Để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, tỉnh Bắc Ninh cũng xem xét cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân có dự án vay vốn tín dụng tại các tổ chức cho vay vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước
Người dân Bắc Ninh mong sớm có cơ chế hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt
Dự kiến, đối với dự án vay tại Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ ngân sách nhà nước để hỗ trợ chi trả lãi suất vay đối với các dự án vay bị thiệt hại do bão số 3 trong khoảng thời gian 1 năm (12 tháng) tính từ tháng 9/2024 đến tháng 9/2025. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ cho các hộ dự kiến là: 4,369 tỷ đồng.
Cụ thể: Đối với các dự án thiệt hại nhẹ (mức thiệt hại dưới 50 triệu đồng/hộ), đề nghị hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các hộ.
Đối với các dự án thiệt hại nặng (mức thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên/ hộ), đề nghị hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay cho các hộ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc NInh Vương Quốc Tuấn yêu cầu khẩn trương hỗ trợ người dân bị thiệt hại sau bão số 3. |
Với dự án vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội tỉnh số tiền 50 tỷ đồng để tiếp tục cho vay đối tượng các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 khôi phục sản xuất…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu: Công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 cần khẩn trương thực hiện nhanh nhất, sớm nhất và đúng đối tượng. Đồng chí lưu ý, số tiền hỗ trợ tuy không nhiều nhưng là sự động viên, chia sẻ kịp thời và thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của chính quyền với người dân trong thiên tai.
Ghi nhận và biểu dương Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng hợp nhanh và đề xuất phương án hỗ trợ hợp lý, kịp thời đối với các trường hợp bị ảnh hưởng bởi bão số 3, đồng chí Vương Quốc Tuấn đề nghị ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành chức năng vận dụng tối đa các quy định, hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng được thụ hưởng. Hoàn thiện nội dung báo cáo, trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét và thông qua kỳ họp Hội đồng nhân dân của tỉnh sắp tới để giúp người dân và doanh nghiệp có thêm nguồn lực để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Song Hà, công tác triển khai hỗ trợ thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đang gặp phải nhiều khó khăn. Cụ thể, mức hỗ trợ thiệt hại theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ chỉ áp dụng đối với cây trồng, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, gia súc gia cầm, tuy nhiên giá trị hỗ trợ rất thấp so với với chi phí đầu tư thực tế của người dân. Chính vì vậy, cùng với việc đề xuất chính sách hỗ trợ người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục đề nghị tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, điều chỉnh nâng mức giá hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.